1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hung thủ giết người khiến ông Nén ngồi tù oan đối mặt với án tử

(Dân trí) - Theo các luật sư, hành vi giết bà Bông của Nguyễn Thọ (sau đó cơ quan điều tra bắt nhầm ông Huỳnh Văn Nén) thực hiện vào năm 1998 nên sẽ áp dụng bộ luật Hình sự năm 1985 chứ không phải bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, với hành vi phạm tội nghiêm trọng của Thọ, áp dụng bộ luật nào thì cũng đều đối mặt với mức án tử hình.

Tù nhân minh oan cho ông Nén

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/8, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thọ (sinh năm 1975, ngụ huyện Hàm Tân) phạm tội “giết người” và “cướp tài sản”. Thọ được xác định là hung thủ giết người khiến ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan hơn 17 năm.

Theo hồ sơ, ngày 23/5/1998, Thọ và Hồ Thanh Việt (ngụ cùng địa phương) ngồi nhậu với nhau đến tối và bàn nhau đi cướp dây chuyền của con gái bà Lê Thị Bông sống cùng thôn. Rạng sáng 24/5/1998, trong lúc 2 thanh niên này đang cạy tủ để lấy đầu đọc băng thì bị bà Bông nhìn thấy. Thọ và Việt đã khống chế bà Bông, dùng dây mang theo siết cổ nạn nhân đến chết.

Sau đó, 2 đối tượng lột lấy nhẫn vàng trên tay nạn nhân và đến nhà bạn là Nguyễn Phúc Thành (sống cùng thôn). Tại đây, Thọ và Việt khoe vừa trộm được nhẫn vàng. Lúc này, tin bà Bông bị giết đã lộ ra, anh Thành nghi ngờ hỏi thì 2 thanh niên thừa nhận đã giết người phụ nữ cùng thôn để cướp tài sản.

Sau khi xảy ra vụ án, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ một người dân địa phương là Huỳnh Văn Nén vì cho rằng ông đã giết bà Bông. Ông Nén bị kết án tù chung thân về các tội giết người, cướp tài sản và dẫn đến việc ngồi tù oan hơn 17 năm.

Nguyễn Thọ tại cơ quan điều tra
Nguyễn Thọ tại cơ quan điều tra

Còn ông Thành dính vào một vụ án khác và lĩnh 18 tháng tù giam. Trong thời gian thụ án, người đàn ông này nghe tin ông Nén bị bắt vì giết bà Bông. Biết ông Nén bị oan, anh Thành đã tố cáo Thọ và Việt đến các cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, ngày 14/10/2000, Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Thuận nhận được đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành (thời điểm đó đang cải tạo tại trại giam Sông Cái) về việc Nguyễn Thọ và một đối tượng khác giết bà Lê Thị Bông. Dù vậy, sau đó, cơ quan CSĐT khi đó kết luận là đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành không đúng sự thật.

Trước kết luận của cơ quan điều tra, gia đình ông Huỳnh Văn Nén tiếp tục gửi đơn kêu oan đến các nơi. Ngày 27/8/2014, cơ quan CSĐT Bộ Công An lập chuyên án, truy xét đối tượng giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Thọ và đối tượng được nêu trong đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành năm 2000.

Tháng 10/2015, Nguyễn Thọ định trốn sang Campuchia, nhưng chưa kịp trốn đã bị cơ quan công an bắt giữ. Qua khai thác, Nguyễn Thọ khai nhận cùng đối tượng nêu ở trên giết bà Bông vào đêm 23/4/1998, để cướp tài sản.

Áp dụng luật tại thời điểm gây án

Anh Nguyễn Phúc Thành cho biết: “Thọ đã có ý đồ từ trước, chuẩn bị sẵn dao, dây dù cắt ở dây cột gàu múc nước giếng, đi theo sau bà Năm, choàng dây qua cổ và giật bà ngã ngược ra sau cho tới khi bà chết. Lúc đó, tôi không tin câu chuyện thì Thọ lấy chiếc nhẫn mà Thọ cướp được sau khi giết bà Năm “tép” ra và chỉ cho tôi xem đường máu chạy dài ở lai quần Thọ”.

“Sau đó, tôi thấy ông Nén bị giam nhưng cũng không dám khai báo vì chưa dám khẳng định người giết bà Năm “tép” là Thọ, tôi nghĩ Thọ chỉ “quăng lựu đạn” để lấy tiếng. Lúc đó, tôi đang thụ án tại trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận). Nghe tin ông Nén (là dượng tôi) có thể bị xử tử hình, nên tôi làm đơn tố cáo căn cứ vào việc Thọ thú nhận với tôi. Khi đó, tôi chỉ còn khoảng 2 tháng là mãn hạn tù”, anh Thành kể tiếp.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Nguyễn Thọ bị truy tố về 2 tội tội “giết người" theo điểm e, khoản 1, điều 101 BLHS năm 1985, có khung hình phạt cao nhất là tử hình; và tội "cướp tài sản của công dân" theo khoản 1, điều 151 BLHS năm 1985, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Tổng hình phạt Thọ phải đối mặt là mức án tử hình.

Luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết: “Pháp luật Việt Nam không có hồi tố nên sự việc xảy ra vào thời gian nào thì áp luật có hiệu lực tại thời điểm vụ án xảy ra. Trong vụ án này xảy ra vào năm 1998, vì vậy cần áp dụng bộ luật Hình sự năm 1985, không thể áp dụng khoản 1 điều 93 bộ luật Hình sự năm 1999”.

Đồng quan điểm của luật sư Thêm, luật sư Thái Văn Chung (hãng luật Nguyên Giáp) cho biết thêm, thời điểm xảy ra vụ án vào thời gian nào thì áp dụng điều luật có hiệu lực tại thời điểm đó. Tuy nhiên nếu trong bộ luật Hình sự mới có lợi cho bị cáo thì cần phải áp dụng.

Theo ông, trong vụ án này bị cáo Thọ bị truy tố bởi 2 tội giết người và cướp tài sản, nếu áp dụng bộ luật 1985 hay 1999 thì mức án bị cáo Thọ phải đối mặt cũng là tử hình. Với hành vi nguy hiểm một lúc phạm liên tiếp nhiều tội. Sau khi phạm tội, bị cáo lẩn trốn suốt thời gian dài gây cản trở tới việc thực thi pháp luật, đây là những tình tiết tăng nặng hình phạt đối với bị can Thọ.

Xuân Duy – Trúc Hà