1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hứa Thị Phấn “thổi phù” giá trị căn nhà lên gấp 8 lần

(Dân trí) - Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có giá trị 154 tỉ đồng nhưng Hứa Thị Phấn nâng khống lên và chỉ đạo các lãnh đạo ngân hàng Đại Tín mua với giá 1.260 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng này 1.100 tỉ đồng.

Ngày 10/5, phiên tòa xét xử 28 bị cáo về tội cố ý làm trái, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng Đại Tín tiếp tục phần xét hỏi làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (do bà Hứa Thị Phấn làm chủ) từ 154 tỉ lên 1.260 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 1.105 tỉ đồng.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Theo nội dung vụ án, tháng 6/2010, ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ là 3.000 tỉ đồng, người đại diện trước pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn. Tuy nhiên, ông Toàn chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa. Còn Hứa Thị Phấn tuy chỉ giữ chức cố vấn cao cấp HĐQT và cố vấn hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín nhưng sở hữu và nắm giữ 84,92% cổ phần, thao túng lũng đoạn mọi hoạt động của ngân hàng.

Thông qua các công ty của mình cũng như mối quan hệ họ hàng hoặc nhân viên cấp dưới đứng tên mua 26 bất động sản, Hứa Thị Phấn dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị. Sau đó, Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo ngân hàng Đại Tín mua lại các bất động sản trên với giá cao gấp 2 đến 8 lần so với giá trị trường.

Trong hàng loạt bất động sản trên, “kỷ lục” nâng khống giá thuộc về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM. Căn nhà này có diện tích đất là 622m2, diện tích xây dựng là 270m2, diện tích sử dụng là 309m2.

Trước đó, bị cáo Hoàng Văn Toàn, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín khai việc ký vào các biên bản, nghị quyết, hợp đồng mua bán căn nhà nói trên là theo chỉ đạo của Hứa Thị Phấn và căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của công ty Trust Asset.

Theo cáo trạng, công ty Trust Asset có chức năng định giá bất động sản nhưng không có chức năng thẩm định giá. Tuy nhiên, ngày 27/11/2011, công ty Trust Asset và công ty địa ốc Lam Giang đã ký hợp đồng thẩm định giá, giao cho Bùi Thế Nghiệp định giá căn nhà trên. Sau đó, công ty Trust Asset ban hành chứng thư thẩm định giá, định giá căn nhà là 1.268 tỉ đồng (gấp 8 lần giá thị trường).

Khi bị xét hỏi căn cứ gì để các bị cáo định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ 154 tỉ thành 1.268 tỉ đồng, bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nhân viên định giá Công ty Trust Asset) cho rằng bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc công ty là bị cáo Nguyễn Công Tụ.

Bị cáo Nghiệp cho biết bản thân mình chỉ học 1 tháng rưỡi để có chứng chỉ định giá bất động sản chứ không có thẻ thẩm định giá và bị cáo cũng không có chuyên môn về thẩm định giá.

Bị cáo Nghiệp khai tất cả những chứng thư thẩm định trước đây bị cáo đã định giá bằng phương pháp so sánh. Tuy nhiên, trường hợp này bị cáo lại định giá bằng phương pháp thặng dư mà không hiểu gì về điều kiện áp dụng phương pháp này.

Cụ thể, khi ban giám đốc yêu cầu bị cáo định giá tài sản căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, trong khoảng thời gian này bị cáo đã lên mạng và chạy trên đường Phạm Ngọc Thạch để tìm tài sản so sánh vì khi định giá phải có tài sản so sánh nhưng không tìm thấy.

Sau đó, trước sự hối thúc của ban lãnh đạo, phó giám đốc Lê Hoàng Minh đã nói bị cáo an tâm vì định giá chỉ để tham khảo, để kêu gọi đầu tư, chạy dự án 50 năm nên bị cáo đã định giá theo phương pháp thặng dư. Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư thì bị cáo Nghiệp không trả lời được.

Khi được hỏi tại sao bị cáo chỉ có thẻ định giá mà lại ra chứng thư thẩm định, bị cáo Nghiệp nói: "Bị cáo biết việc làm này là sai và có báo cáo với giám đốc nhưng giám đốc nói biểu mẫu đã làm sẵn, cứ làm theo nghiệp vụ của bị cáo. Bị cáo rất hối hận".

Bị cáo Nguyễn Công Tụ thì cho rằng không chỉ đạo và không nghe báo cáo từ bị cáo Nghiệp. Ông Tụ thừa nhận việc phát hành chứng thư thẩm định là sai quy định của pháp luật. Ông Tụ khai khi ký kết luận định giá và chứng thư thẩm định ông không có chuyên môn nên nhầm lẫn giữa chức năng định giá và thấm định giá.

Xuân Duy