1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM

“Giải mã” những vụ án thương tâm muốn được chết "trọn vẹn"

(Dân trí) - Bi kịch xảy ra trong những gia đình mà không chỉ kẻ thủ ác phải trả giá bằng chính mạng sống của mình mà còn cướp đi sinh mạng của người “đầu ấp, tay gối” với họ đã được các chuyên gia tâm lý "giải mã".

“Hóa giải” mâu thuẫn bằng…“điện, xăng, dao”

Vài ngay qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về hành vi tàn ác của Ngô Phát Tài (46 tuổi, 8A/1A đường Bông Văn Dĩa, ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Rạng sáng 16/6, chỉ vì mâu thuẫn trong chuyện tiền bạc mà Tài đã chích điện “vợ hờ” là chị Phạm Kim Trang (39 tuổi) và bé Lê Quốc Vũ (12 tuổi, con riêng của chị Trang) khiến cả hai gục tại chỗ. Chưa dừng lại ở đó, đối tượng này còn lấy xăng tưới lên chính mình và mẹ con chị Trang rồi châm lửa đốt.

Hiện trường vụ giải quyết mâu thuẫn bằng điện, xăng do ông Tài gây ra khiến 3 người thiệt mạng
Hiện trường vụ giải quyết mâu thuẫn bằng điện, xăng do ông Tài gây ra khiến 3 người thiệt mạng

Khi người dân phát hiện, phá cửa sổ, đập tường đưa được 3 người ra ngoài thì tất cả bị bỏng khá nặng. Ông Ngô Phát Tài và chị Trang tử vong ngay sau đó. Riêng bé Vũ được chuyển thẳng đến bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tuy nhiên, vết bỏng chiếm trên 90% cơ thể nên chỉ sau vài giờ bé Vũ cũng thiệt mạng.

Người thân của chị Trang cho biết, giữa chị Trang và ông Tài tự về sống như vợ chồng với nhau tại căn nhà tại huyện Bình Chánh do chị Trang mua lại của người quen. Cách đây không lâu, Tài lấy của chị Trang một số tiền lớn bỏ đi hơn 1 tuần mới về nhà.
 
Từ chuyện này hai người nảy sinh mâu thuẫn. Có lúc, ông Tài còn thổ lộ với một số người rằng “Sống không có gì trong tay, vậy thì sống và chết có gì khác biệt”. Cũng chính từ đó, người đàn ông này có suy nghĩ lệch lạc và khi mâu thuẫn lên đỉnh điểm thì ông Tài đã nhẫn tâm sát hại “vợ hờ” cùng con riêng rồi cùng chết để cho “trọn vẹn”.

Dù các cơ quan chức năng có vào cuộc điều tra thì vụ án cũng nhanh chóng kép lại bởi chính kẻ thủ ác cũng đã bỏ mạng. Có chăng, nỗi đau này chỉ những người thân của họ gánh chịu.

Một vụ án khác xuất phát từ mâu thuẫn gia đình và cách hành xử mù quáng của người chồng đã cướp đi sinh mạng vợ mình. Dù tự dùng dao đâm vào bụng để chết theo vợ nhưng hành động đó cũng không thể giúp đối tượng này thoát bản án “Giết người”.

Vụ việc được xác định xảy ra vào sáng 17/6, tại ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Vào thời điểm trên, nhiều người dân cư ngụ tại khu nhà trọ đóng tại địa chỉ trên nghe tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ căn phòng do vợ chồng chị Huỳnh Thanh Thủy (23 tuổi) và Huỳnh Phúc Huy (25 tuổi) thuê trọ.

Khi mọi người chạy đến nơi thì phát hiện chị Thủy nằm gục trên vũng máu, ngay kế bên Huy quằn quại với con dao vẫn găm dưới ổ bụng. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng chị Thủy đã tử vong vì thương tích quá nặng gây mất máu nhiều. Riêng Huỳnh Phúc Huy vẫn đang được điều trị tại bệnh viện dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.

Được biết, giữa tên Huy và vợ xảy ra mâu thuẫn xoay quanh chuyện tiền bạc. Nhiều lần cãi vã đã xảy ra nhưng đỉnh điểm của sự nông nổi, thiếu kìm chế mà Huy đã sát hại chính vợ mình.

Giải mã

Luật sư
Luật sư Nguyễn Văn Trường

Trước những vụ án mạng đau lòng xảy ra mà kẻ thủ ác chính là những người rất thân tình với nạn nhân. Luật sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP.HCM đã chia sẻ với Dân trí về góc độ pháp luật và kinh nghiệm qua những lần tham gia xét xử các vụ án liên quan đến vấn đề trên.

Luật sư Trường cho biết, gần như 100% người phạm tội sau đó đều hối hận về hành vi của mình, điều này cho thấy đa số họ đều không lường trước được hết hậu quả.

“Nhiều yếu tố về tâm, thể, sinh lý khiến người đàn ông dễ “hóa rồ” trước những mâu thuẫn gia đình, nhất là khi những mâu thuẫn đó xuất phát từ khó khăn về tiền bạc. Có thể nói, sức chịu đựng khó khăn về tiền bạc của đàn ông không bằng phụ nữ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của tính gia trưởng khiến người đàn ông Á đông dễ xốc nổi, dễ tự cho mình cái quyền định đoạt nhiều thứ trong gia đình, có khi cả tính mạnh, sức khỏe của mình và người thân” – Luật sư Trường nhấn mạnh.

Mở rộng phân tích, luật sư Trường nhận định, trình độ và nhận thức có liên quan mật thiết đến những vụ án kiểu như trên. Tuy nhiên, yếu tố này không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với nhau. Cuộc sống gia đình không ai tránh được những lúc khó khăn, mâu thuẫn. Chỉ có những người tập được cách sống có trách nhiệm và biết tôn trọng cuộc sống, tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình mới có thể “kìm” được “cái tôi” khỏi những xốc nổi, bốc đồng.

Hậu quả nặng nề thường thấy sau những giây phút nông nổi có khi là: người chết, người bị thương, con cái mất cha mẹ, cha mẹ mất con,… Còn bản thân người phạm tội thì tùy trường hợp có khi bị kết án: “Tội giết người” theo Điều 93 BLHS, “Tội cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS, “Tội làm nhục người khác” theo Điều 121 BLHS …

“Tôi luôn thấy thật khó, vì phải cân nhắc thật kỹ từng câu từ khi phát biếu trước tòa, nói sao đó mà vẫn thể hiện sự trung thành với quyền lợi của thân chủ nhưng cũng tránh được sự “đụng chạm” gây đau lòng cho những người khác trong vụ án. Lý do thật tế nhị vì họ đều là người trong cùng một gia đình. Tôi luôn mong sao những điều đáng tiếc đó đừng xảy ra” – Luật sư Trường chia sẻ.

Theo một số chuyên gia, tâm lí con người, hành vi của những người này được gọi là hành vi bị kích động. Hành vi này nảy sinh khi con người bị kích thích mạnh về thần kinh và bản thân không tự kiểm soát được những hành động bộc phát từ những sự kích thích này.
 
Thông thường, khi sát hại người thân yêu của mình những người này đều tự sát để “trọn vẹn”. Khi rơi vào trạng thái này, mọi người nên bình tĩnh, có thể lánh mặt để tránh sự kích động từ hai phía nhằm hạn chế những hậu quả đau lòng từ những phút nông nổi có thể gây ra.

Trung Kiên