1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gã thợ xây cướp tiệm vàng ra tòa đòi lại… não

(Dân trí) - Nợ nần chồng chất, chủ thầu nảy sinh ý định đi cướp tiệm vàng và rủ nhóm thợ hồ cùng tham gia, trong đó có Tiếp. Vụ cướp không thành, nhóm thợ này bị bắt. Khi ra tòa, Tiếp tỏ ra ngớ ngẩn và liên tục đòi mọi người trả lại… não.

Ngày 9/5, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Đức Thắng (sinh năm 1990, quê Quảng Nam) 12 năm tù về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt Thắng phải chấp hành là 20 năm tù.

Bị cáo Thắng tại tòa
Bị cáo Thắng tại tòa

Theo cáo trạng, vụ án cướp tiệm vàng Kim Ngọc Thành 2 (quận Tân Phú) xảy ra năm 2011 từng gây xôn xao dư luận bởi gia đình ông chủ tiệm vàng đã cương quyết chống cự với 4 đối tượng phạm tội liều lĩnh.

Cáo trạng được công bố cho thấy bị cáo Lê Đức Thắng chỉ học đến lớp 2, sau đó nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 19 tuổi, Thắng rời quê nhà Quảng Nam vào Sài Gòn làm thợ hồ cho đến ngày bị bắt.

Vụ án khởi nguồn từ khi Thắng đồng ý làm thợ hồ cho chủ thầu tên Hà Văn Tiếp. Là ông chủ nhưng do làm ăn thua lỗ, nợ nần từ việc thua cờ bạc nên Tiếp đã rủ rê Thắng cùng đám nhân viên đi cướp tiệm vàng kiếm tiền tiêu xài thì tất cả đồng ý.

Thắng nhờ Lê Đức Thọ là anh ruột của Thắng mua một khẩu súng tự chế cùng 15 viên đạn. Ngày 14/2/2011, Tiếp kêu Phước mua 4 con dao làm hung khí gây án.

Khoảng 17h ngày 16/2/2011, Tiếp cùng Thắng, Phương, Phước đi nhậu. Đến 19h cùng ngày, cả nhóm về phòng trọ lấy dao, súng để đi cướp tiệm vàng. Thắng cầm súng và 15 viên đạn, những người còn lại cầm dao.

Theo sự phân công của Tiếp, Phước và Phương đứng ngoài cảnh giới, ai xông vào cứu người trong tiệm vàng thì dùng dao đâm. Thắng dùng súng uy hiếp chủ tiệm vàng để Tiếp lấy tài sản.

Sau khi phân công, cả nhóm đi trên 2 xe máy đến đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) tìm tiệm vàng vắng khách để cướp. Khi thấy tiệm vàng Kim Ngọc Thành 2 vắng người nên cả nhóm quyết định cướp tiệm vàng này. Khi vào trong tiệm vàng, Thắng và Tiếp dùng hung khí không chế anh Lê Ngọc Thạch (chủ tiệm vàng).

Thắng cầm súng bắn một phát về phía anh Thạch nhưng không trúng. Anh Thạch chạy vào trong nhà kêu cứu. Nghe tiếng kêu cứu, anh Lê Quốc Quy (là chủ nhà) chạy ra hỗ trợ, lấy can nhựa ném về phía Thắng.

Tiếp vào bên trong định lấy vàng nhưng bị anh Quy dùng quạt để bàn đánh. Thấy người của tiệm vàng chống cự quyết liệt nên Phương và Phước bỏ chạy. Lúc này, Thắng tiếp tục bỏ đạn vào súng và bắn anh Quy một phát trúng chân.

Không cướp được vàng, Tiếp, Phương và Phước chạy ra ngoài để tẩu thoát, riêng Thắng do bị té nên bị quần chúng bắt giao công an.

Trong các ngày 19/2/2011, 2/3/2011 và 4/4/2011, các đối tượng Phước, Tiếp và Phương lần lượt ra đầu thú tại cơ quan công an.

Sau đó, Phước, Tiếp, Phương đã được TAND TPHCM đưa ra xét xử ngày 26/6/2012. Còn đối với Thọ do mua súng tự chế, không phải vũ khí quân dụng, chưa có tiền án tiền sự nên xử phạt hành chính.

Riêng Thắng trong quá trình điều tra thì phát bệnh tâm thần và được đưa đi chữa bệnh, đến nay bệnh đã ổn định nên mới đưa ra xét xử.

Đứng trước tòa, bị cáo thường xoay, lắc đầu và bảo: “Hãy trả lại não cho tôi, trả lại não cho tôi”…

Khi được tòa hỏi, Thắng khai: “Bị cáo được ông chủ phân công đứng cầm súng uy hiếp chủ tiệm vàng để các đối tượng cướp vàng. Nếu phải bắn thì không được bắn trúng người. Bị cáo được phân công như vậy chứ không có ý định giết ai…”

Luật sư Đỗ Hải Bình bào chữa chỉ định cho bị cáo đưa ra quan điểm: “Kết quả giám định thể hiện súng tự chế bắn được từ 5-10m, khi bắn có gây chết người hay không còn tùy thuộc vào tầm bắn, độ sát thương còn tùy thuộc vào số lượng phát bắn và vị trí tổn thương trên cơ thể”. Vì vậy, luật sư cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội giết người là không chính xác..

Tuy nhiên, dựa vào lời khai của các bị cáo khác, dấu vết tại hiện trường và các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, HĐXX khẳng định có đủ cơ sở xác định Thắng phạm tội giết người và cướp tài sản. Song xét thấy bị cáo phạm tội chưa đạt, từng mắc bệnh tâm thần… nên tòa đã tuyên mức án nêu trên..

Xuân Duy