1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ninh Bình:

Dùng xẻng gây thương tích nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

(Dân trí) - Nam thanh niên dùng xẻng gây thương tích cho nạn nhân nhưng cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình không truy cứu trách nhiệm hình sự. Lý do được đưa ra là nạn nhân đã chết sau đó nên không thể giám định tỷ lệ thương tật.

Ngày 15/6, TAND tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với bị cáo Phạm Văn Chuốt (SN 1979), xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình.

Theo cáo trạng, ông Phạm Văn Cõn (anh trai ông Chuốt), thường xuyên uống rượu rồi chửi bới, xúc phạm gia đình nhà vợ.

Biết vậy nên tối ngày 21/10/2015 anh Vũ Quang Tuyển (SN 1981, anh em con cô con cậu với vợ ông Cõn) cùng với Đỗ Văn Thuyên (SN 1992), Đỗ Mạnh Hùng (SN 1984) đều anh em họ (trú tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư) đến nhà ông Cõn, nhưng chỉ anh Tuyển và Thuyên vào nói chuyện, Hùng bỏ về.

Anh Tuyển yêu cầu ông Cõn không được xúc phạm ông bà, tổ tiên nhà mình (tức gia đình vợ ông Cõn) nhưng ông này không nghe. Hai bên xảy ra cãi vã. Phạm Văn Chuốt (em trai ông Cõn) ở sát vách nhà anh trai chạy sang đuổi nhóm anh Tưởng khỏi nhà và thách thức đánh nhau.

Lúc này, Hùng thấy nhóm anh Tuyển đến nhà ông Cõn lâu về nên dắt dao bài đến tìm, hai bên xảy ra đánh nhau.

Bị cáo Chuốt trước vành móng ngựa trong phiên tòa xét xử tội Giết người
Bị cáo Chuốt trước vành móng ngựa trong phiên tòa xét xử tội "Giết người"

Bị cáo Chuốt chạy về nhà lấy tuýp nước sắt ra đối phó thì anh Tuyển nhìn thấy ôm lại, can ngăn. Nhân cơ hội, Hùng cầm dao bài tới chém vào lưng Chuốt. Bênh em trai, ông Cõn vào nhà cầm dao bài và gậy sắt ra ứng cứu. Thấy vậy, Anh Tuyển liền cầm ống nước giằng được từ tay Chuốt đánh ông Cõn.

Thấy bố bị đánh, Phạm Văn Thiên (20 tuổi, con trai ông Cõn) chạy ra cầm xẻng ở đống cát trước nhà đánh 2 nhát vào vào mặt anh Tuyển làm gãy xẻng. Định đánh cái thứ 3 thì đã bị Hùng lao tới chém hai nhát vào má trái và mu bàn tay.

Sự việc chưa dừng lại, bị cáo Chuốt sau khi bị Hùng chém đã dùng gậy gỗ làm vũ khí, đuổi đánh Hùng. Không tìm thấy Hùng, Chuốt cầm luôn gậy vụt mạnh vào đầu anh Tuyển làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Ông Chuốt và Thiên (con ông Cõn) bị thương, được gia đình đưa đến bệnh viện chữa trị.

Kết quả giám định tử thi cho thấy anh Tuyển bị chấn thương sợ não, dập xương sọ thái dương đỉnh phải, chảy máu và dập não. Vết thương vành tai trái. Da vết bầm tụ máu. Cơ quan chức năng cũng xác định nguyên nhân cái chết của anh Tuyển là do chấn thương sọ não có dập vỡ, lún xương sọ do vật tày cứng, có dạng trụ tròn gây nên (là thanh gỗ mà Chuốt dùng đập anh Tuyển). Còn vết thương rách da đã nói ở trên cũng được xác định là do vật cứng có cạnh gây nên (chiếc xẻng mà Thiên dùng đánh vào mặt anh Tuyển)

Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Chuốt tội “Giết người”, Đỗ Mạnh Hùng tội “Cố ý gây thương tích” (đã xét xử riêng trong một phiên tòa trước đó và bị tuyên phạt 30 tháng tù giam), bố con ông Cõn không bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự dù Phạm Văn Thiên (con trai ông Cõn) dùng xẻng đánh anh Tuyển.

Tại phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Chuốt (ngày 15/6), Thiên thừa nhận toàn bộ việc đánh nhau và dùng xẻng đánh vào mặt nạn nhân. Luật sư đại diện quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân và phía gia đình nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng giám định bổ sung thương tật của nạn nhân dựa trên hồ sơ để làm căn cứ truy tố Thiên tội “Cố ý gây thương tích” khi dùng xẻng đánh vào mặt anh Tuyển.

Gia đình bị hại bức xúc tại phiên tòa vì cho rằng nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án bị bỏ qua, nhiều đối tượng gây ra sự việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Gia đình bị hại bức xúc tại phiên tòa vì cho rằng nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án bị bỏ qua, nhiều đối tượng gây ra sự việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đại diện Trung tâm giám định pháp y (Sở Y tế Ninh Bình) cho rằng chỉ có thể xác nhận tỷ lệ thương tật dựa trên hồ sơ chứ không thể kết luận tỷ lệ thương tật dựa trên hồ sơ của người đã chết (Tòa chỉ căn cứ kết luận, xác nhận chỉ có giá trị tham khảo). Vì thế đại diện VKSND tỉnh Ninh Bình cũng cho rằng không đủ chứng truy cứu trách nhiệm hình sự Phạm Văn Thiên. Vị này cũng đề nghị truy tố bị cáo Phạm Văn Chuốt tội “Giết người” theo khoản 2 điều 93, Bộ luật Hình sự, với mức án từ 12 – 13 năm tù giam.

Đại diện VKS vừa dứt lời, gia đình nạn nhân đã phản ứng gay gắt. Nhiều người gào khóc, vật vã ngay trong khán phòng, yêu cầu cơ quan chức năng làm công minh, đúng người đúng tội, không được bỏ lọt tội phạm. Nhiều người khác cầm di ảnh nạn nhân và tấm biển có dòng chữ “trả lại bố cho cháu” nhằm gây áp lực với tòa.

Chủ tọa phiên tòa phải dừng xét xử và yêu cầu hàng chục chiến sĩ công an ổn định phiên tòa. 15 phút sau, phiên tòa mới tiếp tục.

Tranh luận tại tòa, Luật sư đại diện quyền, nghĩa vụ hợp pháp cho gia đình nạn nhân khẳng định có thể giám định tỷ lệ thương tật dựa trên hồ sơ của người đã chết. Luật sư cũng đưa ra bằng chứng là 2 vụ án trước đó cũng sử dụng phương pháp này để truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo khác. Và chính vị đại diện trung tâm pháp y Ninh Bình có mặt trong phiên tòa này đã thực hiện việc này.

Ngoài ra vị Luật sư còn yêu cầu gia đình bồi thường 50 triệu chi phí chữa bệnh cho nạn nhân, mai táng phí; đền bù tổn thất tinh thần 60 tháng lương tối thiểu; trợ cấp cho 2 con gái của nạn nhân 750 nghìn đồng/người/tháng, cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi; trợ cấp cho bố mẹ nạn nhân 300 nghìn đồng/người/tháng.

Sau phần nghị án vào chiều cùng ngày làm việc, xét thấy hồ sơ vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, TAND tỉnh Ninh Bình tuyên bố trả hồ sơ vụ án để điều tra lại, đồng thời yêu cầu giám định bổ sung tỷ lệ thương tật nạn nhân theo hồ sơ để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Văn Thiên (con ông Cõn).

Thái Bá