Điều còn lại sau những bản án

(Dân trí) - Phía sau những bản án được tuyên, tôi vẫn thấy le lói chút lương tri còn sót lại của nhiều tội nhân. Những cái giá họ phải trả cho tội ác không hề nhỏ khiến tôi không khỏi xót xa: giá như ai cũng giữ được lương tri cho mình!

Những đứa trẻ vô tư nô đùa chơi ở các phiên tòa xét xử bố mẹ
Những đứa trẻ vô tư nô đùa chơi ở các phiên tòa xét xử bố mẹ

Tôi là một phóng viên thường thông tin về mảng pháp luật, trong đó không hiếm các vụ trọng án. Làm thế nào để những phản ánh của mình về các vụ án, những người phạm tội không sa vào giật gân, câu khách, cổ súy cho sự suy đồi đạo đức, lối sống? Lời động viên của một đàn anh đi trước đã giúp tôi tìm được hướng đi cho riêng mình.

Lần đầu tiên gặp tôi, anh đã nói: “Em đừng đi sâu khai thác các tình tiết phạm tội, hãy nhìn sâu vào những khía cạnh “con người” nhất của từng tội nhân, có như thế bài viết của mình mới có giá trị nhân văn và có tác động lớn hơn đối với xã hội”. Lời khuyên chân thành của anh đã giúp tôi không sa đà vào những cái gọi là “cướp - giết - hiếp” đầy rẫy trên những trang báo.

Và tôi hiểu rằng, dù có phạm tội ác đến đâu thì ẩn sâu trong mỗi con người, một chút lương tri vẫn còn sót lại. Và nhiệm vụ của người cầm bút là góp phần đánh thức lương tri đã và đang ngủ quên trong mỗi con người, và hơn hết là cảnh tỉnh cho người khác không sa vào con đường tội lỗi.

Vụ án hình sự đầu tiên mà tôi được tiếp cận là vụ việc đã khiến dư luận xứ Nghệ bàng hoàng suốt một thời gian dài và cũng là vụ án đã ám ảnh tôi nhiều nhất. Ám ảnh bởi lẽ đằng sau vụ án đó là số phận của 6 con người đã hoàn toàn thay đổi, tiếc rằng sự thay đổi đó chỉ có nỗi đau, nước mắt và lòng thù hận. Chỉ vì cãi nhau về một chuyện không đâu, Bùi Thị Dung (trú tại xã Nghi Kim, Tp Vinh, Nghệ An) đã cầm búa giáng liên tiếp vào đầu chồng cho đến khi nạn nhân chết tại chỗ.

Ngày ra tòa nhận sự trừng phạt của pháp luật, giọt nước mắt muộn màng đã rơi trên gương mặt của người đàn bà “máu lạnh”. Cái án chung thân là hình phạt thích đáng cho tội ác tày trời mà Bùi Thị Dung đã gây ra, nhưng đằng sau vụ án này là nỗi đau dai dẳng của 4 đứa con của Dung với người chồng xấu số. Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì những đứa trẻ này phải đến tòa dự án phiên xử của mẹ. “Xin tòa tử hình mẹ cháu, bà ấy không đáng được sống”, đứa con gái thứ 2 của Dung nói trước tòa trong nước mắt.

Có lẽ khi thốt ra được những điều “bất hiếu” như vậy cháu bé đã bị dằn vặt nhiều lắm, nhưng nỗi đau quá lớn, liệu tâm hồn non nớt của cháu có thể lành lặn trước tội ác của người đã mang nặng đẻ đau ra mình? Dẫu biết rằng, rồi đây, cháu cũng phải nén nỗi đau xuống mà gồng mình thay cha mẹ chăm lo học hành cho đứa em út mới hơn 10 tuổi. Cuộc sống của những đứa con sẽ như thế nào trong những ngày không còn cha mẹ? Không hiểu những ngày tự đối diện với lương tâm của mình trong 4 bức tường trại giam, người mẹ độc ác ấy có nghĩ tới không. Giọt nước mắt của đứa con xin tòa xử tử hình mẹ cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Giá như ai cũng giữ được lương tri cho mình thì có lẽ những tội ác thảm khốc đã không xảy ra (
Giá như ai cũng giữ được lương tri cho mình thì có lẽ những tội ác thảm khốc đã không xảy ra (trong ảnh là tử tù Lê Ngọc Quân)

Cũng đã hơn một năm trôi qua, nhưng vụ án giết người yêu vì bị từ chối vẫn khiến tôi sốc mỗi khi nhớ lại bởi bị cáo là phạm nhân nhận án tử hình trẻ tuổi nhất mà tôi từng gặp. Và có lẽ đến thời điểm này, Lê Ngọc Quân (SN 1991, trú tại Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) đang dằn vặt mình trong phòng biệt giam đợi ngày thi hành án. Tội ác mà tên sát nhân đang là sinh viên trường y này gây ra cũng thật khủng khiếp: vào ngày 20/2/2011, chỉ vì bị người mình yêu từ chối tình cảm, tự tử bất thành, Quân dùng chính con dao đó tước đoạt mạng sống của nạn nhân.

Nhìn Quân hiền lành, trắng trẻo và nụ cười cũng hiền khô tôi không nghĩ cậu ta có thể hành động một cách dã man như thế. Tại phiên tòa xét xử, Quân vẫn giữ nụ cười bình thản và sẵn sàng đón nhận mọi hình phạt của pháp luật, bởi lẽ, như Quân nói, khi bị từ chối tình yêu, y đã không còn muốn sống. Thế nhưng, vị thẩm phán kết thúc lời tuyên án, nụ cuời chợt tắt trên khuôn mặt của Quân khi phía dưới, mẹ y ngất đi vì sốc, dù rằng bà hiểu không còn lối về nào cho đứa con tội lỗi của mình. Cái án tử hình mà Hội đồng xét xử giành cho bị cáo này là hoàn toàn xứng đáng, thế nhưng tương lai sáng ngời của 2 thầy thuốc đã vụt tắt khi nó vừa mới chớm, để lại nỗi đau quá lớn cho các đấng sinh thành.

Là phụ nữ, tôi chú ý nhiều hơn tới những đứa trẻ ở những phiên tòa hình sự. Nếu không phải là người liên quan tới vụ án, chúng sẽ không được vào tham dự phiên tòa. Nhiều đứa trẻ đứng thập thò ngoài của nhìn trộm vào trong tòa, nơi trước vành móng ngựa là mẹ, là cha của chúng. Lòng tham, sự thù hận mù quáng không những khiến họ đánh mất hạnh phúc của mình mà tước đoạt đi cuộc sống bình yên của những đứa trẻ thơ dại.

Khi bị bắt giam về tội mua bán trái phép chất ma túy, Nguyễn Thị Hằng (SN 1977, trú tại Tp Vinh, Nghệ An) đã có 2 đứa con, một đứa của người chồng trước và 1 đứa với người tình. Ngày phiên tòa được đưa ra xét xử, 2 đứa con của Hằng cũng đến. Người đàn bà cầm đầu đường dây mua bán ma túy này đã khóc như mưa khi thấy hai đứa con thơ thẩn nơi tòa án, chốc chốc lại lén nhìn vào chỗ mẹ. 17 năm sau, thi hành xong án tù của mình, Hằng mới có thể quay về làm tốt trách nhiệm của người mẹ. Trong quãng thời gian đó, 2 đứa nhỏ sẽ sống thế nào khi người tình của Hằng cũng xộ khám vì án ma túy. Không hiểu, lúc dấn thân vào con đường buôn bán cái chết trắng, Hằng có nghĩ tới hậu quả này không?

Cái cảnh tử tù Phan Huy Đạt (SN 1985, trú tại xã Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) khắc khoải nhìn đứa con trai 2 tuổi qua tấm kính cửa sổ của tòa án khiến tôi cũng như nhiều người dự khán không khỏi xót xa. Thằng bé chưa đủ lớn để hiểu rằng, bố nó sắp phải trả một cái giá rất đắt cho tội ác của mình. Nhìn thấy bố, thằng bé reo lên bằng cái giọng ngọng nghịu “bố Đạt, bố Đạt ơi”.

Kẻ giết người nước mắt rơm rớm nhìn con. Chỉ vì lòng tham của mình, Đạt đã giết chết bà hàng xóm để cướp đôi bông tai bằng vàng rồi vứt xác xuống sông phi tang. Hắn không chỉ tước quyền được sống của người khác mà đã tước đi quyền được sống của chính mình, và đau đớn hơn cả, Đạt thấm thía ra rằng, hắn đã tước mất quyền có bố của chính đứa con trai chưa tròn 2 tuổi.

Còn bao nhiêu đứa trẻ vô tội sẽ phải chịu cái cảnh có cha có mẹ cũng như không? Bao nhiêu đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi chỉ vì bố mẹ cũng không vượt qua được chính bản thân mình? Liệu những bậc sinh thành ấy có kịp nghĩ đến “khúc ruột” của mình trước khi gây tội ác hay không? Còn với riêng tôi, chỉ mong sao không còn nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ côi cút đáng thương chỉ vì bố mẹ chúng đã đánh mất lương tri của mình.

Tôi không muốn nhắc lại từ “giá như” thêm một lần nữa, bởi lẽ cuộc đời không có hai chữ “giá như” sẽ đẹp hơn rất nhiều. Chỉ ước sao, sau mỗi bài viết của mình, chút lương tri le lói còn sót lại của những kẻ phạm tội sẽ lóe sáng lên, để còn biết ăn năn hối cải, để biết rằng cuộc đời vẫn còn những yêu thương, những điều tốt đẹp lớn lao để sống tốt hơn, để biết rằng làm đau người khác cũng làm đau chính mình…

Hoàng Lam