1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Dang dở sau phiên toà “vợ cố mưu sát chồng”

Bốn năm chung sống trong uất hận, ly hương sau gần 30 năm, trong lần trở về, người vợ thủng thẳng xách dao đến tìm lại người chồng bị cho là tệ bạc, gây ra vụ đâm chém rợn người.

TAND TP Hà Nội vừa mở toà xét xử Phùng Thị Tín (SN 1959, ở huyện Thanh Trì) về hành vi giết người. Bị hại chính là em chồng của Tín. Chị này không may trở thành nạn nhân của một vụ trả thù - hệ luỵ của cuộc hôn nhân đổ vỡ.

 

Theo điều tra của cơ quan chức năng, năm 1981, Tín lập gia đình với ông Đỗ Đình Xuyên (SN 1957, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhưng không có đăng ký kết hôn.

 

Sau 4 năm chung sống, hai bên nảy sinh mâu thuẫn, Tín và chồng sống ly thân. Năm 1989, Tín đi xuất khẩu lao động tại Nga (Liên Xô cũ), đến 1992 về nước. Mặc dù đã có con với người khác, nhưng Tín vẫn nuôi ý định trả thù chồng về những mâu thuẫn trước đó.

 
Bị cáo Phùng Thị Tín trong phiên tòa.
Bị cáo Phùng Thị Tín trong phiên tòa.

 

Sau nhiều lần mưu sát hụt, chiều 24/2/2012, Phùng Thị Tín bắt xe khách từ nhà (huyện Ba Vì) đến khu vực nội thành Hà Nội, thuê nhà nghỉ và lên kế hoạch sát hại ông Xuyên.

 

8h sáng hôm sau, Tín đi xe bus đến khu vực huyện Thanh Trì, tìm mua dao (loại chọc tiết lợn), giấu kín trong túi nilon đen, trùm kín mặt, đội nón, rồi thủng thẳng vào nhà ông Xuyên.

 

Vừa đến khu vực bếp, thấy có người bên trong, Tín cao giọng: “Anh Xuyên có nhà không?”. Chị Đỗ Thị Khanh (SN 1965, em gái anh Xuyến) nói vọng ra: “Anh Xuyên đi vắng rồi”. Thấy vậy, Tín bỏ về.

 

Khi đang đi ngang qua sân, Tín phát hiện chị Khanh đang đi theo sau. Lo sợ chị Khanh nhận ra mình, kế hoạch sát hại anh Xuyên bại lộ, Phùng Thị Tín rút dao đã thủ sẵn đâm thẳng vào người em chồng.

 

Chị Khanh nhanh tay đỡ được nhát dao chí tử, chạy vội ra cổng kêu cứu. Trong cơn hăng máu, Tín đuổi theo đâm liên tiếp vào mặt, bụng, ngực và nhiều vùng trên cơ thể, làm chị này gục ngã. Chị Khanh may mắn bảo toàn được tính mạng khi được những người dân xung quanh phát hiện, ứng cứu kịp thời.

 

Tại phiên xử, Phùng Thị Tín bị truy tố tội Giết người, với tình tiết “Có tính chất côn đồ”. Do khung hình phạt đến tử hình, bị cáo được Toà mời luật sư chỉ định. Nhưng ngay ở phần thủ tục, bị cáo Tín đã viết đơn đề nghị không chấp nhận luật sư, tự tước quyền lợi mà pháp luật cho hưởng.

 

Quá trình xét xử, không đồng tình quan điểm truy tố, Tín biện bạch: “Bị cáo có nỗi oan ức, không phải vô cớ đến nhà anh Xuyên gây chuyện”.

 

Theo bị cáo Tín, từ năm 1981, hai bên gia đình đồng thuận cho Tín và anh Xuyên nên vợ thành chồng và có đăng ký kết hôn. Trong 4 năm chung sống, vợ chồng không có con, Tín thường xuyên bị gia đình chồng và chồng ngược đãi, phải sống trong uất ức không thể giải thoát.

 

Để chứng minh lời nói của mình, Tín đề nghị HĐXX triệu tập anh Xuyên đến toà để đối chất. “Bị cáo không thể trình bày nỗi uất ức của mình nếu không có mặt anh Xuyên ở đây!”, Tín nói tại toà.

 

Chính đề xuất này cũng đã được Toà quan tâm, bởi ngay sau đó, Toà yêu cầu bị hại (em gái anh Xuyên) liên lạc, mời anh này lên toà để cùng làm rõ bản chất khách quan của vụ án. Rất tiếc, anh Xuyên đã không có mặt do đang đi làm xa.

 

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, vị chủ toạ quay sang hỏi chị Khanh (bị hại) về những xung đột trong gia đình. Chị Khanh bảo: “Ngay từ khi về nhà chồng, chị Tín yêu cầu ăn riêng nhưng anh tôi không đồng ý và bảo như vậy là vô lễ. Sau đó hai vợ chồng ly thân”.

 

Tiếp tục truy vấn động cơ sát hại người chồng sau gần 30 năm xa cách, Tín vẫn một mực: “Bị cáo có uất ức trong lòng, không thể rửa sạch. Chỉ có anh Xuyên ở đây, bị cáo mới có thể giãi bày được”. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, bị cáo cố tình gây khó khăn cho công tác xét xử. Sau đó, tuyên bị cáo Tín 14 năm tù.

 

Án đã tuyên, song, với những người dự toà, phiên xử vẫn còn nhiều điều chưa thật sự sáng tỏ, cũng như chưa thuyết phục. Đơn cử như lời khai của bị cáo thể hiện, ít nhiều trong quá trình sống, cũng như giữa bị cáo và chồng có những khuất tất, những bức xúc chưa được làm rõ.

 

Quá trình xét xử, bị cáo Tín còn khai nhận, có việc gia đình chồng đánh đập, gây thương tích nặng nhưng không được xem xét trong vụ án. Giả thiết lời khai của bị cáo là thật, điều đó cũng có nghĩa, việc truy tố tình tiết giết người “có tính chất côn đồ” mặc dù là chính xác, bởi giữa chị Khanh (bị hại) và bị cáo không có mâu thuẫn gì, nhưng chưa thật đầy đủ.

 

Xem xét toàn diện vụ án cho thấy, sau gần 30 năm ly thân, Tín đã nhiều lần muốn gặp anh Xuyên để trả thù nhưng bất thành. Vì sao bị cáo này vẫn quyết tâm trả thù bằng được, vì sao một người phụ nữ đã ly hương nhiều năm, thậm chí đã có một đứa con ngoài giá thú, vẫn một mực phải gặp chồng để “thanh toán nợ nần xưa kia”.

 

Một bản án vẫn còn những điều dang dở...

 

Theo Bảo Thắng

Tiền phong