1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB: Số tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ đang ở đâu?

(Dân trí) - Bằng nhiều thủ đoạn, Phạm Công Danh đã vay được hàng ngàn tỉ đồng từ các nguồn khác nhau để chi dùng cho VNCB, trong đó có 4.500 tỉ đồng chi tăng vốn điều lệ cho VNCB. Tuy nhiên, NHNN không đồng ý việc tăng vốn điều lệ này thì số tiền 4.500 tỉ đồng này đã đi đâu?

Ngày 15/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, xác nhận số tiền 4.500 tỉ đồng nộp vào tài khoản VNCB tại sở giao địch (SGD) NHNN để tăng vốn điều lệ là có thật.
Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, xác nhận số tiền 4.500 tỉ đồng nộp vào tài khoản VNCB tại sở giao địch (SGD) NHNN để tăng vốn điều lệ là có thật.

Trong phiên tòa sáng nay, các luật sư tiếp tục truy số tiền 4.700 tỉ đồng vay từ BIDV để tăng vốn điều lệ VNCB. Đồng thời, các luật sư tiếp tục truy số tiền 4.500 tỉ dùng để tăng vốn điều lệ hiện nay đang ở đâu.

Theo cáo trạng, thông qua 12 công ty, Danh đã vay BIDV số tiền 4.700 tỉ đồng và thông qua 3 pháp nhân, ông Danh đã chuyển tiền về Agribank CN Tân Phú và VNCB để tăng vốn điều lệ.

Vậy số tiền 4.500 tỉ đồng (bao gồm 4.250 tỉ đồng vay từ BIDV trong số 4.700 tỉ đồng và 250 tỉ đồng vay từ TPBank) đi đâu về đâu?

Trước đó, trả lời tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) xác nhận nhóm ông Phạm Công Danh đã nộp 4.500 tỉ đồng vào tài khoản VNCB tại sở giao địch (SGD) NHNN để tăng vốn điều lệ là có thật.

Theo các luật sư của ông Danh, sau khi VNCB chuyển toàn bộ số tiền 4.500 tỉ đồng về NHNN để tăng vốn điều lệ thì NHNN đã có văn bản không chấp nhận việc tăng vốn điều lệ của VNCB. Như vậy, khoản tiền này vẫn thuộc sở hữu của ông Danh, VNCB phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc 4.500 tỉ đồng và lãi suất từ thời điểm đó đến nay với tổng số tiền.

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng Xây dựng - CB (lúc trước là VNCB) từ chối trả lời câu hỏi liệu có trả lại cho ông Danh số tiền này cùng với lãi phát sinh để ông Danh khắc phục hậu quả hay không.

Theo đại diện CB, việc liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng thì nên hỏi cơ quan chủ quản của CB là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có câu trả lời chuẩn xác. Đại diện CB xin khất lại và sẽ trả lời vào chiều 16/1.

Xuân Duy