1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu cán bộ công an, quân đội tham gia đường dây thi hộ vào các trường ngành công an

(Dân trí) - Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012-2013, nhiều đối tượng từng làm trong ngành lực lượng vũ trang đã tổ chức thuê người thi hộ trót lọt 19 trường hợp vào trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần Công an nhân dân và Học viện An ninh nhân dân, thu hàng trăm triệu với mỗi trường hợp.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa xét xử vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với các bị cáo: Nguyễn Văn Phượng (SN 1975, trú tại Thanh Miện-Hải Dương), Nguyễn Tôn Doãn (SN 1955 - trú tại Phường Yên Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội, nguyên cán bộ công tác tại Phòng Hậu cần, Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Công an nhân dân, nay là Trường Đại học Kỹ thuật- Hậu cần Công an nhân dân), Nguyễn Văn Bình (SN 1964, trú tại phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - nguyên cán bộ công tác tại Học viện kỹ thuật Quân sự), Nguyễn Thị Hương (SN 1961, trú tại Hoàng Mai - Hà Nội); Nguyễn Thị Hòa (SN 1967, trú tại Nam Đàn-Nghệ An); Lê Quang Báu (SN 1954, trú tại Nghi Xuân-Hà Tĩnh, nguyên cán bộ Công an tỉnh Nghệ An); Đậu Đức Hải (SN 1964, trú tại Tĩnh Gia-Thanhh Hóa).

Các bị cáo tại phiên xử


Các bị cáo tại phiên xử

Theo cáo trạng, Phượng cùng các đồng phạm đã liên kết, hình thành một đường dây thi hộ vào các trường ngành Công an. Để thực hiện hành vi đó, Phượng cùng các đồng phạm đã tìm người có khuôn mặt gần giống với các thí sinh dự thi (chủ yếu là sinh viên các trường có kiến thức tốt, tại các trường Đại học; Bách Khoa, Xây Dựng, Quốc Gia).

Trước mỗi kỳ thi, các bị cáo tổ chức  nơi ăn, ở tập trung, kiểm tra, cung cấp tài liệu, bổ sung kiến thức cho các sinh viên thi hộ. Mỗi trường hợp thi đỗ, các đối tượng trong đường dây thi hộ sẽ trả cho đối tượng thi hộ  từ 60 đến 100 triệu đồng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người photoshop ảnh để chỉnh sửa ảnh các thí sinh đăng ký dự thi thật thành ảnh mới vừa giống thí sinh thật, vừa giống người thi hộ, rồi sau đó dán vào hồ sơ. Đồng thời trong thời gian diễn ra kỳ thi, các thí sinh thật không được có mặt tại nơi cư trú.

Sau khi thi xong, các đối tượng thi hộ tập hợp lại các chi tiết, về thời gian thi các môn, mã đề, sơ đồ phòng thi, địa điểm dự thi, số phòng thi, vị trí ngồi, đặc điểm giám thị coi thi, kết quả bài thi, dạng chữ viết của đối tượng thi hộ… để gửi cho gia đình thí sinh thật nắm rõ, tập viết cho giống. Để chủ động đối phó khi nhập học.

Trung bình mỗi trường hợp dự thi, Phượng thu từ 200 đến 250 triệu đồng, trong đó Phượng chi cho các đối tượng trong đường dây 150 triệu đồng, Phượng chiếm 100 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên các đối tượng trung gian, môi giới thường nâng mức tiền để thu thêm của các gia đình nhờ thi hộ. Có gia đình, đối tượng môi giới thu trên nửa tỷ đồng.

Sau khi vụ việc phát hiện, các bị cáo đã chủ động trả lại toàn bộ số tiền cho các gia đình thí sinh  nhờ thi hộ. Riêng bị cáo Phượng khai đã thu 640 triệu đồng, trong đó đã chi phí cho việc tổ chức thi, bản thân chỉ hưởng lợi 80 triệu đồng.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Phượng, 4 năm tù; Đậu Đức Hải, 2 năm tù giam; các bị cáo: Nguyễn Tôn Doãn, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hòa, Lê Quang Báu, mỗi bị cáo bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; đồng thời truy thu toàn bộ số tiền thu lời bất chính.

Đối với các đối tượng thi hộ, được thi hộ và thân nhân đã thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình xác minh các đối tượng trong đường dây thi  hộ, nên cơ quan điều tra đề nghị không xử lý hình sự, mà thông báo đến chính quyền địa phương để xử lý.

Sau khi nhận được văn bản của cơ quan điều tra, Trường Đại học Kỹ thuật- Hậu cần Công an nhân dân, Học viện An ninh nhân dân đã ra quyết định buộc thôi học đối với số sinh viên này.

Bá Đoàn