1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Con rể sát hại bố mẹ vợ, ra tòa khai không nhớ gì hết

(Dân trí) - Ra tay sát hại bố mẹ vợ, tuy nhiên ra tòa Kiên khai: "Không nhớ gì hết". Bị cáo khẳng định mình không nhớ nổi đã ra tay sát hại cha mẹ vợ ra sao.

Ngày 12/7, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo và tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Trịnh Chí Kiên (sinh năm 1970, quê tỉnh Long An) về tội giết người.

Theo cáo trạng, năm 2008, Kiên kết hôn với chị Thảo Trang và có 1 con chung. Cả hai cùng chung sống với cha mẹ chị Trang là ông Hoàng và bà Hiệp tại ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Sau đó, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Kiên thường xuyên đánh vợ nên bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà. Kiên phải về nhà mẹ đẻ ở quận 11, TPHCM sinh sống. Kiên thường về thăm con nhưng bị cha mẹ vợ đuổi đi.

Khoảng 7h sáng ngày 18/11/2016, Kiên đến nhà cha mẹ vợ để thăm con. Do con trai đang ngủ nên Kiên qua nhà hàng xóm uống rượu. Khoảng 3 tiếng sau, Kiên quay lại xin phép cha mẹ vợ vào thăm con.

Gặp con được 10 phút, bà Hiệp nhắc nhở con rể thăm con đã lâu rồi. Cho rằng mẹ vợ ép mình, Kiên phản ứng và cãi nhau với bà. Lúc này ông Hoàng cầm 1 cây sắt dài đi vào chửi mắng Kiên.

Tức giận, Kiên chạy vào nhà bếp lấy 2 con dao truy sát cha mẹ vợ. Lúc này em gái của ông Hoàng chạy qua phát hiện sự việc liền đưa cả hai nạn nhân đi cấp cứu nhưng ông Hoàng – bà Hiệp đều không qua khỏi.

1

Giết bố mẹ vợ, ra tòa Kiên khai không nhớ gì hết.

Với hành vi của mình, Kiên bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án tù chung thân. Sau bản án sơ thẩm, đại diện gia đình bị hại kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo Kiên.

Kiên vẫn ngồi im lìm khi được chất vấn tại phiên tòa phúc thẩm. Ông ta ngồi lặng lẽ, khuôn mặt lờ đờ. "Bị cáo có nói chuyện được không?" - nghe chủ tọa hỏi, Kiên lẩm bẩm: "Không biết nói chuyện".

Ra tay sát hại bố mẹ vợ, tuy nhiên ra tòa Kiên khai: "Không nhớ gì hết". Bị cáo khẳng định mình không nhớ nổi đã ra tay sát hại cha mẹ vợ ra sao.

"Bị cáo bị tâm thần phân liệt nhưng vẫn nhận thức được hành vi của mình, bị cáo phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, chứ không thể trả lời như vậy được" - nghe chất vấn, Kiên vẫn ngồi trơ trơ. Ánh mắt mờ đục, vô cảm xúc.

Gia đình bị hại cho rằng, trong quá trình chung sống với chị Trang thì Kiên liên tục có những biểu hiện bất thường. Giữa năm 2013, chị Trang có đưa Kiên đi khám tại bệnh viện tâm thần TPHCM thì biết Kiên bị tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng, tuy nhiên gia đình khó khăn nên không đưa Kiên đi điều trị.

Trước khi vụ án xảy ra thì Kiên thường nổi nóng cho rằng chị Trang bỏ bùa mình chết để đi cùng người đàn ông khác nên hay ghen tuông.

Bác sĩ Quang, Chủ tịch Hội đồng giám định tâm thần cho bị cáo Kiên trả lời tại tòa: “Khi nhận được yêu cầu giám tâm thần từ cơ quan điều tra, chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ, khảo sát từ người thân, theo dõi trong quá trình điều trị. Qua đó nhận thấy bị cáo Kiên bị trầm cảm nặng, hạn chế trí nhớ, thường xuyên nói chuyện một mình. Căn cứ vào quy định giám định pháp y chúng tôi kết luận, trước, trong và sau khi gây án, bị cáo Kiên bị tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Theo quan sát của tôi thì bệnh tình của Kiên ngày càng nặng”.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng hành vi của bị cáo Kiên là đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả với nhiều tình tiết tăng nặng. Theo đó, Kiên giết nhiều người, giết người là cha mẹ vợ, thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ... HĐXX cho rằng đáng ra Kiên phải lãnh mức án tử hình mới xứng đáng với hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên, bị cáo này bị bệnh tâm thần phân liệt nên HĐXX xét giảm một phần hình phạt. Cho rằng cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác các kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Trịnh Chí Kiên.

Xuân Duy