1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chuyện một thầy giáo “xóa mù” trong trại giam

Gần 2 năm làm thầy giáo xóa mù trong trại giam vậy mà mỗi khi nghe tiếng phạm nhân chào, người thầy ấy lại giật thót mình vì ngượng. Đó là Đào Hồng Vân, sinh năm 1957, ở Đan Phượng, Hà Nội.

Trước khi vào trại giam Suối Hai cải tạo bản án 24 tháng tù giam về hành vi tàng trữ ma túy, Vân là một giáo viên cấp 2. Sau 34 năm làm thầy, sắp đến lúc được nghỉ hưu thì Vân dính nghiện.

Từ một thầy giáo vùng cao

Tâm sự về lầm lỗi của mình, ông Vân bảo đúng là đời chẳng biết thế nào, nhiều khi nghĩ lại thấy không hiểu nổi mình nữa. Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Vân được phân công về dạy học ở xã Hang Kia, Pà Cò, một xã vùng cao chỉ có ma túy là đặc sản của tỉnh Hà Sơn Bình (nay là tỉnh Hòa Bình).

Cuộc sống đạm bạc, chỉ có gạo với rau rừng nhưng nhiệt huyết thì tràn đầy nên thầy giáo trẻ Đào Hồng Vân hăng say lắm, tối ngày tận tụy với học sinh. Một buổi lên lớp, một buổi đi nương, tối lại vào bản vận động các gia đình cho con em đi học, Vân không cảm thấy mệt mỏi.

Nhiều lần vào nhà dân, được mời hút thuốc phiện nhưng ông chỉ khéo léo lắc đầu, có chăng thì miễn cưỡng ngồi uống rượu cần nếu chẳng may chối từ không được. Vân bảo ngày ấy sống ở bản nghiện tới 5 năm, vừa dạy học vừa dỗ học sinh đừng bỏ lớp vậy mà chẳng nghiện.

Thời đó còn chưa xóa bỏ cơ chế bao cấp, thuốc phiện được viên thành cục to như nắm tay đựng chậu nhôm, bày bán như rau dọc đường quốc lộ, dân trong bản không ai là không hút.

Vậy mà ông chẳng một lần ngã vào bàn đèn, thử xem cảm giác ngây ngất ấy ra sao. Sau 5 năm công tác ở miền núi, ông được chuyển về quê Đan Phượng, lập nghiệp và gây dựng gia đình, cuộc sống cứ êm đềm trôi qua đến khi bước vào tuổi lên ông, lên bà, ông Vân lại dính vào cái thứ mà người đời bảo còn bê tha hơn rượu chè, cờ bạc.

Phạm nhân Đào Hồng Vân
Phạm nhân Đào Hồng Vân

“Tính cả lúc biết đến mùi heroin cho tới khi lệ thuộc vào nó là 3 năm. Tôi cay đắng lắm nhưng cũng tại vì sĩ diện mà thành ra thế này”, ông Vân tâm sự, giọng đầy chua chát. Đang khỏe mạnh, bỗng ông Vân mắc chứng đau bụng, cứ đêm xuống là ôm bụng quằn quại.

Đi hết viện nọ tới viện kia không tìm ra nguyên nhân, ông nghe người ta xui khôn dại, hít thử ma túy. Một lần thấy êm, hai lần thấy đỡ nên mỗi khi cái bụng quặn thắt, ông lại tìm đến ma túy để rồi trở thành nô lệ của nó.

Ông bảo tại dạy học ngay tại quê nhà, học sinh lớp lớp trưởng thành nên nghĩ tới chuyện cai nghiện, ông lại sợ bị mọi người phát hiện nên cứ nấn ná, muốn cai vào thời điểm nghỉ hè nhưng rồi cứ nghĩ tới những cơn đau tái mặt là ông lại lần nữa.

Sợ dân làng, người quen biết chuyện, ông Vân phải đi rất xa, lúc thì phóng xe lên tận Sơn Tây, khi thì vào bến xe Kim Mã để mua ma túy. Dáng vẻ cù lần đã khiến ông không ít lần bị bọn nghiện chặn tiền, cướp ma túy nhưng ông vẫn nín nhịn với suy nghĩ thà như vậy con hơn bị người quen bắt gặp. Ông không dám mua ma túy quanh vùng cho dù ngay trong xã nơi ông ở cũng ối kẻ bán ma túy.

“Ngày tôi bị bắt, không chỉ vợ con mà gần như cả họ sững sờ. Hôm ra tòa, xử ngay tại xã, mọi người kéo đến xem rất đông, thật không gì nhục nhã bằng”, ông Vân khẽ nói. Chồng dạy cấp 2, vợ giáo viên tiểu học, con cái thành đạt, thế mà ông đổ đốn.

Trở thành giáo viên “xóa mù” trong trại giam

 “Ngày bị bắt tôi nghĩ thế là chấm hết, chẳng bao giờ còn được gần gũi với bảng đen, phấn trắng, ngờ đâu vẫn còn cơ hội”, thầy giáo làng Đào Hồng Vân tâm sự. Trở thành giáo viên xóa mù chữ ở trại giam Suối Hai, ông Vân bảo cũng vui vì được trở lại với nghề của mình nhưng vẫn cảm thấy buồn vì học sinh chỉ dặt một màu áo kẻ sọc.

Nhiều khi thấy họ gọi thầy ơi, Vân lại cảm giác như bị mai mỉa. Dù thế nào thì Vân vẫn phải chấp nhận vị đắng chát của sự thực phũ phàng ấy.

Trại giam Suối Hai có khoảng 2.000 phạm nhân nên số người mù chữ hoặc tái mù không phải ít. Mỗi đợt phạm nhân chuyển đến, lại có một lớp học xóa mù được mở ra và Vân trở thành người hỗ trợ đắc lực cho cán bộ trong việc truyền tải con chữ đến cho số phạm nhân mù chữ này.

Một tuần 4 buổi dạy học, thời gian còn lại là soạn bài và lao động ở xưởng khâu bóng, Vân cảm thấy khỏe ra, béo lên mặc dù về vật chất không thể đầy đủ như ở nhà. Học trò của Vân là những phạm nhân không biết chữ hoặc quên mất chữ, đủ lứa tuổi, có người hôm trước cùng đội lao động với Vân, hôm sau đã là học sinh trong lớp. 34 năm làm giáo viên chuyên toán cấp 2 nhưng khi vào trại giam, Vân trở thành thầy giáo của cả ba môn: toán, tiếng Việt và tự nhiên xã hội.

“Lớp học của tôi có 24 học sinh, độ tuổi không đồng đều, hiểu biết xã hội cũng khác nhau nên nhận thức vì thế cũng chẳng ai giống ai. Có người thích học nhưng 3 tháng không viết nổi tên mình; có người không có tâm trí học, cũng có người tiếp thu rất nhanh. Nói chung dạy học trong trại giam khó gấp nhiều lần so với bên ngoài”, Vân kể.

Dạy người mù chữ bình thường đã vất vả, với những kẻ lầm lỗi thì việc truyền đạt kiến thức cho họ càng khó khăn hơn bởi việc học chỉ chiếm một góc rất nhỏ trong đầu họ, nhiều khi bị những toan tính, so đo che lấp.

Vân bảo ở ngoài đời, hai từ dạy dỗ có vẻ xa lạ với những người đứng lớp chứ ở trong trại giam, dạy học đúng là vừa dạy, vừa dỗ trong khi những học sinh đặc biệt ấy chẳng đáng để dỗ một chút nào…

Vài tháng một lần, vợ con lại đèo nhau vào thăm. Quà gia đình gửi vào, có bao nhiêu, Vân chia hết cho các bạn cùng buồng, nhất là những phạm không có người thân thăm nuôi. Ông bảo chỉ ở cạnh, sống gần mới hiểu những người có hoàn cảnh khó khăn, không được người thân đoái hoài, cần được chia sẻ thế nào. Vật chất không quan trọng bằng tình cảm và chỉ cần một quả cam hay vài hạt lạc rang thôi nhưng chứa đựng tình cảm giữa con người với con người.

Gần 2 năm cải tạo, cái ngày được trở về với Vân cũng sắp cận kề. Vân bảo nghĩ tới ngày về là lại lo vì không biết sẽ giáp mặt người quen thế nào nhưng cũng đành “đến đâu hay đến đó vậy”. 

Theo Lam Trinh
Công lý