1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cán bộ hải quan nhận hối lộ kêu oan, khai bị nhục hình

(Dân trí) - Bị cáo Duy cho rằng: “Khi bị cáo đi công tác ở nước ngoài về, vừa về đến nhà bị 2 cán bộ điều tra viên đánh đập chảy máu. Trong quá trình điều tra bị cáo luôn bị bức cung, nhục hình. Khi khám xét nơi ở, cơ quan chức năng thu giữ 64 chiếc phong bì thì bị cáo không có mặt tại hiện trường”.

Chiều 9/4, TAND TPHCM tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Trường Duy (công chức Đội Kiểm soát hải quan - Cục Hải quan THCM) về tội nhận hối lộ bắt đầu xét hỏi.

Nguyễn Trường Duy cho rằng mình bị nhục hình.
Nguyễn Trường Duy cho rằng mình bị nhục hình.

Ngã giá từng đơn hàng

Các nhân chứng tại tòa đã đối chất cùng bị cáo, khai ra nhiều thủ đoạn lợi dụng chức vụ, chèn ép, đe nẹt và yêu cầu chung chi thường xuyên của bị cáo.

Ông Trần Nguyên Hải là giám đốc công ty Hải Thi Linh. Công ty của ông chuyên xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang Thái Lan qua cửa khẩu Cát Lái. Cuối năm 2015, Duy chủ động gọi điện thoại cho ông Hải hẹn tại cảng Cát Lái. Tại đây, Duy yêu cầu ông Hải phải chi 5 triệu đồng/tờ khai hàng hóa.

Do sợ bị kiểm tra hàng hóa phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nên ông Hải đồng ý. Ngày 23/12/2015, ông Hải mang số tiền 10 triệu đồng đến địa chỉ 4/31A Trần Khắc Chân, phường Tân Định quận 1 giao cho 1 người phụ nữ lớn tuổi.

Ông Mai Tấn Chương, giám đốc công ty TNHH Sơn Khê, cho rằng: tháng 5/2015 công ty của ông bị đội kiểm soát hải quan phối hợp kiểm tra. Tiếp đó, Duy gọi điện đe dọa ông Chương yêu cầu ông phải chi 1 triệu đồng/container là giấy cuốn và 7 triệu đồng/ container là động cơ đã qua sử dụng, nếu không bất cứ hàng hóa gì khi nhập khẩu cũng bị giữ lại phối hợp kiểm tra, giám định.

Ông Chương sợ ảnh hưởng cũng như chi phí phát sinh nên đã đồng ý với điều kiện mà Duy đã đưa ra. Từ ngày 22/12 -29/12/2015, ông Chương đã 6 lần đến đồng đến địa chỉ 4/31A Trần Khắc Chân, phường Tân Định quận 1, giao cho Duy 32 triệu đồng.

Tương tự lời khai của ông Hải, ông Chương thì bà Phan Thị Thu Hồng, ông Phạm Xuân Hiệp cũng cho rằng bị Duy đe dọa ép buộc phải chi tiền để tránh tình trạng khi container về cảng bị kiểm tra.

Một mực kêu oan

Tại tòa, bị cáo cho biết nhiệm vụ của mình là trực tiếp thực hiện kiểm soát hải quan, đề phòng chống buôn lậu, chống gian lận thương mại tại, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trên địa bàn Cát Lái và khu chế xuất Linh Trung. Trong quá trình công tác, Duy cho rằng mình chưa bao giờ phối hợp với cơ quan liên ngành để kiểm tra bất kỳ một doanh nghiệp nào.

Tuy nhiên, ông Bùi Thanh - đội phó đội trinh sát 1, người trực tiếp quản lý Duy trình bày tại phiên tòa, lại cho biết là trong tổ của ông có 5 người cùng làm chung nhiệm vụ đi trinh sát địa bàn, khi phát hiện buôn lậu gian lận thương mại thì cần báo cáo lại cho cấp trên. Riêng bị cáo Duy, ngoài nhiệm vụ trinh sát nắm địa bàn còn thêm nhiệm vụ theo dõi, thu thập thông tin phối hợp với các cơ quan chức năng ngoài ngành để phối hợp cùng xử lý sai phạm.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, tại sao nhiều người biết nhà mẹ bị cáo (nơi thường có doanh nghiệp đưa tiền đến chung chi) trong khi đây không phải là địa chỉ thường trú của bị cáo thì Duy cho rằng trước khi vụ án xảy thì em gái của Duy bị mất.

“Em gái bị cáo cũng công tác trong ngành hải quan, khi mất có rất nhiều hải quan TPHCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đều đến viếng nên rất nhiều người biết gia đình bị cáo”, bị cáo Duy trình bày trước tòa.

Còn về việc thu giữa 64 chiếc phong bì tại gia đình mẹ bị cáo thì Duy lý giải rằng :“Khi bị cáo đi công tác ở nước ngoài về, khi vừa về đến nhà bị 2 cán bộ điều tra viên đánh đập chảy máu, lúc đó bị cáo không biết chuyện gì xảy và được dẫn về cơ quan điều tra. Trong quá trình điều tra bị cáo luôn bị bức cung, nhục hình. Khi khám xét nơi ở thu giữ 64 chiếc phong bì thì bị cáo không có mặt tại hiện trường. Mong HĐXX xem xét làm rõ!”.

Ngày 10/4, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Xuân Duy