1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bi kịch của một gia đình ma túy

Tìm đến ma túy để giải thoát bản thân trước hoàn cảnh éo le của gia đình, thiếu nữ lại rơi vào bi kịch mới khi vòng quay của ma túy đã biến cô thành tội phạm. Những bi kịch gia đình mang tên ma túy thường rất nghiệt ngã...

1. Chiều cuối năm. Trong khi ngoài phố, mọi người đang hối hả với đào, với quất thì ở trụ sở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Đống Đa, cán bộ chiến sĩ vẫn miệt mài, bận rộn với những tập hồ sơ. Hai đường dây ma túy tổng hợp (MTTH) lớn liên tiếp được triệt phá trong thời điểm áp Tết khiến công việc của anh em vốn đã vất vả lại càng thêm bận rộn.

Không khí trong phòng làm việc như chùng xuống bởi tiếng sụt sịt của bà cụ Nguyễn Mai Hoạt, bà ngoại của bị can Nhữ Thu Hằng. Tội nghiệp bà cụ Hoạt. Mặc dù đã được cán bộ điều tra giải thích rằng, theo quy định, trong thời gian bị can bị tạm giam, người nhà không được phép thăm gặp mà chỉ được gửi quà theo lịch, thế nhưng từ ngày Hằng bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép ma túy, trời thì rét cắt da cắt thịt vậy mà bà Hoạt vẫn lọ mọ lên xin được thăm cháu.

Biết là không được gặp, nhưng bà cụ cứ nắm chặt tay điều tra viên, van vỉ: "Các chú làm ơn giơ cao đánh khẽ, các chú cho con Hằng về. Tôi nuôi nó từ khi còn đỏ hỏn. Tôi từ mẹ nó rồi, bây giờ chỉ còn mình nó. Nó thương tôi lắm các chú ạ. Quần áo của tôi nó mua cho hết đấy. Tối nào cũng chỉ có hai bà cháu ôm nhau...".

Nhìn tình cảnh bà cụ 85 tuổi mái tóc bạc trắng, bước đi run rẩy, đôi mắt mọng đỏ vì khóc thương cháu gái, ai cũng ái ngại, xót xa cho bà. Không ai bảo ai, nhưng cái rét dường như tái tê hơn. Chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi...

Những tâm sự dường như giấu kín bấy lâu, vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn ngào của bà cụ Hoạt khi chúng tôi hỏi thăm về gia cảnh. Bà cụ kể, quê bà ở Thái Bình nhưng giờ cũng chẳng còn ai vì anh chị em thoát ly từ nhỏ. Kháng chiến chống Pháp, bà tham gia hoạt động trinh sát vũ trang tại vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh rồi nên duyên với người chồng đầu, cũng hoạt động cách mạng. Năm 1953, chồng bà hy sinh. Sau này, bà đi bước nữa nên chế độ liệt sĩ của ông nhà được chuyển cho người anh trai chồng. Người chồng sau của bà cũng quen nhau trong quân ngũ. Sau khi phục viên, hai ông bà công tác tại Nhà máy Cơ khí Hà Nội và được phân căn hộ trong khu tập thể.


Mảnh đời bất hạnh của bà cụ Hoạt khiến ai cũng xót xa.

Mảnh đời bất hạnh của bà cụ Hoạt khiến ai cũng xót xa.

Mấy chục năm rồi nhưng căn phòng của bà cụ Hoạt dường như vẫn còn nguyên dấu ấn của sự nghèo nàn, đói khổ một thời bao cấp mấy chục năm trước. Từ ngày được cấp nhà đến giờ, căn hộ chưa một lần được sửa sang. Trong nhà, dễ có đến hơn chục cái tủ, bàn gỗ cũ kỹ, bong tróc như "ghẻ lở", chắp vá được bà cụ tiếc rẻ tha lôi về khi nhà hàng xóm vứt bỏ. Căn phòng nhỏ hơn 20m² được ngăn ri đô thành mấy khoang nhỏ để cho thuê. Anh lái taxi, cậu sinh viên nghèo cần một chỗ ngả lưng buổi tối với chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Góc trong cùng là của bà cụ Hoạt cùng cô cháu gái Nhữ Thu Hằng. Cũng chỉ đủ cho hai bà cháu có chỗ ngủ qua đêm. Bà cụ đã sống chật chội, khổ sở như vậy bao năm nay để có thêm thu nhập nuôi con, nuôi cháu.

Bà cụ Hoạt kể, khi tái hôn với người chồng sau, ông bà không có con nên năm 1972, được hàng xóm mách có người phụ nữ sinh con một mình muốn cho đứa bé, bà vội lên ngay để xin về làm con nuôi. Đứa bé ấy là Trần Thị Hương, mẹ của cái Hằng bây giờ. Ai cũng mừng cho bà Hoạt khi 40 tuổi, bà mới được làm mẹ. Cơ quan cho bà nghỉ đúng chế độ như phụ nữ thai sản, để bà có điều kiện chăm sóc con gái nuôi.

Vất vả nuôi con khôn lớn những mong có chỗ dựa lúc tuổi già. Nhưng số phận thật trớ trêu. Từ ngày đi lấy chồng, cô con gái nuôi lại trở thành gánh nặng đè lên vai bà Hoạt. Hôn nhân của cô con gái nuôi ban đầu không được sự đồng thuận của gia đình nhà chồng nên sau khi sinh con gái đầu lòng, cả hai mẹ con lại bồng bế nhau về nhà bà Hoạt. Bà chăm sóc, nuôi nấng cái Hằng từ ngày còn đỏ hỏn như vậy. Đến khi Hằng đi học, bà Hoạt là người đi họp phụ huynh cho cháu từ lớp 1 cho đến hết cấp ba.

Còn cô con gái nuôi và con rể, chưa phụng dưỡng bà được ngày nào mà chỉ khiến bà thêm phiền lòng. Cả hai đều dính vào ma túy. Hết đứa này lại đến đứa kia đi tù. Thay con nuôi cháu chưa đủ, bà còn chắt chiu để thăm nuôi con. Đã thế, con gái nuôi còn nghiện lô đề, cờ bạc rồi nợ nần đến mức bây giờ không dám ra khỏi nhà. Sổ đỏ căn hộ tập thể của bà Hoạt cũng bị con gái nuôi "mượn" đi vay nợ. Không trông mong vào con, bà Hoạt đặt thương yêu vào cô cháu gái Nhữ Thu Hằng, vốn coi bà như người mẹ thứ hai của nó. Nhưng việc nó dính vào buôn bán ma túy, bà già rồi nào có biết.

2. Bước ra từ nhà tạm giữ, Nhữ Thu Hằng òa khóc nức nở khi được điều tra viên thông báo bà ngoại của cô vừa tới Cơ quan điều tra để hỏi thăm tình hình của cháu gái. "Bà cháu có khỏe không ạ? Cô thấy mắt bà cháu sưng nhiều không? Hôm trước bà đi khám mắt về, bà nói có thể bà sẽ phải mổ mắt. Cháu định ăn Tết xong sẽ đưa bà đi mổ. Giờ cháu bị bắt thế này, cháu không đưa bà đi chữa mắt được nữa rồi bà ơi!". Hằng hỏi một hồi rồi bưng mặt khóc tu tu như một đứa trẻ.


Những giọt nước mắt hối hận của Nhữ Thu Hằng tại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa.

Những giọt nước mắt hối hận của Nhữ Thu Hằng tại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa.

Bố mẹ cứ thi thoảng lại đi tù vài năm, tuổi thơ của Hằng gắn với bà cụ Hoạt. Nước mắt không ngừng rơi khi cô kể về những ngày tháng bà cháu rau cháo nuôi nhau. Hằng kể nhớ nhất là năm học lớp 7. Bố mẹ cùng đi tù, một mình bà Hoạt chăm sóc hai chị em Hằng. Lương hưu không đủ trang trải, bà Hoạt phải đi rửa bát thuê ở một quán phở. Bữa cơm của ba bà cháu triền miên chỉ có lòng trắng trứng và giá đỗ, là những thứ bà Hoạt xin từ quán phở cuối ngày mang về. Thi thoảng lắm mới có một bữa đậu phụ gọi là đổi bữa. Tiền công rửa bát, bà cụ cóp nhặt để thăm nuôi con gái và con rể.

"Bà cháu tiết kiệm lắm. Để dành được gì đều mang hết cho con cháu. Còn bà thì kham khổ. Sau này cháu lớn, đi làm kiếm được tiền, cháu mua thịt cá về nhưng bà nhất định không ăn. Bà bảo bà ăn khổ quen rồi. Hàng xóm bỏ đi cái gì, bà đều nhặt về dùng lại, kể cả thức ăn thừa cũng không nề hà. Nhiều hôm, cháu phải lén bỏ đi bánh kẹo đã hết hạn sử dụng, bà cứ tích cóp một chỗ để ăn dần. Mẹ sinh ra cháu nhưng bà lại là người có công nuôi dưỡng cháu khôn lớn. Bà ngoại là tất cả đối với cháu" - Kể về bà ngoại, đôi mắt cô gái trẻ sáng lấp lánh. Hằng khoe với tôi dòng chữ "Bà ngoại luôn trong trái tim tôi" bằng tiếng Anh được cô xăm lên bờ vai trái, để đi đâu cũng có bà ở bên.

Hằng nói rằng, cô không ngụy biện cho bản thân, nhưng hoàn cảnh gia đình chính là nguyên nhân khiến cô trượt sâu vào vũng bùn ma túy. Năm 2013, sau khi bố đi tù, mẹ cặp kè với một thanh niên chỉ hơn Hằng vài tuổi. Xung đột giữa hai mẹ con ngày càng nặng nề. Hằng bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. Cô gái chỉ còn biết đến nhà bà ngoại tá túc. Cũng vì bố mẹ đi tù nên Hằng phải gác lại giấc mơ đại học. Tốt nghiệp cấp ba, Hằng đã phải tập tọe kinh doanh để kiếm sống. Từ bán quần áo, đến bán phở, ốc... Thế nhưng công việc kinh doanh của Hằng cũng không thuận lợi. Lời lãi chẳng đủ để trả vốn vay lãi suất cao được tính theo ngày.

Đã thế, mỗi lần về nhà, Hằng phải nghe những lời xì xào của xóm giềng về mẹ khiến cô xấu hổ. Rồi chuyện người mẹ nợ nần, bị chủ nợ kéo đến phá nhà, đánh đập. "Cháu thấy mình bất lực. Việc làm thì không có. Lại nghĩ đến ngày bố cháu ra tù, gia đình tan nát, nhà cửa lại bị phá hỏng, cảm giác cuộc sống như những ngày dài đau khổ không có lối thoát. Cháu thấy mình cứ chết dần chết mòn từng ngày. Thấy cháu buồn, mấy đứa bạn rủ cháu chơi ma túy. Chúng nó bảo khi dùng, cảm giác thời gian sẽ trôi nhanh và cháu sẽ thư thái, không nhớ gì những chuyện buồn nữa. Thế là cháu tìm đến ma túy để giải tỏa" - Hằng kể về nguyên nhân dẫn đến bước trượt của mình sau này.


Đối tượng Nguyễn Đức Anh và tang vật vụ án.

Đối tượng Nguyễn Đức Anh và tang vật vụ án.

Lần đầu dùng ma túy đá, Hằng thấy người nhẹ bẫng, cảm giác lơ lửng như bay trên không. Nếu trước kia một ngày dài lê thê thì bây giờ, thời gian trôi đi thật nhanh, từ sáng đến tối rồi lại từ tối đến sáng. Mọi áp lực, buồn phiền như biến mất. Từ đó, mỗi khi có việc phải nghĩ ngợi, Hằng lại tìm đến ma túy. Hằng bảo, cô biết bản thân mình đã lạm dụng, nhưng khi đã bị phụ thuộc rồi thì không thể thoát ra được. Có thời gian, Hằng dùng ma túy "đá" nhiều đến mức không ăn uống, sức khỏe suy kiệt, phải vào bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng đến lúc ra viện, đối mặt với áp lực cuộc sống, cô lại tìm đến ma túy để giải khuây như một vòng luẩn quẩn.

Ban đầu, chỉ là mấy đứa bạn cùng hoàn cảnh góp tiền mua ma túy "đá" về dùng chung rồi dốc bầu tâm sự, tìm cảm giác được thông cảm, sẻ chia với những bất hạnh trong cuộc đời. Thế nhưng khi nghiện rồi, để có tiền sử dụng, Hằng cũng như rất nhiều thanh niên khác đã mua ma túy về bán cho kẻ khác. Hằng trở thành "đại lý" bán lẻ MTTH mà Nguyễn Đức Anh chính là mối cung cấp hàng. Từ ngày dính vào ma túy, Hằng không thường xuyên ở nhà bà ngoại mà theo đám bạn thuê nhà nghỉ tụ tập. Những lúc tỉnh táo, Hằng mới về bà ngoại. Bà Hoạt chỉ biết Hằng bận rộn vì kinh doanh hàng ăn đêm, chứ đâu biết cháu gái đang đi theo vết xe đổ của mẹ nó.

Hằng kể, từ hôm bị bắt, cô thấy người bứt rứt, đêm không ngủ được, lại nghĩ ngợi, lại ước giá mình có ma túy để cảm giác thời gian trôi nhanh hơn. Sau 2 tuần thì cảm giác "nhớ" ma túy đã hết. Có thời gian để ngẫm nghĩ, Hằng thấy nhớ những ngày bà cháu rau cháo nuôi nhau nhưng hạnh phúc, đầm ấm. Đêm nào Hằng cũng mơ thấy được về với bà ngoại.

"Gần Tết rồi, cháu càng thấy hối hận. Cũng vì ma túy đá mà cháu phải vào trong này. Bình thường ngày Tết có hai bà cháu. Giờ thì bà già yếu không có người chăm sóc, em gái cháu thì còn dại, bố cháu đi tù cũng không có ai thăm nuôi...".

Vòng quay của ma túy bao giờ cũng nghiệt ngã như vậy. Khi Hằng nhận ra ma túy là nguyên nhân đã hủy hoại chính bản thân mình thì đã muộn. Nhưng tôi hy vọng tình cảm và sự hy sinh của bà cụ Hoạt, sẽ giúp cho cô cháu gái vượt qua cú vấp ngã đầu đời này.

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa triệt phá đường dây chuyên mua bán MTTH số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội, tạm giam 4 đối tượng gồm: Nguyễn Đức Anh (SN 1993) ở chung cư Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội; Nguyễn Tuyết Ngân (SN 1996) ở Kim Giang, quận Thanh Xuân; Nhữ Thu Hằng (SN 1992) ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân và Nguyễn Minh Tỉnh (SN 1992) ở phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Theo Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Đống Đa, Nguyễn Đức Anh là đối tượng chính, chuyên phân phối MTTH cho các “đại lý” bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Đức Anh thuê một ngôi nhà giá 5 triệu đồng tại ngõ 199 Khương Thượng làm nơi cất giấu “hàng” và cũng Nguyễn Tuyết Ngân quản lý ngôi nhà này. Khi có khách mua, Ngân và Đức Anh mới đến ngôi nhà trên để bán “hàng”. Nguyễn Minh Tỉnh và Nhữ Thu Hằng là 2 “chân rết” mua hàng của Đức Anh và Ngân để về chia nhỏ, bán lẻ cho các đối tượng sử dụng.

Sau một thời gian theo dõi, 23 giờ 30 phút ngày 21-1-2016, tại phố Khương Thượng, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra, phát hiện Nguyễn Tuyết Ngân và Nguyễn Đức Anh đang có hành vi mua bán ma túy, thu tại chỗ 20 viên MTTH. Khám xét khẩn cấp ngôi nhà Đức Anh thuê tại ngõ 199 Khương Thượng, Cơ quan Công an thu giữ trên 8,2kg ma túy “đa”, 1.900 viên “thuốc lắc”, gần 2kg ketamine, 1 cân điện tử. Khám xét nơi ở của Nguyễn Tuyết Ngân tại số 61 Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, Thanh Xuân, thu 45 viên MTTH, 425 triệu đồng.

Trong quá trình khám xét, 2 đối tượng Nguyễn Minh Tỉnh và Nhữ Thu Hằng đến gặp Đức Anh và Ngân để mua ma túy cũng đã bị bắt giữ. Tại Cơ quan Công an, Nhữ Thu Hằng khai đã nhiều lần mua ma túy của Đức Anh về chia nhỏ bán kiếm lời, trong đó ngày 19-1-2016, Hằng mua của Đức Anh 10gr ma túy “đá” về bán.

Theo Hương Vũ

(Báo An Ninh Thế giới)