1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

8.000 nông dân Sóc Trăng chờ phán quyết công tâm

Hoạt động kinh doanh của HTX Ngọc Bích bị đình trệ, hàng ngàn lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm bởi người đứng đầu HTX vướng vòng lao lý trong vụ án có quá nhiều bất thường từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vụ án với nhiều kỷ lục

 

Ngày 27/2/2012, vụ án tham ô xảy ra tại Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng tiếp tục được đưa ra xét xử lần thứ 6 sau nhiều lần hoãn. Vụ án này được đánh giá là có nhiều cái "nhất"  ở Sóc Trăng như thời gian xét xử lâu nhất, bị hoãn nhiều nhất, nhân chứng và người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhiều nhất. Vậy nhưng, phiên tòa lần thứ 6 này chỉ có 23/130 người làm chứng và người có nghĩa vụ liên quan tham dự.

 

Theo phản ánh của bà Huỳnh Thị Hà, ông Huỳnh Ngọc Hạnh, ông Nguyễn Văn Lắm, rất nhiều người làm chứng không được tòa gửi giấy mời nhưng thư ký phiên tòa lại cho rằng họ đã ký nhận. Thắc mắc này mặc dù không được giải đáp rõ ràng nhưng vụ án vẫn tiến hành xét xử sau khi HĐXX đã hội ý.

 

Hình sự hóa quan hệ dân sự

 

Ghi nhận của phóng viên, quá trình xét hỏi công khai tại tòa một số bị cáo tiếp tục cho rằng quá trình điều tra, các điều tra viên đã có hành động ép cung, mớm cung, hướng dẫn họ viết lời khai theo chủ định của điều tra viên khiến bản chất vụ án bị sai lệch.

 

Liên quan đến vụ án này, bà Huỳnh Ngọc Bích (46 tuổi, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích, huyện Mỹ Xuyên, nay là huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là người có công xóa đói giảm nghèo, khi tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn nông dân địa phương, nhưng bị các cơ quan tố tụng tỉnh này quy kết thông đồng với cán bộ TTKC ký khống hợp đồng đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đóng dấu treo trên 5 phiếu thu, giúp TTKC thanh toán khống 57 triệu đồng để tư lợi.

 

Theo nhiều xã viên, vụ việc thuần túy dân sự của HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích đang bị CQĐT, VKSND tỉnh Sóc Trăng hình sự hóa, khiến Chủ nhiệm HTX bị khởi tố oan sai, hàng ngàn lao động của HTX lâm vào cảnh điêu đứng. Có thời điểm, sản xuất bị đình trệ, doanh thu tụt dốc thảm hại,hàng ngàn lao động là nông dân đối diện với nguy cơ thất nghiệp.

 

Việc bà Bích bị khởi tố là đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản nhà nước liệu có oan sai? Theo Luật sư Ngô Hữu Nhị, Văn phòng LS Thiên Ân, Đoàn Luật sư TP. HCM, căn cứ vào hồ sơ vụ án cho thấy cán bộ TTKC là Nguyễn Thế Vương chủ động liên hệ với chủ nhiệm HTX Ngọc Bích để ký 6 hợp đồng dạy nghề. Việc ký kết này là hoàn toàn tự nguyện và đúng pháp luật về hợp đồng dân sự.

 

Theo LS Nhị, trong Cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng có quá nhiều chi tiết sai sự thật. Cụ thể cáo trạng nêu đến tháng 5/2007 bà Bích ký 6 hợp đồng đào tạo nghề với TTKC tỉnh Sóc Trăng trong khi các hợp đồng được ký  vào tháng 3 và tháng 4/2007.

 

Ngoài ra, cáo trạng nêu “bà Bích ký 6 hợp đồng đào tạo nhưng chỉ thực hiện 1 hợp đồng đào tạo tại huyện Vĩnh Châu, 5 hợp đồng tại huyện Mỹ Xuyên. Chỉ tổ chức khai giảng 2 lớp ở xã Tham Đôn, xã Gia Hòa 2 sau đó không có dạy, có 3 lớp không thực hiện” là không đúng sự thật. Vì thực tế 5 hợp đồng thì có 4 hợp đồng được tổ chức tại xã Gia Hòa 2; Một hợp đồng được tổ chức tại xã Tham Đôn.

 

Tại phiên tòa, lời khai của một loạt nhân chứng như Lý Văn Võ, Danh Thị Hiền, bị cáo Nguyễn Quốc Trung thì các lớp học đều được khai giảng với sự tham dự của nhiều nông dân, nhiều cán bộ TTKC và cán bộ xã, huyện niwi lớp được tổ chức. Thậm chí, ngày khai giảng còn có đài truyền hình tỉnh và huyện thu hình và đưa tin.

 

“Ủy ban kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam vừa lập đoàn công tác để kiểm tra, xác minh tại HTX Ngọc Bích về các hợp đồng dạy nghề của HTX này, kết quả là HTX Ngọc Bích đã thực hiện đầy đủ các Hợp đồng đã ký với TTKC Sóc Trăng. Biên bản xác minh này cũng đã được nộp cho tòa án”-LS Nhị cho biết.

 

Như vậy, có thể thấy kết quả kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam, lời khai của nhiều nhân chứng cho thấy việc điều tra, truy tố bị cáo Bích còn nhiều vấn đề chưa chính xác, thuyết phục có thể dẫn tới oan sai. 

 

Theo Phi Hùng

Pháp luật Việt Nam