Xe sang đổ về châu Á

(Dân trí) - Doanh số tiêu thụ xe hơi hạng sang tại Trung Quốc đã tăng 29% trong năm ngoái, và các nhà sản xuất ô tô đang làm mọi việc có thể nhằm đẩy doanh số lên cao hơn nữa tại các thị trường mới nổi.

“Tốc độ tăng trưởng doanh số tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc thật không thể tin nổi. Mỗi lần đến đây - tôi ngày càng tới thường xuyên hơn - tôi lại tìm thấy các thị trường mới, những thành phố lớn.” ông Ian Robertson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Rolls-Royce nói.

 

Rolls-Royce đang chuẩn bị mở showroom thứ 5 tại Trung Quốc. Đây là con số khá ấn tượng chỉ với một nước, vì hãng xe sang này chỉ có khoảng 80 đại lý trên toàn thế giới.

 

Theo dự đoán của tập đoàn nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới J.D. Power & Associates, doanh số tiêu thụ ô tô của thị trường Trung Quốc, tính tất cả các dòng xe, sẽ tăng gấp đôi trong chưa vòng chưa đến 10 năm, từ khoảng 8 triệu xe trong năm 2007 lên 16,1 triệu vào năm 2014.

 

Cũng theo J.D. Power & Associates, doanh số tiêu thụ xe sang tại Trung Quốc sẽ tăng hơn 2 lần vào năm 2014, lên khoảng 508.000 chiếc. Không chỉ ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ xe hơi hạng sang cũng đang có xu hướng tăng tại Ấn Độ, nhưng với xuất phát điểm thấp hơn.

 

Về thị phần, các mác xe nhập khẩu từ châu Âu, đặc biệt là Đức, đang thống lĩnh thị trường ô tô hạng sang ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Như trường hợp của Audi, doanh số tại Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt doanh số tại Mỹ vào năm ngoái. So với các nhà sản xuất khác, Audi đã có mặt tại Trung Quốc khá sớm và từ khá lâu, với hầu hết các mẫu xe hiện nay được lắp ráp ngay tại nội địa.

 

Audi chiếm gần 50% thị phần xe sang tại Trung Quốc vào năm 2007. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, với hàng loạt các tên tuổi lớn như BMW, Bentley, Cadillac, Ferrari, Lexus, Mercedes-Benz, Porsche, Saab, Volkswagen, Volvo…

 

Cuộc “đổ bộ” của các hãng xe sang rầm rộ hơn bao giờ hết kể từ khi nước CHND Trung Hoa chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001. Tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô cũng tăng mạnh khi chính phủ Trung Quốc hạ tiêu chuẩn về số vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp vào cuối  năm 2004. Nhờ sự thay đổi chính sách này, việc mở đại lý ô tô mới trở nên dễ dàng hơn.

 

Tâm lý chuộng “hàng hiệu”

 

Đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng đột biến của thị trường xe sang châu Á.

 

Những tỷ phú “mới phất” ở đây muốn thể hiện đẳng cấp, địa vị và tài sản của mình bằng hình thức hào nhoáng bên ngoài. Tại Trung Quốc, trên thị trường xe hơi giá rẻ và hạng trung, có khá nhiều hãng nội địa không mấy tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô thế giới cũng có thể cạnh tranh với xe ngoại, nhưng với xe sang thì khác. Cũng như các loại hàng xa xỉ phẩm khác, ô tô gắn mác Porsche, Bentley, hay Ferrari từ lâu đã được mặc nhiên coi là xe sang và ai cũng biết điều đó.

 

Có cầu ắt có cung, lãnh đạo các hãng như Ferrari và Bentley đều có kế hoạch tăng số lượng xe cung cấp cho các thị trường mới nổi, mặc dù vẫn giữ vững quan điểm sản xuất ít để tạo sự khan hiếm cần thiết cho các mẫu xe ở các thị trường truyền thống.

 

Ông Amedeo Felisa, Tổng Giám đốc của Ferrari, cho biết doanh số của mác xe thể thao Ý tăng khoảng 8% tại châu Âu và Mỹ trong năm 2007, nhưng tăng hơn 50% tại các thị trường mới nổi.

 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bentley cũng cho biết hãng rất lạc quan với tiềm năng tại các thị trường mới. “Tốc độ tăng trưởng lớn nhất là tại thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu khác hàng ở đây muốn có thêm xe, chẳng vì lẽ gì chúng tôi lại từ chối, dù độ “độc” của sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng,” ông nói.

 

Nhật Minh

Theo Business Week