Vì sao Audi thâu tóm Ducati?

(Dân trí) - Nhiều người đang có chung một số thắc mắc, như: Tại sao một tập đoàn ô tô lớn lại muốn có một nhà sản xuất xe máy nhỏ như Ducati? Volkswagen, tập đoàn mẹ của Audi, sẽ làm gì với Ducati? Và thương vụ này có ích gì cho Ducati?

Lược sử Ducati

 

Sẽ rất dễ hiểu sai lệch nếu chỉ nhìn vào hình ảnh hiện tại của Ducati - nhà sản xuất những chiếc mô-tô nhanh nhất, hiện đại nhất, đáng mơ ước nhất thế giới. Trên thực tế, đó là hình ảnh Ducati chỉ mới có được trong thời gian ngắn gần đây. Trước năm 1985, thương hiệu này đã qua 7 lần đổi chủ và chưa bao giờ thực sự thành công. Rào cản không phải ở trình độ kỹ thuật, mà là tình trạng thiếu vốn và những hạn chế do quy mô công ty nhỏ.

 

Sau đó, vào năm 1985, Ducati về tay tập đoàn Cagiva và không lâu sau bắt đầu sản xuất những chiếc xe tính năng vận hành cao tầm cỡ thế giới: 851, 888 và 916. Với mẫu 916, thương hiệu Ducati đã xác lập được chỗ đứng trong “bảng vàng” vĩnh cửu của làng xế nổ. Điều đó, cùng với thành công trong lĩnh vực đua xe, đã mở ra cánh cửa đưa hãng về tay Texas Pacific Group. Ducati sau đó được bán cho InvestIndustrial SpA vào năm 2005 và Performance Motorcycles SpA năm 2008. Khá kỳ lạ là Bệnh viện Kế hoạch lương hưu Ontario hiện là một trong những cổ đông lớn nhất của Ducati.

 

“Ducati là một nhà sản xuất xe máy tốt, chứ không phải một doanh nghiệp tốt,” nhà phân tích công nghiệp Michael Uhlarik giải thích. “Trong suốt mấy chục năm, Ducati hầu như chẳng có lãi. Các nhà cung cấp của hãng thường xuyên phải đi đòi nợ. Nợ nần tăng lên trong khi doanh số không thể vượt quá 50.000 chiếc”.

 

Một tỷ USD

 

Vì sao Audi thâu tóm Ducati?
 
Audi vừa mua Ducati với giá 860 triệu euro, tương đương hơn 1,1 tỷ USD. Con số đó là nhiều hay ít? Với các cá nhân, đó có thể là con số khổng lồ. Nhưng với các tập đoàn lớn, con số đó không có gì kinh khủng.

 

Instagram vừa được Facebook mua với giá 1 tỷ USD. Bên nào giá trị hơn: 35 triệu người dùng hay bộ máy sản xuất 40.000 xe/năm? Tổng giá trị tài sản và thương hiệu của Instagram có thể mờ nhạt so với Ducati, nhưng hai công ty được định giá ngang nhau.

 

1 tỷ USD không phải là số tiền quan trọng đối với một doanh nghiệp lớn như Volkswagen. Năm ngoái, 11 thương hiệu của tập đoàn (giờ tính cả Ducati sẽ là 12) đạt doanh số 8,4 triệu xe, đem về doanh thu 209,1 tỷ USD. “Hãy xem xét sự việc dưới góc độ hoạt động kinh doanh của Volkswagen đem về gần 8 tỷ euro tiền mặt nhàn rỗi mỗi năm,” chuyên gia phân tích Michael Tyndall của Barclays Capital nói với phóng viên Reuters. “Tập đoàn phải tìm hạng mục đầu tư để “làm đẹp” tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng, hoặc phải tăng phần tiền mặt trả cho cổ đông.

 

Volkswagen có thể trông mong gì?

 

Bạn có thể đã nghe nhiều về việc Volkswagen muốn tạo điều kiện cho Audi cạnh tranh tốt hơn với BMW bằng việc có thêm thương hiệu Ducati. Điều đó thật vớ vẩn. Mô-tô của BMW cũng không tương xứng với tầm cỡ BMW giống như doanh số 40.000 xe/năm có ý nghĩa thế nào với Volkswagen. Năm 2011, tập đoàn BMW có tổng doanh thu khoảng 90 tỷ USD; trong đó, 1,8 tỷ USD là của Motorrad đóng góp. Nó giống “muối bỏ bể”.

 

Vậy có phải Volkswagen muốn có công nghệ của Ducati, đặc biệt là liên quan đến động cơ dung tích nhỏ? Một suy đoán không hợp lý. Ducati sản xuất động cơ 1.199cc cho công suất 195 mã lực. Trong khi đó, Volkswagen sản xuất động cơ 1.6L cho công suất 100 mã lực. Chẳng thể dùng công nghệ động cơ này dù là cho một mẫu xe nhỏ của Volkswagen như Golf. Một công ty nhỏ như Ducati, với doanh số 40.000 xe/năm, lại đem so với một công ty có doanh số hơn 8 triệu xe con và xe tải - đơn giản là không thể có công nghệ gì Ducati có mà Volkswagen không thể có.

 

Ducati cũng không có tài năng hay bí quyết công nghệ gì đặc biệt mới lạ. Động cơ xe máy khác hẳn động cơ ô tô. Đúng là chúng có công suất cao hơn, nhưng giá thành sản xuất ra chúng cũng cao hơn (động cơ có tỷ lệ giá thành trong sản phẩm xe máy cao hơn so với trong ô tô), lượng khí thải cao hơn, khoảng cách giữa các lần bảo dưỡng ngắn hơn nhiều, và tuổi thọ cũng ngắn hơn rất nhiều. Nếu như định bán xe Golf với tốc độ cực đại khoảng 280km/h, nhưng có giá 75.000 USD, tiêu thụ nhiên liệu ở mức gần 30 lít/100km, tốn khoảng 5.000 USD phí bảo dưỡng sau mỗi 6.500km và hỏng sau khi chạy 32.000km, thì Volkswagen chắc chắn gặp rắc rối lớn. Đó là chưa kể đến vấn đề tiêu chuẩn khí thải.

 

Còn lợi ích gì khác từ Ducati mà Volkswagen có thể trông đợi? Lợi ích marketing từ sự kết hợp hai thương hiệu có tiếng, hay các hợp đồng tài trợ hoạt động đua xe…? Một lần nữa, câu trả lời là… “muối bỏ bể”. Tất cả những lợi ích này là quá nhỏ nếu xem xét việc một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới thâu tóm một công ty có giá trị chỉ như một ứng dụng của iPhone.

 

Bài học Lamborghini?

 

Đây không phải lần đầu tiên Volkswagen mua một thương hiệu có tính “độc” của Ý nhưng có giá trị nhỏ hơn quá nhiều so với giá trị bản thân. Năm 1998, Volkswagen đã mua Lamborghini với giá 110 triệu USD. Trong vòng 14 năm, Volkswagen đã biến Lamborghini từ chỗ là một nhà sản xuất tay ngang trở thành nhà sản xuất xe thể thao thứ thiệt, mở rộng danh mục sản phẩm của Lamborghini sang các phân khúc mới và tiếp cận đối tượng khách hàng mới. Năm 1997, Lamborghini bán được 209 chiếc Diablo. Năm 2007, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hãng đã bán được 2.580 chiếc Murcielago và Gallardo. Có lẽ, dấu hiệu tươi sáng nhất cho số phận Ducati khi về tay tập đoàn Volkswagen là cả thương hiệu Lamborghini lẫn sản phẩm của hãng giờ đây đều không bị đánh giá là mất chất. Nằm dưới quyền sở hữu của Volkswagen, hãng Lamborghini hoạt động tốt hơn và sản xuất được nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn những gì nhà sáng lập Ferruccio có thể từng mơ ước.

 

Vậy chúng ta có thể mong đợi điều gì tốt cho Ducati? Nhà phân tích Uhlarik cho rằng, đó là việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) và mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề là Ducati cần bảo toàn hình ảnh thương hiệu dù sản xuất với chi phí thấp, để vừa đảm bảo được lợi thế kinh tế trên quy mô mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu. Thực tế là từ trước đến nay, chưa hãng xe hai bánh nào làm được điều đó,” ông Uhlarik nói.

Nói một cách ngắn gọn, Ducati đang nằm trong một đôi tay an toàn. Hãng sẽ có thể tiếp tục sáng tạo và sản xuất những mẫu siêu mô-tô gây mê hoặc và các hàng cao cấp khác. Mẫu xe 1199 đã hứa hẹn trở thành siêu mô-tô “siêu sao” trên thị trường và các sản phẩm đời sau của Ducati có thể tiếp nối và đẩy thành công đó đi xa hơn. Đây là điều mà mọi tín đồ mô-tô đều mong muốn, nhưng ít có khả năng việc thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen sẽ khiến Ducati sản xuất xe với số lượng lớn hơn hay giá bình dân hơn. Honda chẳng có gì phải lo lắng.

 

Lý do thực sự?

 

Vì sao Audi thâu tóm Ducati?
 
Hồi năm 1985, người giờ đây là chủ tịch tập đoàn Volkswagen, ông Ferdinand Piech từng bỏ lỡ một cơ hội mua Ducati với giá mà ông gọi là “rẻ như cho”. Từ đó, vẫn có tin ông chưa từ bỏ mong muốn sở hữu một nhà sản xuất mô-tô.

 

“Việc mua Ducati chủ yếu do Volkswagen thích nắm các thương hiệu nổi tiếng, hơn là theo lập luận tài chính hay công nghiệp thông thường,” chuyên gia phân tích Arndt Ellinghorst của tập đoàn tài chính Credit Suisse nhận định.

 

“Về mặt chiến lược thì nó không quan trọng với tập đoàn Volkswagen,” ông Christoph Stuermer, Giám đốc phát triển sản phẩm của công ty tư vấn ngành ô tô HIS Automotive, nói với tạp chí Business Week. “Doanh thu của Ducati lớn hơn của Lamborghini và Bugatti gộp lại, nhưng so với hoạt động ô tô thì nó chỉ như một thứ phụ kiện trang sức.”

 

Nhật Minh

Theo Jalopnik