Tỷ phú giàu nhất Hồng Kông đầu tư vào BYD

(Dân trí) - Vài năm trước, không nhiều nhà đầu tư biết đến BYD, nhưng kể từ khi Warren Buffett rót tiền vào công ty này, cái tên BYD bỗng vụt sáng. Nhân vật nổi tiếng thứ hai chọn BYD là tỷ phú Li Ka-shing ở Hồng Kông.

Công ty đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã chi 231 triệu USD để nắm quyền sở hữu 9,9% cổ phần BYD, do ngài tỷ phú chú ý tới lĩnh vực ô tô, đặc biệt là ô tô chạy điện, của nhà sản xuất pin Trung Quốc này.

 

Giá cổ phiếu BYD trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đến nay đã tăng 550% so với thời điểm thông tin về việc đầu tư của ông Buffett bung ra vào tháng 9/2008.

 

Cổ phiếu BYD sẽ còn tăng giá đột biến lần nữa? Đó là kỳ vọng của một số nhà đầu tư từ ngày 26/1, khi người giàu nhất Hồng Kông, tỷ phú Li Ka-shing, cũng rót vốn vào BYD.


Tỷ phú giàu nhất Hồng Kông đầu tư vào BYD - 1
Tỷ phú Li Ka-shing (Ảnh: Getty Images)

Li Ka-shing là người kiểm soát các công ty lớn trên sàn chứng khoán Hồng Kông, như Hutchison Whampoa, Cheung Kong, Hong Kong Electric... Ông này dự kiến mua 2,5% cổ phần BYD với giá 38 triệu USD.

 

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Jia Sheng Holdings, nhà sản xuất phụ tùng ô tô đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông, có kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực pin dùng cho ô tô chạy điện và sẽ sử dụng tiền của tỷ phú Li để xây dựng các nhà máy sản xuất pin.

 

Trong khi đó, BYD đang đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực ô tô. BYD đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, và giờ đây dự kiến đưa mẫu e6 chạy điện sang chinh phục thị trường Mỹ vào cuối năm nay. Trước đây, BYD định đợi đến năm 2011 mới mang e6 sang chinh phục Mỹ, nhưng mới đây đã quyết định đẩy lên sớm hơn.


Tỷ phú giàu nhất Hồng Kông đầu tư vào BYD - 2

Mẫu xe BYD e6

 

Theo hãng tin Bloomberg ngày 22/1, một người phát ngôn của BYD đã nói rằng công ty cũng dự kiến đầu tư 3,3 tỷ USD vào một nhà máy để sản xuất pin sạc bằng năng lượng mặt trời.
 

BYD tiền thân là nhà sản xuất pin. Công ty này đã nhanh chóng thâu tóm một nửa thị phần pin điện thoại di động thế giới, cắt giảm chi phí bằng việc sử dụng sức người thay cho máy móc trong dây chuyền sản xuất.

 

BYD mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ô tô từ năm 2003, xây dựng một nhà máy lắp ráp rộng 1,5 triệu mét vuông và tuyển dụng một nhóm thiết kế ô tô đã qua đào tạo tại Ý. Một người phát ngôn của BYD nói: “Công nghệ sản xuất ô tô không đến nỗi quá phức tạp.”

 

Hồi tháng 10 năm ngoái, BYD F3 trở thành mẫu sedan bán chạy nhất Trung Quốc, qua mặt những cái tên nổi tiếng như Volkswagen Jetta và Toyota Corolla.

 

Hiện tại, BYD có 130.000 nhân công tại 11 nhà máy, trong đó có 8 tại Trung Quốc, còn lại 3 nhà máy ở Ấn Độ, Hungary, và Rumani.

 

BYD từng bị cáo buộc nhái thiết kế của các nhà sản xuất ô tô khác, nhưng ông Wang nói: “60% của một sản phẩm mới được phát triển từ thông tin phổ biến rộng rãi, 30% từ các sản phẩm hiện hữu, 5% từ vật liệu sẵn có, và chỉ có 5% từ nghiên cứu của riêng chúng ta”.

 

Ông Wang Chuanfu, nhà sáng lập kiêm chủ tịch BYD Auto, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong năm 2009, với tổng giá trị tài sản cá nhân ước đạt 5,1 tỷ USD.

 

Nhật Minh

Theo BusinessWeek