Trung Quốc hình thành thị trường siêu xe

(Dân trí) - Tại Câu lạc bộ siêu xe Bắc Kinh (SSC), một chiếc Porsche SE 911 giá 220.000 USD chỉ là loại “xe cỏ”. Cỡ siêu xe Tramontana trị giá 3,9 triệu USD (tại Trung Quốc) hay Bugatti Veyron 16.4 giá 4,3 triệu USD mới được coi là “hàng khủng”.

Năm ngoái, số lượng triệu phú ở Trung Quốc đã tăng 31% lên hơn 1,1 triệu người, với độ tuổi trung bình chỉ 39, thấp hơn các triệu phú Mỹ và châu Âu 15 tuổi. Các câu lạc bộ ô tô, mới chỉ tồn tại từ khoảng 2 năm trở lại đây, là nơi để các thành viên “khoe” xe và các nhà sản xuất ô tô tìm kiếm thêm sự ủng hộ của khách hàng.

 

“Văn hóa xe hơi đang phát triển rất nhanh ở Trung Quốc,” ông Jose Cremades, một nhà phân phối xe Tramontana của Tây Ban Nha, cho biết. “Thế hệ cũ vẫn có tư tưởng tiết kiệm, còn thế hệ mới thì thích tiêu dùng.”

 

Nhu cầu mua sắm siêu xe của người Trung Quốc xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,7%, giá bất động sản tăng cao và sự lên giá của đồng nhân dân tệ. Theo Tập đoàn tư vấn Boston, Trung Quốc hiện là nước có nhiều triệu phú thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, theo công ty tư vấn Bain & Co., tiêu thụ xe sang của nước này có thể tăng 35% trong năm nay.

 

Zhang Kuan, chủ sở hữu một chiếc Lamborghini LP640 màu xanh, đã sáng lập SSC, câu lạc bộ xe thể thao đầu tiên của Trung Quốc, vào năm 2009, với 12 thành viên đầu tiên đến với nhau qua bạn bè chung và một diễn đàn trên mạng. Anh Zhang làm việc trong ngành tài chính.

 

250 thành viên
 
Trung Quốc hình thành thị trường siêu xe  - 1

 

Số lượng thành viên của SSC hiện là hơn 250, trong độ tuổi từ 18 đến 60, phụ nữ chiếm khoảng 10%. Các câu lạc bộ tương tự cũng đã ra đời ở thành phố Trùng Khánh và các tỉnh Vân Nam, Chiết Giang và Phúc Kiến. Hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ gồm: ăn tối, tổ chức ngày lái xe trên các đường đua ở Bắc Kinh, Thành Đô và Thanh Đảo, cùng các hoạt động cộng đồng, như từ thiện.

 

“Nhiều người Trung Quốc chưa có khái niệm về siêu xe hay xe thể thao,” anh Zhang, 32 tuổi, cho biết. “Chúng tôi cần giúp họ hiểu về xe thể thao và siêu xe. Đó là tác phẩm nghệ thuật.”

 

Wang Yuling, 28 tuổi, một thành viên của Câu lạc bộ xe thể thao Vân Nam, hiện sở hữu hai chiếc Porsche, trong đó có một chiếc Cayman S màu đen. Cô đã mua chiếc xe thể thao đầu tiên cho mình vào năm 2008 khi đang điều hành một công ty người mẫu và tổ chức sự kiện. Wang cho biết việc tham gia câu lạc bộ đã giúp cô hiểu hơn về máy móc xe hơi.

 

“Khi gặp mặt, chúng tôi giống như một gia đình lớn,” cô Wang cho biết. “Tôi đã học được nhiều điều từ các thành viên trong câu lạc bộ.”

 

Tính địa phương
 
Trung Quốc hình thành thị trường siêu xe  - 2

 

Các câu lạc bộ ô tô của Trung Quốc khác của nước ngoài ở chỗ chúng được tổ chức theo địa phương, chứ không phải thương hiệu, như Câu lạc bộ Ferrari Mỹ hay Câu lạc bộ Porsche Hohensyburg ở Đức.

 

Thành viên các câu lạc bộ ô tô thể thao ở Trung Quốc đại lục cũng trẻ và năng động hơn, theo ông Tania Cremades, giám đốc phát triển thị trường Trung Quốc của hãng Tramontana. Hãng đã bán được 13 chiếc xe tại Trung Quốc trong năm ngoái, tất cả khách hàng đều từ 25-28 tuổi.

 

“Tại châu Âu, nhiều người chơi xe sở hữu cả một bộ sưu tập. Nó giống như một bảo tàng ô tô. Ở đây, các tín đồ trẻ hơn, họ muốn sử dụng chiếc xe, phô diễn sức mạnh động cơ,” ông Cremades nói.

 

Hầu hết người giàu tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông, theo báo cáo thịnh vượng của Viện nghiên cứu Hurun công bố ngày 12/4/2011.

 

Thị trường tiềm năng
 
Trung Quốc hình thành thị trường siêu xe  - 3

Hơn 500 siêu xe đã tổ chức giao lưu tại đường đua F1 Thượng Hải vào đầu tháng 5/2011

 

Bugatti đã bán được chiếc xe đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2008. Hãng đang đẩy mạnh hoạt động marketing tại các triển lãm ô tô ở Bắc Kinh và Thượng Hải, tài trợ các chương trình lái thử xe.

 

“Chúng tôi không thể bỏ qua một thị trường đầy tiềm năng như thế,” ông David Hu, Giám đốc bán hàng của Công ty ô tô Beijing Mei He Zhen, đại lý chính thức của Bugatti ở Trung Quốc, cho biết. “Tiếp cận thị trường Trung Quốc là một bước đi tự nhiên.”

 

Trong khi đó, Aston Martin đã bán hết 5 chiếc One-77 dành cho thị trường Trung Quốc từ trước khi xe về showroom. Trên toàn thế giới chỉ có tổng cộng 77 chiếc.

 

“Chúng tôi thực sự nhìn thấy tiềm năng ở đây,” ông Matthew Bennett, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Aston Martin Lagonda Ltd., cho biết. Ông kỳ vọng tổng doanh số của Aston sẽ tăng hơn 2 lần so với mức khoảng 100 xe vào năm ngoái. “Những người trẻ dễ bị hấp dẫn bởi thương hiệu hơn. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc không phải là thị trường lớn nhất châu Á của Aston Martin trong năm nay,” ông nói.

 

Khách hàng Trung Quốc mua xe Porsche và Lamborghini thường trong độ tuổi từ 25-35, trẻ hơn các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu khoảng 10 tuổi.

 

Porsche kỳ vọng sẽ lập kỷ lục doanh số tại Trung Quốc trong năm nay, với con số hơn 20.000 xe, sau khi đã nâng sản lượng xe cho thị trường này thêm 63%.

 

“Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua, đem đến cho người dân cơ hội làm giàu nhanh và sớm hơn,” ông Helmut Broeker, Giám đốc Porsche Trung Quốc, nhận xét.

 

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới của Lamborghini trong năm nay, theo dự đoán của công ty. Hãng xe thể thao Ý đặt mục tiêu doanh số tăng 46% lên hơn 300 xe tại Trung Quốc trong năm nay, một phần nhờ nhu cầu đối với mẫu Aventador LP 700-4 giá 1 triệu USD tại đây.

 

Andy Wong, 27 tuổi, Chủ tịch Câu lạc bộ siêu xe Thượng Hải, hiện sở hữu 4 chiếc xe thể thao, trong đó có một chiếc Lamborghini màu hồng và một chiếc màu trắng. Các thành viên câu lạc bộ thường tổ chức các lễ sinh nhật, lái xe trên đường đua Thượng Hải vào cuối tuần và gặp mặt 2 tuần/lần.

 

Wong, làm việc trong lĩnh vực bất động sản, tâm sự: “Nếu phải trải qua một ngày làm việc tồi tệ, hoặc cảm thấy khó chịu vào buổi tối, tôi lại mang xe ra chạy vài vòng và sau đó sẽ cảm thấy khá hơn.”

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg