“Thị trường Trung Quốc đáng để mạo hiểm”

(Dân trí) - Đó là quan điểm chung của lãnh đạo nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ.

Họ cho rằng Trung Quốc vẫn là một cơ hội, nhiều hơn là hiểm hoạ, đối với ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ.

 

Đó là một thị trường đang phát triển không thể bỏ qua. Có nhiều rủi ro khi làm ăn tại Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất ô tô cũng như các nhà cung cấp có thể kiếm tiền nếu trở thành một phần trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô nội địa của đất nước có 120 thành phố dân số trên 1 triệu người.

 

Tại Hội nghị hướng dẫn quản lý thường niên của Trung tâm nghiên cứu ngành ô tô đang diễn ra tại Mỹ, lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô cho rằng việc tập trung vào thị trường Trung Quốc có khả năng tạo và “cướp” việc làm khỏi Bắc Mỹ như nhau.

 

“Trung Quốc không phải là một mối đe doạ đối với ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ, và sẽ như vậy trong một thời gian,” ông Tim Dunne, giám đốc phụ trách mảng ô tô của J.D. Power & Associates, nói.
 
“Thị trường Trung Quốc đáng để mạo hiểm” - 1

 

Các công ty đang bận rộn với việc đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa Trung Quốc, nơi tiêu thụ ô tô dự kiến đạt 15,8 triệu xe trong năm nay, tương đương 1/4 doanh số ô tô toàn cầu. Mỹ sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 11,6 triệu xe trong năm nay.

 

Và tiềm năng vẫn còn rất lớn. Trong khi các thị trường phát triển tiêu thụ khoảng 600 xe trên 1.000 người thì ở Trung Quốc tỷ lệ mới chỉ khoảng 60 xe trên 1.000 người và người mua nhìn chung có thu nhập thấp.

 

Theo ông Dunne, điểm quan trọng là thị trường Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu phát triển. Ông cho rằng xe của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ít nhất là năm 2012 mới chen chân được vào thị trường Mỹ, cũng có thể là phải tới năm 2015.

 

Ông Dunne cho biết các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô Bắc Mỹ hiện có lợi nhuận khoảng 5-10% tại Trung Quốc.

 

“Trung Quốc là dành cho Trung Quốc. Nó sẽ không lấy đi việc làm ở Bắc Mỹ,” ông  Jason Luo, giám đốc công ty Key Safety Systems (KSS) chuyên cung cấp cảm biến túi khí, nói. Mới đây, KSS đã bổ sung khoảng 60 việc làm vào các cơ sở sản xuất của công ty ở gần Madison, tiểu bang Wisconsin, Mỹ, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.

 

Công việc kinh doanh của KSS tại Trung Quốc đã tăng trưởng gấp đôi trong 3 năm qua.

 

“Chúng tôi chưa bị lỗ đồng nào ở Trung Quốc,” ông Luo nói. “Chúng tôi luôn có lãi.”

 

Ông cho biết KSS đã đầu tư khoảng 100 triệu USD tại Trung Quốc và doanh thu ước đạt 200 triệu USD trong năm nay và 500 triệu USD vào năm 2015.

 

“Chúng tôi vẫn xuất hàng sang Trung Quốc nhiều hơn là nhập từ Trung Quốc về,” ông Luo nói.

 
Nhật Minh

Theo Detroit News