Ô tô đội mưa rét đóng phí, xe máy “án binh” trước “thuế” đường

(Dân trí) - Sau 3 ngày chính thức triển khai thu phí đường bộ, nhiều trạm đăng kiểm tại Hà Nội luôn trong tình trạng chật kín chủ xe tới đăng kiểm, đóng phí. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, việc thu “thuế” đường với xe máy vẫn “án binh bất động”.

Chủ “xế hộp” đội mưa rét đi đăng kiểm, đóng phí bảo trì đường bộ
 
Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, bắt đầu từ 01/01/2013, khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô đang lưu hành tại nước ta sẽ chính thức phải nộp phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, do ngày 1/1 vẫn là ngày nghỉ Tết dương lịch nên việc thu phí đường bộ với xe ô tô đã được các trạm đăng kiểm xe cơ giới đồng loạt triển khai từ sáng ngày 2/1.

Không khí chung mà PV Dân trí ghi nhận tại hầu khắp các trạm đăng kiểm trên địa bàn TP Hà Nội như trạm đăng kiểm 29.03S tại Ngọc Khánh - Ba Đình, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (Tam Hiệp, Thanh Trì), TT đăng kiểm xe cơ giới số 2905V tại Phương Mai (Đống Đa)... đều trong tình trạng chủ xe dồn dập đổ về đăng kiểm, nộp phí bảo trì đường bộ. Thậm chí, nhiều chủ phương tiện chỉ đến để hỏi về quy trình nộp phí hay đến đóng phí bảo trì đường bộ dù phương tiện chưa đến hạn phải đăng kiểm.

Xế hộp và chủ phương tiện xếp hàng đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ.
Xế hộp và chủ phương tiện xếp hàng đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ.
Xế hộp và chủ phương tiện xếp hàng đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ

Có mặt tại Trạm đăng kiểm 29.03S tại Ngọc Khánh (Ba Đình) sáng 3/1, trong tiết trời mưa dầm rét buốt, hàng chục chủ phương tiện vẫn đang xếp hàng đợi đến lượt đăng kiểm và đóng “thuế” đường. Nhiều chủ phương tiện vẫn tỏ ra bỡ ngỡ về quy trình đóng phí. Trong khi đó, một số chủ phương tiện râm ran bàn tán về mức phí bảo trì đường bộ phải nộp.

Ông Đào Đình Phủ, trú tại Đại Cồ Việt - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Chiếc xe 4 chỗ của tôi phải chịu mức phí đường bộ là 1.560.000/năm. Với mức phí này, tôi cảm thấy chấp nhận được vì sẽ không mất phí qua các trạm thu phí nhà nước như trước đây. Đến hạn đăng kiểm xe, tôi tranh thủ đi nộp phí luôn”.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Quán Tuấn, trú tại Láng Thượng - Đống Đa khá bức xúc: “Chiếc xe của tôi là xe chở khách Ford Transit dưới 25 chỗ phải đóng “thuế đường” 3.240.000/năm. Tôi không phản đối việc đóng phí bảo trì đường bộ. Nhưng nếu tôi chở khách tuyến Hà Nội - Nam Định, ngày nào qua trạm thu phí trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tôi lại phải nộp phí tại trạm thu phí này mấy chục nghìn/lần thì hóa ra tôi phải đóng phí 2 lần hay sao?”.

Trao đổi về hoạt động thu phí tại trạm đăng kiểm 29.03S, ông Hoàng Xuân Thảo - Trạm phó trạm đăng kiểm 29.03S - cho biết: Sáng 2/1, Trạm đăng kiểm 29.03S bắt đầu hoạt động đăng kiểm và thu phí bảo trì đường bộ.
 
Ngay từ buổi sáng sớm, hàng trăm chủ phương tiện xếp hàng đến đăng kiểm, nộp phí. Nhiều người chưa đến hạn đăng kiểm cũng đến nộp phí sớm. Thậm chí, cũng rất đông chủ phương tiện chỉ đến để xin tư vấn về cách nộp phí.

Bảng phí bảo trì các phương tiện được dán tại Trạm đăng kiểm 29.03S để chủ phương tiện tham khảo.
Bảng phí bảo trì các phương tiện được dán tại Trạm đăng kiểm 29.03S để chủ phương tiện tham khảo.
Bảng phí bảo trì các phương tiện được dán tại Trạm đăng kiểm 29.03S để chủ phương tiện tham khảo.

Lường trước tình hình, trạm đã tăng cường cán bộ nhân viên tư vấn cho chủ phương tiện tại phòng hồ sơ, đồng thời cho dán bảng biểu phí ngay tại trạm. Theo thống kê, ngày 2/1, tại trạm có 95 lượt phương tiện đến đăng kiểm, thu được hơn 159 triệu tiền phí.

Đến trưa ngày 3/1, tại trạm có 37 trường hợp đến đăng kiểm và nộp phí được 68 triệu đồng. Mỗi ngày trạm bắt đầu làm việc từ 6h sáng đến 12h trưa và từ 13h chiều đến 18h chiều, trung bình thực hiện đăng kiểm và thu phí được khoảng 60 đến 65 phương tiện.

Ông Thảo cho biết, quy trình thực hiện đăng kiểm và nộp phí như sau: Nếu chủ phương tiện vừa đăng kiểm vừa nộp phí thì việc đăng kiểm được tiến hành bình thường. Sau khi hoàn tất đăng kiểm, chủ phương tiện sẽ thực hiện nộp phí theo khung quy định nhận thêm 1 tem đã nộp phí.
Cán bộ đăng kiểm sẽ dán 2 tem: đăng kiểm và bảo trì này lên kính trước xe. Chủ xe đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Ôtô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm (18, 24 và 30 tháng) phải nộp phí sử dụng đường bộ theo từng năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm 18, 24 và 30 tháng, cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian đăng kiểm.

Nếu chủ phương tiện chỉ đến đóng phí thì chỉ nộp tiền phí và được nhân viên đăng kiểm dán thêm 1 tem vào kính trước xe.

Tem chứng nhận đóng phí bảo trì đường bộ được dán trên kính xe cùng tem kiểm định.
Tem chứng nhận đóng phí bảo trì đường bộ được dán trên kính xe cùng tem kiểm định

Một chủ phương tiện xem lại biên lai nộp phí bảo trì đường bộ mình vừa nộp.
Một chủ phương tiện xem lại biên lai nộp phí bảo trì đường bộ mình vừa nộp

Theo ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục đăng kiểm - chủ xe, người điều khiển phương tiện không phải đóng phí dồn dập trong những ngày này mà có thời gian đến hết ngày 30/6/2013.
Sau ngày 30/6, nếu chủ xe ô tô không đến nộp phí đường thì lực lượng chức năng mới xử phạt hành chính. Ngoài ra, ông Giao cũng đánh giá chu kỳ kiểm định tùy thuộc vào độ tuổi xe, với xe mới có thể lên tới vài năm, nhưng với xe càng cũ thì chu kỳ kiểm định càng ngắn, có thể là 3-6 tháng/lần.

Để tiến hành thu phí bảo trì đường bộ, Cục đăng kiểm đã ban hành 2 hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ, làm phần mềm thu phí tập huấn cho cán bộ, triển khai theo đúng Nghị dịnh và Thông tư về phí bảo trì đường bộ.

Xe máy “án binh bất động”
Trong khi việc thu phí bảo trì đường bộ với ô tô đang được triển khai thì việc thu phí với xe máy dường như vẫn đang ì ạch và “án binh bất động”. Mặc dù, theo quy định, việc thu loại phí này sẽ được giao cho chính quyền địa phường cấp xã, phường triển khai như một loại thuế. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều xã, phường phản ứng cho rằng điều đó gây ra nhiều bất cập và sẽ rất khó thu.

Mức thu phí với xe mô tô được áp dụng: xe mô tô đến 100 phân khối, xe máy điện từ 50.000 - 100.000 đồng/năm/xe; xe trên 100 phân khối là 100.000 - 150.000 đồng/năm/xe; mô tô chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh 2.160.000 đồng/năm/xe.

Không chỉ tại Hà Nội, UBND các phường, xã chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc thu phí đường bộ mà tại nhiều tỉnh thành các phường, xã cũng còn đang “án binh bất động” và tỏ ra khá “nản” trước việc sắp phải trực tiếp triển khai thu phí.

Tại Bắc Ninh, trao đổi với PV Dân trí, ông Lý Trường Sa - Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh - TP Bắc Ninh cho biết: UBND phường chưa nhận được thông tin chỉ đạo gì về việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Bản thân ông Sa cũng chưa nắm được cụ thể mà chỉ nghe thông tin qua báo chí.
“Nếu giao việc thu loại phí này cho phường sẽ khó khăn bởi người dân thường xuyên mua đi bán lại phương tiện rất khó khăn thống kê. Ngành công an, giao thông thu phí với xe máy mới hợp lý vì họ quản lý đầu xe”, ông Sa nói.

Ông Nguyễn Thế Tài - Chủ tịch xã UBND Nam Sơn - TP Bắc Ninh và ông Nguyễn Vân Phú - Chủ tịch UBND xã Phượng Mao (Quế Võ – Bắc Ninh) cũng đồng quan điểm với lãnh đạo UBND phường Vũ Ninh.

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Sơn Hà - Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh - Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, xã Tân Dĩnh vẫn chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào từ cấp trên về việc triển khai thu phí đường bộ với xe máy. Sẽ rất khó khăn để cấp xã thu loại phí này.

Trong khí đó, xe máy “án binh bất động” trước “thuế” đường.
Trong khí đó, xe máy “án binh bất động” trước “thuế” đường.
Trong khí đó, xe máy “án binh bất động” trước “thuế” đường.

Khó khăn thứ nhất là nguồn nhân lực để thực hiện sẽ không đủ. Tuy nhiên khó khăn hơn là sự đồng tình của người dân không cao bởi tại nông thôn, nhiều gia đình có phương tiện nhưng sử dụng lại rất ít trong khi mức phí trên cả nước bằng nhau dẫn đến sự thiếu công bằng.
 
Để có thể thu được, chính quyền địa phương có khi phải thành lập các tổ công tác đến tận nhà người dân để tuyên truyền. Tuy nhiên, có lẽ bước đầu chỉ có cán bộ, đảng viên trên địa bàn chấp hành mà thôi. Xã Tân Dĩnh có diện tích khoảng 10km2 và dân số hơn 13 nghìn người, người dân không chịu nộp phí thì cũng chưa có chế tài xử phạt nên rất khó có hiệu quả.

Việc thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn bởi việc thu phí theo đầu phương tiện khó có thể công bằng do các phương tiện lưu thông trên đường nhiều ít khác nhau, thậm chí có phương tiện hỏng hóc nằm “đắp chiếu” vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ. Nhiều người cho rằng nên thu phí bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu. Hình thức thu phí này đảm bảo được sự công bằng. Thu phí qua xăng dầu sẽ dễ dàng hơn và triệt để hơn với các đơn vị thu phí.
 

Theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2012, mức thu phí sử dụng đường bộ sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2013 như sau: ô tô từ 130.000 - 1.040.000 đồng/tháng/xe; mô-tô đến 100 phân khối và xe máy điện từ 50.000 - 100.000 đồng/năm/xe; xe trên 100 phân khối là 100.000 - 150.000 đồng/năm/xe; mô tô chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh 2.160.000 đồng/năm/xe.

Đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, mức thu xe ô tô con quân sự là 1.000.000 đồng/vé/năm; xe ô tô vận tải quân sự là 1.500.000 đồng/vé/năm. Đối với xe ô tô của lực lượng công an, mức thu xe dưới 7 chỗ ngồi là 1.000.000 đồng/vé/năm; xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô chuyên dùng, xe vận tải là 1.500.000/vé/năm.

 
Anh Thế - Bá Đoàn