Những “cú đạp” khiến doanh nghiệp ôtô “bổ nhào”

2012 là thời điểm khó khăn nhất trong 5 năm gần đây của kinh doanh ô tô. Dân phân phối kinh doanh thì ế ẩm, các DN đầu tư sản xuất, lắp ráp thì không dám đầu tư mở rộng vì chính sách bất ổn.

Với thực tế này, kinh doanh ô tô được cho là thê thảm nhất từ trước tới nay và vẫn chưa có hy vọng hồi phục.

 

Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất

 

Thị trường ôtô các năm trước đây sôi động bao nhiêu thì năm 2012 thê thảm bấy nhiêu. Doanh số bán xe toàn thị trường đạt 10.937 vào tháng 12/2011 đột ngột giảm chỉ còn 4.274 xe vào tháng 1/2012 đã làm cho giới kinh doanh choáng váng.

 

Tháng 1 hàng năm vốn là thời điểm bán xe tốt nhưng năm 2012 thì số xe bán ra giảm đến 60% so với cùng kỳ, báo hiệu một năm không an lành với giới kinh doanh ô tô.

 

Lượng xe tiêu thụ các tháng sau đó có tăng, nhưng cũng chỉ quanh mức trên 6.000 xe tới trên 7.000 xe mỗi tháng, cho đến tháng 11 vừa qua tiêu thụ tăng cao cũng mới đạt 9.570 xe, chưa bằng mức bình quân 10.000 xe/tháng của các năm trước.

 

Tất cả các DN ô tô đều điêu đứng. Toyota Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượng xe bán ra thị trường, những năm trước bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 2.800 -3.000 xe thì đến 2012 nhiều tháng tiêu thụ dưới 2.000 xe. Tính đến hết tháng 11 DN này mới tiêu thụ được trên 21.000 xe các loại, trong khi các năm trước đều tiêu thụ không dưới 30.000 xe. 

 

Các tên tuổi khác như Ford Việt Nam năm 2011 tiêu thụ trên 8.000 xe, năm nay hết tháng 11mới bán được 4.064 xe,GM Việt Nam, những năm trước tiêu thụ 10.000 xe, nay cũng chưa vượt qua con số 5.112 xe.

 

Trường Hải là DN ô tô lớn nhất của Việt Nam, hàng năm tiêu thụ chừng 33.000 xe thì năm nay hết tháng 11 con số bán cũng mới chỉ đạt trên 22.000 xe.

 

Với mức giảm trên 20% đến trên 40%. Tất cả các DN ô tô trong năm 2012 đều phải tạm ngừng sản xuất, DN ít cũng 2 tuần, nhiều lên tới 2 tháng bởi ô tô sản xuất ra không tiêu thụ được, xếp chật kín kho bãi. Hàng tồn kho trở thành nỗi kinh hoàng hoàng của các DN.

 

Công ty ô tô Trường Hải vào tháng 8 vừa qua vẫn còn tồn khoảng 10.000 xe. Toyota Việt Nam có thời điểm số xe tồn kho 3.000 chiếc. Nhà máy không còn chỗ chứa, phải thuê 4.000 m2 kho bãi bên ngoài để chứa.

 

Các DN khác như Ford Việt Nam, GM Việt Nam, Honda Việt Nam số xe tồn kho lên tới cả ngàn chiếc mỗi DN. Toàn thị trường số xe tồn kho lúc cao điểm lên tới trên 15.000 chiếc.

 

Những DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng không tránh khỏi sự thê thảm này. Hyundai Thành Công vào tháng 7/2012 có số lượng xe tồn kho lên hơn 1.000 chiếc và  nhiều tháng liền không hề nhập khẩu 1chiếc xe nào. Lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu cũng giảm mạnh, bình quân trên 3.000 xe mỗi tháng trong năm 2011 giảm xuống còn 2.000 xe/ tháng trong năm 2012.

 

Xe không bán được, dây chuyền sản xuất tạm ngừng hoạt động nên hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc, bị sa thải, bị cắt giảm lương. Nhiều DN ô tô đã phải động viên người lao động xin nghỉ việc để chia sẻ khó khăn với công ty. Với các cửa hàng bán xe thì nhiều nới đã phải đóng cửa, giải nghệ hoặc chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác. Nhiều nhân viên bán xe cả tháng không bán nổi chiếc nào chấp nhận bị cắt giảm lương tháng. Không ít các cửa hàng, đại lý ô tô phải nợ lương, trả chậm lương nhân viên vì không còn thu để câu đối. .

 

 Chưa có năm nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá xe lại diễn ra liên tục, rầm rộ và có giá trị lớn như năm 2012. Từ đầu năm tới cuối năm DN không ngừng nghỉ tung ra các chương trình hấp dẫn. Không ít mẫu xe giảm giá cả trăm triệu đồng, thậm chí có mẫu xe giảm tới trên 1 tỷ đồng... ngoài ra là các chương trình khuyến lên tới hàng chục triệu đồng...

 

Xe bán được  ít, lại giảm giá nhiều khiến hầu hết các DN ô  tô đều trong tình trạng tài chính khó khăn, thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận. Nói tóm lại, năm 2012 là  thời điểm vô cùng khó khăn với các DN ô  tô bởi thị trường quá ảm đạm.

 

Lo ngại chính sách bất ổn

 

Nguyên nhân gây nên sự
 
Nguyên nhân gây nên sự  ảm đạm cho thị trường ô tô được lý giải là do nền kinh tế bị suy giảm khiến cho nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có nguyên nhân quan trọng là do phí tăng cao và chính sách thiếu ổn định.

 

Ngay từ 1/1/2012 lệ phí trước bạ với ô tô tại TPHCM đã tăng lên 15%, tại Hà Nội tăng lên 20% và phí cấp biển số tăng lên 20 triệu đồng đã khiến cho chi phí để sở hữu một chiếc xe tăng mạnh. Trong khi đó, TPHCM và Hà Nội là 2 thị trường lớn chiếm tới 70% số xe bán ra.

 

Nhiều DN và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đã phải kêu lên rằng chúng ta đang biến phí thành những loại thuế cao, rất kỳ lạ. Mua một chiếc ô tô có giá 1 tỷ đồng tại Hà Nội năm 2012 phải đóng thêm 20% lệ phí trước bạ và 20 triệu đồng phí cấp biển, như vậy tổng cộng lên tới 22% giá trị chiếc xe là mức quá cao, không ở đâu như vậy.

 

Bộ Giao thông Vận tải còn "bồi" thêm nhát nữa với thông tin đề xuất thu phí hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, trong đó ô tô phải chịu mức thu từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/ năm. Tuy chưa thành chính sách nhưng với việc phát ngôn rộng rãi đã khiến nhiều người dân e ngại không muốn mua ô tô nữa mà tạm dừng lại nghe ngóng.

 

Thêm "đòn nặng ký" này, đã khiến cho thị trường ô tô "chết hẳn" các DN ô tô bị đẩy vào tình cảnh điêu đứng. Chẳng hạn, chỉ sau khoảng 2 tuần khi thông tin thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đưa ra, tại công ty ôtô Trường Hải toàn bộ dây chuyền sản xuất xe Kia đã phải ngừng hoạt động. Các DN khác cũng vậy thay nhau tạm ngừng sản xuất và đi tìm bãi chứa xe ế.

 

Các DN ô tô liên tục kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và cuối cùng cũng đã nhận được câu trả lời từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc thu phí hạn chế giao thông chưa thể diễn ra trong vài năm tới. Tuy nhiên, thị trường ô tô không khởi sắc, vẫn giảm mạnh so với các năm trước.

 

Theo các DN, việc tăng mạnh lệ phí trước bạ và phí cấp biển số xe tại Hà Nội và TPHCM cũng như dự kiến đưa thêm các khoản phí mới đánh vào ôtô nhằm hạn chế xe cá nhân tiếp tục cho thấy vẫn thiếu sự ổn định trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô.

 

Theo Trần Thủy

Vef