Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1)

(Dân trí) - Dù không muốn nhưng những người hâm mộ xe Mỹ cũng phải chấp nhận thực tế rằng sắp tới nhiều khả năng một hoặc hai thương hiệu sẽ ra đi. Đây không phải là điều gì mới. Lịch sử ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã chứng kiến nhiều cái chết như thế.

Kể từ khi ngài Karl Benz lái chiếc xe động cơ xăng 4 thì của mình tại Đức vào năm 1885 đến nay đã có hàng trăm nhà sản xuất ô tô ra đời. Có những thương hiệu, như Autoette hay Bugmobile, chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi chìm vào quên lãng. Nhưng cũng có tên tuổi, như Packard và Plymouth, từng là thương hiệu lớn trên thị trường, gặt hái thành công trong vài thập kỷ, rồi mới biến mất. Đó mới chỉ là ở Mỹ.

 

Điều tương tự cũng xảy ra trên khắp châu Âu, và thậm chí là cả Nhật Bản. Giờ đây, mấy ai còn nhớ đến những cái tên xe hơi như Armstrong Siddeley hay Hispano-Suiza? Để giúp khơi lại trí nhớ, hoặc làm giàu kiến thức cho những ai quan tâm đến thế giới xe hơi, tạp chí Business Week của Mỹ tổng hợp danh sách những doanh nghiệp ô tô Mỹ đã bị khai tử, hầu hết trong cuộc đại khủng hoảng 1929-1939. Có những tên tuổi từng nổi tiếng như Cadillac và Chrysler hiện nay.

 

American Motors Corp. (AMC)

Thời gian hoạt động: 1954-1987
Các mẫu xe đáng chú ý: Gremlin, Pacer, Javelin, Matador

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 1
 

AMC từng được coi là đối thủ của ba “đại gia” ngành xe hơi Mỹ hiện nay - General Motors, Ford, và Chrysler. Không may là dù có một số mẫu xe nổi đình nổi đám những năm 70, như Gremlin và Pacer, nhưng chiến lược sản phẩm kém khôn ngoan đã khiến AMC bị bán cho Chrysler, chủ yếu cho giám đốc điều hành Chrysler khi đó là Lee Iacocca chết mê chết mệt thương hiệu Jeep của AMC.

 

Auburn Automobile Co.

Thời gian hoạt động: 1900-1936
Các mẫu xe đáng chú ý: 1929 Auburn 8-90 Speedster, 1935 Auburn 851 “Boattail Speedster”

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 2
 

Được thành lập tại Auburn, tiểu bang Indiana của nước Mỹ vào năm 1900, ban đầu Auburn sản xuất dòng xe touring, nhưng từ sau khi bị Errett Lobban Cord mua vào năm 1924, công ty chuyên sản xuất xe hạng sang, thiết lập quan hệ đối tác với các nhà sản xuất khác, như Duesenberg. Ông Cord đã thuê các nhà thiết kế hàng đầu về thiết kế xe cho cả hãng Auburns và Cord. Giống như nhiều thương hiệu cao cấp nhưng nhỏ khác, Auburn đã phá sản trong thời gian xảy ra cuộc đại suy thoái 1929-1939.

 

Cord

Thời gian hoạt động: 1929-1932, và 1936-1937
Các mẫu xe đáng chú ý: 1937 Cord 812 Sedan, 1930 L-29

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 3
 

Mặc dù có kiểu dáng khí động học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhưng những chiếc xe của E.L. Cord lại nổi tiếng về thiết kế độc đáo và các vấn đề chất lượng không mấy tích cực. Các vấn đề về chất lượng và giá bán cao chính là nguyên nhân khiến thương hiệu này bị khai tử trong cuộc đại suy thoái 1929-1939.

 

Checker Motors Corp.

Thời gian hoạt động: 1922-1982
Các mẫu xe đáng chú ý: Checker Taxi, Checker Superba

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 4
 

Những chiếc xe taxi Checker từng rất được người dân ở Manhattan yêu mến, vì sự tiện nghi và rộng rãi bên trong. Nhưng đáng tiếc là công ty, khởi sự trong ngành kinh doanh taxi, đã lâm vào khó khăn sau vụ kiện chống độc quyền vào năm 1964, bởi họ vừa sản xuất ô tô vừa kinh doanh taxi. Sau đó, công ty phá sản.

 

DeSoto

Thời gian hoạt động: 1928-1961
Các mẫu xe đáng chú ý: Powermaster, Firedome, Adventurer

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 5
 

Thương hiệu DeSoto được Walter P. Chrysler giới thiệu vào năm 1928 như một dòng xe hạng trung và có giá bán thấp hơn Dodge. Dù là một thương hiệu khá được ưa chuộng, nhưng cuối cùng DeSoto vẫn bị "sa thải" vì nó khiến danh mục sản phẩm của Chrysler quá dài.

 

Duesenberg

Thời gian hoạt động: 1913-1937
Các mẫu xe đáng chú ý: 1921-27: Duesenberg Model A, 1929-37: Duesenberg Model J 1933-36: Duesenberg Model SSJ

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 6
 

Duesenberg là đại diện không thể thiếu cho dòng xe hơi cao cấp của Mỹ, với những chiếc xe cỡ lớn, thiết kế đẹp, tốc độ cao, sản xuất kỳ công và rất đắt. Không có hai chiếc Duesenberg nào giống nhau y hệt. Chỉ có các ngôi sao điện ảnh và các vị vua mới lái loại xe này. Giống như Cord và Auburn, Duesenberg phá sản trong cuộc Đại suy thoái, do sự phô trương và xa xỉ quá mức cần thiết trong thời buổi kinh tế khó khăn.

 

Eagle

Thời gian hoạt động: 1988-1998
Các mẫu xe đáng chú ý: Eagle Talon, Eagle Vision

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 7
 

Sau khi Chrysler mua AMC vào năm 1987, họ khai thác hết mức thương hiệu Jeep và sau đó "xẻ thịt" AMC để cho ra đời phân nhánh Eagle hoàn toàn mới, sử dụng thiết kế của cả AMC, Renault, và Mitsubishi. Kết quả, không có gì đáng ngạc nhiên, là Eagle khiến cả người tiêu dùng lẫn giới phân tích phải rối trí. Thương hiệu này chưa bao giờ thành công, và Chrysler đã chấm dứt nó vào năm 1998.

 

Essex

Thời gian hoạt động: 1918-1932
Các mẫu xe đáng chú ý: Super Six Coupé, Super Six 4-Door Sedan

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 8

 

Thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô, Hudson Motor Car Co. là một trong nhiều nhà sản xuất nỗ lực hết mình để trở thành một tên tuổi lớn trong ngành. Essex, một trong những mác xe đầu tiên của công ty, được thiết kế để cạnh tranh với Ford và Chevrolet, nhưng Hudson hướng tới đối tượng khách hàng giàu có hơn.

 

Essex là mẫu xe bình dân đầu tiên có mui kín (trước đó hầu hết xe đều để nội thất trần, không mui).

 

Giống như nhiều hãng xe khác, Essex không sống sót được qua cuộc Đại suy thoái. Hudson cùng với nhiều công ty khác cuối cùng hợp nhất lại thành AMC.

 

Geo

Thời gian hoạt động: 1988–1998
Các mẫu xe đáng chú ý: Prizm, Storm, Tracker, Metro

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 9
  

Geo là tên một dòng xe giá rẻ mà GM chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1988, để cạnh tranh với xe giá rẻ nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghịch lý là các xe Geo đều được phát triển dựa trên thiết kế của Toyota (Prizm) hoặc Isuzu (Spectrum và Storm). Thương hiệu Geo đi vào ngõ cụt do nhu cầu của thị trường đối với dòng xe việt dã và bán tải cỡ lớn tăng lên. 

 

Hudson Motor Car Co.

Thời gian hoạt động: 1909-1954
Các mẫu xe đáng chú ý: Hudson Eight Convertible Coupé, Hudson Country Club Six Series 93 Convertible Coupé

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 10
  

Năm 1925, Hudson là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 nước Mỹ, sau Ford và Chevrolet, với các nhà máy đặt ở Mỹ, Anh và Bỉ. Hudson nổi tiếng vừa bởi những mẫu xe thiết kế đẹp, vừa bởi sự sáng tạo đổi mới của đội ngũ kỹ sư. Giống như nhiều doanh nghiệp khác, thời đó, Hudson bị chính phủ yêu cầu ngừng sản xuất xe phục vụ nhu cầu sử dụng cá nhân, để tập trung sản xuất phục vụ chiến tranh. Sau đó công ty rơi vào tình cảnh thiếu vốn. Năm 1954, công ty sáp nhập với Nash-Kelvinator để thành lập AMC.

 

Hupp Motor Co.

Thời gian hoạt động: 1909-1940
Các mẫu xe đáng chú ý: Hupmobile RRS Special Roadster, Hupmobile Series M De Luxe Century Opera Coupe

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 11
 

Detroit những năm đầu thế kỷ 20 không giống như kinh đô điện ảnh Hollywood cùng thời. Đây là nơi trú ngụ của một ngành công nghiệp mới nổi, hứa hẹn nhiều tiềm năng. Robert Craig Hupp, một người từng làm việc cho Ford và Oldsmobile, đã thành lập hãng ô tô Hupmobile vào năm 1909. Nhưng cũng giống như nhiều công ty cùng thời, Hupmobile đi vào con đường sản xuất những chiếc xe thiết kế đẹp, nhưng quá đắt, và đó là nguyên nhân cho sự sụp đổ sau này.

 

Jordan Motor Car Co.

Thời gian hoạt động: 1916–1931
Các mẫu xe đáng chú ý: Playboy, Friendly Three, Little Custom

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 12
 

Sử dụng phụ tùng của các nhà sản xuất ô tô khác, Jordan ban đàu cũng khá thành công. Các cổ đông được nhận cổ tức tới 1.900%. Tuy nhiên, họ bắt đầu thất bại khi ra mắt mẫu xe hạng sang Little Custom. Mẫu xe này không thu hút được khách hàng và cuối cùng khiến công ty bị mua lại.

 

LaSalle

Thời gian hoạt động: 1927-1940
Các mẫu xe đáng chú ý: La Salle Series 37-5067 Convertible Coupé

 

Những cái tên đã chết của ngành ô tô Mỹ (1) - 13
 

LaSalle ban đầu được Giám đốc GM khi đó, Alfred P. Sloan, xem như một dòng xe giá rẻ đồng hành cùng Cadillac. Ông chính là người đưa ra ý tưởng nên sản xuất ô tô ở gần như mọi mức giá, và LaSalle nằm trong phân khúc thị trường giữa Cadillac với Buick.

 

Tuy nhiên, LaSalle còn hơn là dòng xe Cadillac giá rẻ, vì nó có các thiết kế của Harley Earl, người sau này trở thành một trong những nhà thiết kế huyền thoại của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

 

Tuy nhiên, trong cuộc Đại suy thoái, doanh số của Cadillac sụt giảm mạnh, và để cứu thương hiệu này, GM đã buộc phải khai tử LaSalle.

 

(Còn tiếp)

Sỹ Hoàng

Theo Business Week