Hoạt động nhập khẩu ô tô:

Nghi án doanh nghiệp “lách” Thông tư 20: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Công ty Hưng Long, doanh nghiệp tự do đầu tiên nhập khẩu ô tô mới vào Việt Nam sau khi thông tư 20/2011 có hiệu lực, giờ đây, với những văn bản mới của Bộ Công thương, đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Hưng Long cho biết đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu và giao hơn 40 xe đến tay khách hàng, còn hơn 20 xe chưa đủ thủ tục và đứng trước nguy cơ tái xuất hoặc tệ hơn là sung công, theo quyết định tại công văn số 9518/BCT-XNK không chấp nhận những giấy tờ mà họ cung cấp chưa phù hợp với thông tư 20/2011-BCT. Trong khi đó, cũng với những giấy tờ này, Hải quan TPHCM đã cho phép họ thông quan lô hàng hơn 40 chiếc ô tô cách đây gần nửa năm…

Một vấn đề - Ba văn bản hướng dẫn

Trong thông tư 20/2011 của Bộ Công thương quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới phải có Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Và trong thời gian chuẩn bị cho thông tư này có hiệu lực, Bộ Công thương liên tiếp ra ba văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện, đặc biệt liên quan đến vấn đề giấy phép nêu trên. Cụ thể, văn bản 4640/BCT-XNK ngày 27/5/2011 hướng dẫn:
 
- Giấy ủy quyền, chỉ định được hiểu là hợp đồng đại lí, phân phối giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài sở hữu nhãn hàng hóa, hoặc do hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hợp pháp cấp cho thương nhân Việt Nam.
 
- Thương nhân phải nộp giấy xác nhận từ các hãng nói trên xác nhận không trực tiếp ủy quyền, kí hợp đồng đại lí…

Trên thực tế, thương nhân khó có thể xuất trình giấy tờ ở điểm thứ hai, vì không có nhà hãng nào xác nhận cho một công ty Việt Nam mà họ không có bất cứ mối quan hệ nào.

Tiếp theo đó, cũng liên quan đến Giấy ủy quyền nhập khẩu, ngày 22/6/2011, Bộ Công thương ra văn bản 5569/BCT-XNK làm rõ thêm vấn đề này như sau:

- Thương nhân nước ngoài ủy quyền phải là chính hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu, hoặc thương nhân nước ngoài có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam (trong trường hợp hãng sản xuất, hãng sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu hàng hóa đó không trực tiếp ủy quyền).

Và khi thông tư 20/2011 chính thức có hiệu lực vào ngày 26/6/2011, Bộ Công thương ra thêm văn bản 8826/BCT-XNK ngày 23/9/2011 giải thích rõ hơn về văn bản 4640/BCT-XNK ngày 27/5/2011, cụ thể ở mục 2: Giấy xác nhận từ các hãng nói trên xác nhận không trực tiếp ủy quyền, kí hợp đồng đại lí được hiểu như sau:
 
- Hợp đồng hoặc các giấy tờ chứng minh các hãng này ủy quyền hoặc chỉ định cho nhà phân phối sản phẩm của mình tại khu vực trong đó có Việt Nam,
 
- Hoặc giấy tờ nêu rõ hãng không trực tiếp ủy quyền, kí hợp đồng đại lí tại Việt Nam.

Chính những văn bản pháp lí khá lòng vòng và phức tạp này dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện thông tư 20/2011-BCT.

Những loại giấy tờ nêu trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương đều phải được lập và xác nhận tại nước ngoài. Thông tư 20 có nhắc đến việc hợp pháp hóa tại Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, nhưng Lãnh sự Việt Nam tại các nước xuất khẩu chỉ xác thực được chữ kí và con dấu là thật của các cơ quan chức năng nước sở tại chứ không có ý kiến gì về giấy ủy quyền, giấy chỉ định...
 
Cụ thể, công ty Hưng Long phải xuất trình các văn bản của chính hãng (Toyota và Lexus) ủy quyền cho các công ty tại Mỹ là Magnussen’s Lexus of Freemont và Elmore Toyota Orange County được phép bán hàng về Việt Nam (hai công ty này đã ủy quyền cho KA Leasing and Rental Corp bán hàng về Việt Nam, và KA bán hàng cho Hưng Long).

Nghi án doanh nghiệp “lách” Thông tư 20: Vì đâu nên nỗi? - 1

Cục Hải quan TPHCM, trong văn bản số 3039 báo cáo Tổng cục Hải quan Việt Nam liên quan đến vụ việc này, cũng đã nêu rõ sự khó khăn và lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ: bởi cùng một quy định trong thông tư 20/2011-BCT lại có quá nhiều cách diễn giải khác nhau.

Những diễn biến mới

Trong văn bản số 3039, để tránh có nhiều cách hiểu và vận dụng thông tư 20/2011 như trong thực tế, Cục Hải quan TPHCM có kiến nghị trên cơ sở “giấy phép tự động” của Bộ Công thương cấp cho thương nhân theo Thông tư số 24/2010/TT-BCT và ý kiến xác nhận về tính hợp pháp, hợp lệ của Bộ Công thương về “Giấy ủy quyền, giấy chỉ định của chính hãng sản xuất” theo quy định tại Thông tư 20, cơ quan hải quan cửa khẩu sẽ làm thủ tục khai báo và thông quan theo quy định.

Trên thực tế, để được phép mở một tờ khai hải quan, thương nhân phải xuất trình với cơ quan hải quan Giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công thương cấp. Để được cấp giấy phép này, thương nhân phải gửi tới Bộ Công thương bộ hồ sơ gồm: hợp đồng nhập khẩu, hoá đơn thương mại, L/C hoặc chứng từ xác nhận thanh toán qua ngân hàng, chứng từ vận tải của lô hàng.

Trên thực tế, ngày 31/10/2011, Bộ Công thương đã ra văn bản 10036/BCT-XNK thông báo với công ty Hưng Long về việc tạm thời chưa xác nhận đăng kí nhập khẩu theo chế độ cấp phép tự động cho công ty, do đang trao đổi về việc thực hiện các quy định nhập khẩu với Tổng cục Hải quan.

Điều này dẫn đến một câu hỏi: Tại sao những lô hàng trước đó của công ty Hưng Long (40 xe đã bán cho khách hàng) vẫn được cấp Giấy phép nhập khẩu tự động?
 
Một thông tin khác đáng chú ý liên quan đến vụ việc này, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ông Tachibana cho biết, hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn chưa có nhà phân phối nào được tập đoàn Toyota chính thức cấp phép phân phối nhãn hiệu Lexus tại Việt Nam và TMV đang xúc tiến thủ tục, dự kiến khoảng 1-2 tháng nữa, TMV mới có được giấy phép chính thức phân phối.

Khi được hỏi liệu có khả năng, Toyota tại Mỹ cấp phép hoặc ủy quyền cho một đối tác phân phối xe nhãn hiệu Toyota và Lexus về Việt Nam hay không, ông Tachibana cũng khẳng định rằng Toyota tại Mỹ chỉ được phép chỉ định các nhà phân phối tại Mỹ chứ không được phép ủy quyền phân phối tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngày 27/10/2011, Trưởng đại diện Toyota Motor Corp. (TMC) tại Hà Nội, ông Tatsuya Kijimoto đã thông báo bằng văn bản tới Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan với nội dung: “Hiện tại, TMC không ủy quyền/chỉ định bất cứ thương nhân nào tại Việt Nam làm nhà nhập khẩu, nhà phân phối sản phẩm ô tô nhãn hiệu Lexus. Đồng thời, TMC cũng không cho phép bất cứ nhà phân phối nào của mình ủy quyền/chỉ định thương nhân Việt Nam phân phối, nhập khẩu các sản phẩm Lexus."

H.Hiền