Mổ xẻ nguyên nhân vụ tai nạn chết người của xe Tesla

(Dân trí) - Tesla một lần nữa lại trở thành tâm điểm của sự chú ý sau vụ tai nạn khiến kỹ sư Walter Huang, 38 tuổi, thiệt mạng tại bang California, Mỹ. Theo đó, chiếc Model X đã được bật chế độ tự lái Autopilot, và 6 giây trước khi vụ va chạm xảy ra, tay của người lái không hề đặt trên vô-lăng.

Mổ xẻ nguyên nhân vụ tai nạn chết người của xe Tesla - 1

Vụ lần này có nhiều điểm tương đồng với một vụ tai nạn xe Tesla khác, xảy ra hồi tháng 9/2017. Tài xế trong vụ tai nạn cách đây hơn nửa năm cho biết, chiếc Model S của ông cũng đang được đặt ở chế độ tự lái, và đã đâm vào hàng rào phân cách khi ánh nắng mặt trời chiếu góc thấp.

Không giống như vụ tai nạn khiến kỹ sư Huang thiệt mạng, rào chắn an toàn đã hoạt động đúng chức năng và tài xế giữ được mạng sống. Theo chuyên gia Jim McPherson của SafeSelfDrive, góc mặt trời thấp cũng có thể khiến các camera mà Tesla sử dụng trên xe tự lái gặp vấn đề. Ông McPherson thậm chí còn chỉ ra một số điểm tương đồng trong 2 vụ tai nạn.

“Ở cả 2 vụ việc, góc mặt trời đều thấp, cả 2 chiếc xe đều di chuyển với tốc độ cao, đều được đặt ở chế độ tự lái, và nhiều khả năng là cả 2 cùng bị nhầm lẫn bởi các biển chỉ đường. Có thể nhận thấy sự khác biệt về màu vỉa hè. Bên cạnh đó là những vạch kẻ trắng mà hệ thống tự lái thường dùng để điều khiển xe vào giữa làn đường.”

Trên thực tế, ông Shantanu Joshi, một người điều khiển xe Tesla đi cùng tuyến đường với kỹ sư Huang, đã quay được đoạn video ghi lại cảnh vụ tai nạn và cho biết “chiếc xe rõ ràng đã đi chệch hướng (ở chế độ tự lái). Xe bắt đầu lệch sang trái mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo và đâm ngay vào hàng rào phân cách.” Joshi ngay lập tức đã nắm quyền kiểm soát chiếc xe và xử lý để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Thêm vào đó, một nhà thầu tổng hợp từ Chicago cho biết, chế độ tự lái trên chiếc Model X của ông thường gặp vấn đề ở cùng một vị trí trên tuyến đường đi làm. Do đó, ông đã tiến hành quay lại đoạn video hành trình, cho thấy cùng một chuỗi các sự kiện - hệ thống tự lái luôn điều khiển chiếc xe đâm thẳng vào hàng rào phân cách, trước khi người lái nhấn phanh, để ngăn một vụ tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên, mặc dù có những bằng chứng cho thấy lỗ hổng của hệ thống tự lái, vẫn có một sự khác biệt lớn trong 2 vụ tai nạn: hàng rào an toàn mà kỹ sư Huang đâm phải đã bị hỏng trong vụ tai nạn diễn ra 11 ngày trước đó. Vị kỹ sư xấu số đã đâm phải một bức tường và tử nạn, trong khi ở vụ tai nạn trước, người tài xế đã sống sót nhờ đâm vào một rào chắn thông minh.”

Mổ xẻ nguyên nhân vụ tai nạn chết người của xe Tesla - 2
Mổ xẻ nguyên nhân vụ tai nạn chết người của xe Tesla - 3

Phát ngôn viên của Tesla cho biết: “Hệ thống tự lái dự định chỉ được sử dụng với những người lái xe thực sự cẩn thận. Nó không thể ngăn ngừa được tất cả các vụ tai nạn. Mức độ đó là không thể đạt được, nhưng nó có thể giúp giảm nguy cơ tai nạn.”

Hướng dẫn sử dụng dành cho chủ sở hữu xe Model X cho thấy, hệ thống tự lái Autopilot mới chỉ là phiên bản thử nghiệm, và người dùng không bao giờ được dựa vào Autosteer để quyết định một lộ trình di chuyển thích hợp. Cần luôn luôn chuẩn bị xử lý khi cần thiết. Việc không tuân theo các chỉ dẫn này có thể dẫn tới những tai nạn, thậm chí là nguy cơ tử vong. Tesla cũng cho biết, hệ thống tự lái Autopilot đơn thuần chỉ hỗ trợ lái xe và người dùng vẫn cần phải rất tập trung khi di chuyển trên đường.

Giáo sư Steven Shladover tại Viện Nghiên cứu UC Berkeley - một trong những người đi tiên phong trong công nghệ xe tự lái cho biết: “Một số tài xế thường cố gắng làm việc này việc kia trong khi đang lái xe, và không giữ sự tập trung. Điều này có thể khiến họ gặp vấn đề.” Ông cũng cho biết, Tesla nên tham khảo kinh nghiệm từ hệ thống Smart Cruise của GM, trong đó các camera hướng tới lái xe.

“Mọi người nên có cái nhìn thực tế hơn về giới hạn của các hệ thống tự lái vào thời điểm hiện tại. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, trước khi muốn chạy, chúng ta cần đi bộ thậm chí là bò. Và xét về mặt công nghệ, chúng ta vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu.”

Hệ thống Autopilot của Tesla, hiện vẫn mới chỉ là hệ thống tự lái cấp độ 2. Tuy nhiên, tên gọi và các nó được quảng bá đã ảnh hưởng đến quan niệm và cách thức sử dụng của người dùng. Trong một số trường hợp, người lái thường có xu hướng ỷ lại vào hệ thống này hơn là tự điều khiển xe. Về bản chất, một chiếc xe tự lái cấp độ 2 vẫn yêu cầu người lái phải tập trung và luôn đặt tay trên vô-lăng. Đây không phải là một hệ thống tự lái mà chỉ hỗ trợ lái xe.

Kỹ sư Huang là người thứ 3 thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến hệ thống Autopilot, sau Gao Yaning ở Trung Quốc và Joshua Brown ở Florida (Mỹ). Trong cả 2 trường hợp trước đó, xe Model S đều đang bật chế độ tự lái. Hiện gia đình kỹ sư Huang đã thuê luật sư để tiến hành khởi kiện.

Lạc Diệp
Theo Paultan

Mổ xẻ nguyên nhân vụ tai nạn chết người của xe Tesla - 4