Liên minh GM, Renault và Nissan vẫn chưa ngã ngũ

(Dân trí) - Việc GM, Renault và Nissan có tạo ra được một liên minh hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào lần gặp gỡ tới đây giữa Chủ tịch tập đoàn GM Rick Wagoner và Carlos Ghosn, Tổng giám đốc Renault và Nissan tại Triển lãm ô tô quốc tế Paris 2006 khai mạc vào cuối tháng này.

Wagoner và Ghosn đã thoả thuận sẽ xem xét và đi đến quyết định chính thức vào giữa tháng 10 này, nhiều nguồn tin cho rằng Ford sẵn sàng vào cuộc nếu như GM, Renault và Nissan không đạt được thoả thuận hợp tác. Trong khi đó, báo giới chuyên ngành mấy ngày qua lại có thông tin GM, Renault và Nissan khó có thể gặp nhau do bất đồng quan điểm.

 

Một liên minh toàn cầu với sự tham dự của một nhà sản xuất lớn của Mỹ sẽ làm thay đổi cục diện toàn bộ ngành công nghiệp ô tô thế giới.

 

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal và Detroit News, sau 2 tháng kể từ khi Ghosn đưa ra đề nghị hợp tác với GM, vẫn chưa có gì biến chuyển trong thương vụ này.

 

Theo Detroit News, trong khi Renault và Nissan mong muốn lập ra một liên minh với khả năng hợp tác sâu rộng về nhiều mặt, GM chỉ muốn quy mô dừng lại ở mức hợp tác ở một vài nhà máy và mẫu xe.

 

Nhật báo Wall Street Journal trên phiên bản báo điện tử cũng cho biết, các quan chức cấp cao của GM nhận thấy GM sẽ không có được nhiều lợi ích như Renault và Nissan trong liên minh này.

 

GM, Renault và Nissan đã đồng ý đưa ra quãng thời gian 90 ngày để cùng xem xét lợi ích có thể đạt được qua việc dựng lên một liên minh mới. Mọi việc sẽ ngã ngũ vào ngày 15/10 tới đây, khi thời hạn 90 ngày kết thúc.

 

Trước thông tin của Detroit News, phát ngôn viên của GM - bà Renee Rashid-Merem - cho biết: "Tôi không thể nói gì hơn ngoài việc chúng tôi đã cam kết đề ra lộ trình 90 ngày để cùng xem xét và nghiên cứu".

 

Người đứng đầu bộ phận truyền thông của Nissan cho rằng những thông tin của Detroit News và Wall Street Journal là không đáng tin cậy.

 

Giới phân tích thị trường cho rằng liên minh này (nếu có) cũng không giảm thiểu được chi phí sản xuất như tỷ phủ Kirk Kerkorian mong đợi, Kerkorian là cổ đông lớn của GM và chính là cha đẻ của đề án hợp tác này.

 

Hiện tại, GM đang phải đóng cửa một số nhà máy, cắt giảm nhân công, một phần trong kế hoạch cải thiện kinh doanh và tái cơ cấu tại khu vực Bắc Mỹ.

 

Điểm yếu nhất của GM hiện nay là nhà sản xuất này phải cố gắng cho ra các loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn để giảm phụ thuộc vào các dòng xe lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, mà hiện tại do giá xăng dầu tăng cao nên doanh số của dòng xe này đã suy giảm nghiêm trọng. 

 

Kar

Theo Reuters