1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ Toyota lắp động cơ gỉ sét:

Lẽ nào dây chuyền Just In Time đãng trí?

Chiều 10/7, Toyota Việt Nam thực hiện giám định một trong số 96 động cơ bị “bỏ quên” hơn hai năm ở cảng. Kết quả cho thấy, động cơ vẫn trong tình trạng hoạt động tốt, đủ điều kiện để lắp vào xe.

Thật ra, kết quả kiểm định trên có thể đoán trước được bởi động cơ khi vận chuyển, theo đúng quy trình, đều được bảo quản bằng dầu và mỡ bảo vệ, rồi còn lớp giấy chuyên dụng bao ngoài.

Cho nên, tình trạng bên ngoài, có thể bị gỉ sét đôi chỗ, nhưng bên trong động cơ, các chi tiết hầu hết là vật liệu không gỉ. Chỉ cần súc rửa dầu bảo vệ cũ và thay dầu mới, động cơ được chạy rà kỹ ở nhà máy, rồi thực hiện chạy rà có tải khi lắp vào xe, là bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất xưởng.

Được biết, 96 động cơ trên được nhập cảng Hải Phòng vào ngày 29.1.2006 và tới ngày 28.2.2008, bộ phận giao nhận của Toyota mới nhớ ra. Sau khi thực hiện hàng loạt công đoạn kiểm tra kỹ lưỡng và nghiêm ngặt tại nhà máy, theo lời của Toyota, “bộ phận kiểm tra chất lượng của Toyota Việt Nam khẳng định các động cơ trên hoàn toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng của Toyota”.

Nhớ thực hiện các quy trình kiểm tra, nhưng Toyota lại “quên” thông báo cho khách hàng rõ về tình trạng xe, mà như thừa nhận lẽ ra họ “phải thông báo và có những biện pháp hợp lý đối với những khách hàng mua xe trước khi bàn giao xe”.

Sức mạnh của Toyota bắt đầu từ câu chuyện quản trị chuỗi cung ứng nhịp nhàng, sao cho thời gian lưu kho thấp nhất theo phương thức JIT (Just In Time). Không chỉ Toyota áp dụng, mà phương thức này còn được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp.

Mấu chốt của nó không chỉ là công thức và sơ đồ mà nằm ở con người. Bởi không có con người quản lý và điều hành, thì phương thức thần diệu nào cũng không thể phát huy. Việc bỏ quên động cơ do sai sót trong khâu giao nhận với bất cứ lý do gì, đều liên quan đến con người.

Lô động cơ trên được lắp cho 95 chiếc xe, đã có 84 xe Innova và 6 xe Hiace được bán ra thị trường. Với 14 khách hàng đã mua xe, có thể lựa chọn một trong các giải pháp như trả lại xe, thay máy, đổi xe hoặc được bớt giá.

Phiền phức khó tránh khỏi vì họ phải làm đúng thủ tục hành chính và đăng bạ xe. Chi phí thu đổi mà Toyota phải trả cho họ không nhỏ. Nhưng chi phí vô hình mà Toyota đang chi và sẽ chi thì không một nhà quản trị nào có thể tính được. Khi niềm tin bị sứt mẻ, thì mất bao công sức và thời gian, để bù đắp?

Khi bàn về văn hoá và tâm lý tiêu dùng, giáo sư – tiến sĩ Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã nhấn mạnh rằng trí nhớ của người tiêu dùng là nền tảng phát triển của doanh nghiệp.

Câu chuyện số động cơ bị bỏ quên chắc phải mất nhiều năm nữa mới làm người tiêu dùng lãng quên. Và đó chính là cái giá mà Toyota Việt Nam phải trả cho sai sót trong khâu tiếp vận.

Toyota Việt Nam đang có chiến dịch quảng cáo đầy ấn tượng “Ăn ở như bát nước đầy”. Nước trong bát của Toyota là quan hệ mà họ đã dày công xây dựng với khách hàng. Công đổ đầy bát nước đã khó. Để nước tràn và múc bù lại, càng khó hơn.

Theo Tiểu Lý
Báo SGTT