GM và Chrysler muốn “góp gạo thổi cơm chung”

(Dân trí) - General Motors (GM) đang bước đầu thảo luận về khả năng sáp nhập với Chrysler. Nếu thành công, thương vụ này sẽ làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp chế tạo xe hơi Mỹ, bộ ba “ông lớn” sẽ giảm xuống còn hai.

Các cuộc thảo luận giữa GM và Cerberus Capital Management, công ty quản lý vốn tư nhân đang sở hữu Chrysler, đã bắt đầu từ cách đây hơn một tháng, nhưng đến nay vẫn chưa chắc chắn khả năng thành công. Hôm 10/10, nguồn tin nội bộ cho biết khả năng sáp nhập là 50-50, và có thể vài tuần nữa sẽ có kết quả đàm phán.

 

Một cuộc sáp nhập, nếu có, giữa GM và Chrysler sẽ là sự kiện lịch sử, bởi đây là hai trong ba biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Cả hai đều đang trong giai đoạn khó khăn do môi trường cạnh tranh, tình hình kinh tế ảm đạm và sự thay đổi thị hiếu. Cùng với Ford, GM và Chrysler đã thống lĩnh ngành công nghiệp ô tô trong suốt một thời gian dài, cho đến khi các nhà sản xuất Nhật Bản và nước ngoài bắt đầu tấn công thị trường Mỹ.

 

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang chao đảo, bởi giá xăng tăng cao khiến người tiêu dùng “xa lánh” dòng SUV; bởi nền kinh tế khó khăn khiến người dân hạn chế mua xe mới; và bởi chính sách tín dụng thắt chặt khiến những khách hàng có nhu cầu mua xe khó vay tiền. Cả GM và Chrysler đều đang gặp khó khăn khi danh mục sản phẩm đa số là xe cỡ lớn trong khi nhu cầu thị trường đã chuyển sang dòng xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu.

 

Giá cổ phiếu của GM đã giảm từ mức hơn 43 USD xuống còn chưa đến 5 USD. Tình hình của Chrysler cũng không khá hơn, dù hiện nay là công ty tư nhân nên không bắt buộc phải công khai tình hình tài chính.

 

Nguồn tin nội bộ cho biết GM và Cerberus đã ngồi vào bàn đàm phán từ hơn một tháng trước, và nhiều cuộc thảo luận có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên.

 

Các cuộc thảo luận tập trung vào những chi phí sẽ tiết kiệm được nếu sáp nhập, chứ hai bên không đào sâu vào tình hình tài chính của nhau.

 

Cùng lúc, công ty Cerberus vẫn tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất ô tô khác, trong đó có Nissan và Renault, theo nguồn tin nội bộ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các cuộc thảo luận này đã đi tới đâu.

 

Tin đồn GM có thể phải nộp hồ sơ xin tuyên bố phá sản đã xuất hiện từ vài tuần nay, do nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ ngày càng cạn kiệt tiền mặt. Hôm 9/10, công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cũng đã xếp GM vào tình trạng đáng báo động.

 

Tuy nhiên, GM vẫn tự tin là họ có thể tăng tính thanh khoán, đồng thời khẳng định không có ý định làm thủ tục công bố phá sản.

 

Tập đoàn GM từng nắm giữ khoảng 50% thị trường ô tô Mỹ, nhưng giờ đây, thị phần đã giảm xuống còn 22%, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Autodata. Chrysler từng giữ thị phần khoảng 15% trước khi sáp nhập với Daimler vào năm 1998, nhưng hiện nay thị phần chỉ còn 11%.

 

Hiện chưa rõ phản ứng của chính phủ là nghiệp đoàn lao động đối với khả năng sáp nhập giữa GM và Chrysler. Các vấn đề chống độc quyền cũng có thể sẽ được đưa ra, nhưng có lẽ vấn đề chính trị sẽ không quan trọng bằng tình hình tài chính đáng báo động của cả hai nhà sản xuất ô tô Mỹ.

 

Nếu GM sáp nhập với Chrysler, họ sẽ tạo ra một tập đoàn ô tô lớn hơn cả Toyota Motor của Nhật Bản.

 

Người phát ngôn của GM, ông Tony Cervone, vẫn từ chối bình luận về các cuộc thảo luận với Chrysler. “Không đề cập đến tin đồn thì như chúng tôi vẫn thường nói, lãnh đạo GM thường xuyên thảo luận các vấn đề đôi bên cùng có lợi với các nhà sản xuất ô tô khác,” ông Cervone nói.

 

Hiện cũng chưa có bình luận hay xác nhận nào từ phía Cerberus.

 

Cerberus đã mua 80,1% cổ phần của Chrysler vào tháng 8/2007 với giá 7,4 tỷ USD từ nhà sản xuất ô tô Đức Daimler.

 

Nếu sáp nhập, GM và Chrysler sẽ cùng nhau kiểm soát hơn 35% thị trường xe hơi Mỹ, và thống lĩnh thị trường xe bán tải, thể thao việt dã và minivan.

 

Tuy nhiên, hợp đồng sáp nhập cũng sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro lớn. Cả GM và Chrysler đều đang trong tình cảnh khó khăn nhất của thị trường ô tô Mỹ trong 15 năm qua.

 

Nguồn tin nội bộ cho biết nếu thỏa thuận sáp nhập này không thành công, Cerberus có thể sẽ chuyển hướng sang Nissan và Renault. Tuy nhiên, cuộc “hôn phối” giữa GM và Chrysler có tính khả thi cao hơn là giữa Chrysler với một nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Mặc dù có thể dẫn đến một đợt cắt giảm nhân công lớn, nhưng thương vụ sáp nhập giữa GM và Chrysler sẽ giúp hai bên kết hợp hệ thống đại lý, dây chuyền sản xuất và chia sẻ công nghệ.

 

Nhật Minh

Theo NYT