Giá ôtô và trò ú tim của người lớn

Năm 2018 đã trôi đi được hơn hai tháng và các chính sách đối với ngành ôtô đã rõ ràng, nhưng không vì thế mà người tiêu dùng đã hết khó xử với giá bán lẻ trên thị trường ôtô.


Ôtô nhập khẩu giá thấp như một món quà hấp dẫn treo lơ lửng. Người tiêu dùng mong chiếm lĩnh, các hãng xe cố gắng kéo lại gần để bán được xe.

Ôtô nhập khẩu giá thấp như một món quà hấp dẫn treo lơ lửng. Người tiêu dùng mong chiếm lĩnh, các hãng xe cố gắng kéo lại gần để bán được xe.

Suốt cả năm 2017, người tiêu dùng đã phải bóp nghẹt nhu cầu sở hữu ôtô của mình để quyết tâm chờ sang năm 2018. Mốc thời điểm ngày 1/1/2018 khi ấy được xem như một cánh cửa để mở ra "thiên đường" về giá, ít nhất là với các loại ôtô phổ thông nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Cũng trong quãng thời gian đó, người tiêu dùng đã bị đẩy vào trạng thái ức chế về tâm lý.

Một mặt, viễn cảnh giảm giá đến từ lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đem đến những kỳ vọng trước nay chưa bao giờ có.

Mặc khác, do tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng dẫn đến sức mua trên toàn thị trường suy giảm nghiêm trọng, hàng loạt hãng xe đã đua nhau tung ra những chương trình kích cầu vừa thông qua giảm giá vừa dựa trên những món quà tặng giá trị lớn.

Vậy là, trong tâm thế hào hứng chờ đợi giảm giá thì người tiêu dùng lại cùng lúc bị thúc ép nhu cầu mua sắm bằng những đợt giảm giá mạnh mẽ. Đã có những thời điểm nhiều người tiêu dùng quyết định mua xe ngay thay vì tiếp tục chờ đợi. Bởi theo tính toán, với cơn bão giá năm 2017, chưa chắc mức thuế suất 0% của năm 2018 đã giúp giá xe giảm được nhiều hơn.

Ôtô nhập khẩu giá thấp như một món quà hấp dẫn treo lơ lửng. Người tiêu dùng mong chiếm lĩnh, các hãng xe cố gắng kéo lại gần để bán được xe. Trong khi đó, chính sách lại là một thế lực có khả năng điều chỉnh để món quà đó đến với người nhận theo ý chí riêng của mình, sớm hoặc muộn, nguyên vẹn hoặc đã vơi đầy.

Trước mốc thời gian ngày 1/1/2018, Chính phủ gần như đồng thời ban hành Nghị định 116 và Nghị định 125, theo đó điều chỉnh chính sách đối với cả mặt hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc lẫn ôtô lắp ráp trong nước.

Với ôtô nhập khẩu, Nghị định 116 đã và vẫn đang khiến cho mặt hàng này bị đình trệ. Trong khi, Nghị định 125 với quy định về mức thuế suất ưu đãi 0% đối với các loại linh kiện trong nước chưa sản xuất được thậm chí đã giúp giá bán lẻ nhiều loại ôtô lắp ráp trong nước giảm sớm ngay từ cuối năm 2017.

Hơn một năm ròng bị giằng xé tâm lý bởi giá bán, người tiêu dùng xe như đã mệt mỏi.

Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chấp thuận loại giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô do Chính phủ Thái Lan cung cấp. Một nút thắt đã được gỡ bỏ. Nút thắt là giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ Indonesia, được biết, là cũng chuẩn bị được chấp thuận.

Như vậy, hàng rào được dựng lên bởi các thủ tục bắt buộc tại Nghị định 116 đang dần được vượt qua sau những nỗ lực và cả những dằn dỗi của các hãng xe. Và, bức tranh ôtô nhập khẩu giá thấp từ các nước Đông Nam Á lại đang dần tươi sáng.

Khi con đường của ôtô nhập khẩu Đông Nam Á thoáng rộng hơn, viễn cảnh ôtô giá thấp lại trở nên rất gần. Cho dù theo các hãng xe, vẫn còn một vướng mắc nữa bởi Nghị định 116 là quy định về kiểm định theo lô, thì cũng chỉ độ trên dưới 3 tháng nữa là người tiêu dùng đã có thể bắt đầu mua được ôtô nhập khẩu Đông Nam Á giá thấp.

Nguyên tắc là như vậy, khi các vấn đề về chính sách, thủ tục… được gỡ bỏ một cách cố gắng. Thế nhưng, câu chuyện giá bán lẻ tại thị trường ôtô Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn khó đoán định. Người tiêu dùng, các hãng xe và cả những tác động từ chính sách thường tạo nên những tình huống bất ngờ, hệt như trò chơi ú tim của con trẻ nhưng kịch bản lại được dựng lên bởi người lớn, mà phía sau nó, là những tác động từ quyền lợi.


Người tiêu dùng thường bị đẩy vào tình thế không thể nắm bắt được giá bán trên thị trường.

Người tiêu dùng thường bị đẩy vào tình thế không thể nắm bắt được giá bán trên thị trường.

Đến lúc này, hẳn những ai quan tâm đến thị trường ôtô đều có thể nắm rõ vai trò dẫn dắt thị trường về giá của Trường Hải, cụ thể là hai thương hiệu Mazda và Kia.

Cách đây hai năm, khi Trường Hải bắt đầu thúc đẩy sản lượng thông qua giảm giá, cơn bão giá bắt đầu nổi lên. Giá xe giảm, người tiêu dùng lao vào mua. Giá xe lại giảm tiếp, người tiêu dùng mới lại lao vào mua. Liên khúc giảm giá tăng sản lượng cứ thế tiếp diễn.

Đầu năm 2017, khi những đợt giảm giá kéo dài liên tục bắt đầu gây nên những phản ứng từ nhóm khách hàng cũ và cũng một phần do đã giảm quá nhiều, Trường Hải tuyên bố giá xe Mazda đã đến đáy và không thể giảm thêm nữa.

Nhưng, sau đó, giá xe Mazda và Kia lại giảm.

Sang đầu năm 2018, khi thị trường đang bị dồn nén bởi tâm lý chờ đợi ôtô giá thấp, Trường Hải lại bất ngờ… tăng giá xe Mazda và Kia. Đây là động thái bị xem là đi ngược xu hướng thị trường, mặc dù lý do khá thuyết phục là giá xe đã được giảm mạnh từ năm 2017.

Không chỉ Mazda và Kia, Honda cũng tạo nên một cú sốc cho một nhóm khách hàng của mình.

Cuối năm 2017, Honda ra mắt mẫu xe CR-V thế hệ mới với mức giá bán lẻ dự tính vào năm 2018 dưới 1,1 tỷ đồng cho phiên bản cao cấp nhất. Sang năm 2018, giá xe CR-V cao hơn 1,2 tỷ đồng . Lúc này, thị trường khan hiếm nguồn cung và người tiêu dùng vui vẻ chấp nhận mức giá cao của CR-V.

Thế nhưng, có những khách hàng, sau khi nhận xe chưa đầy tuần lễ thì nhận thông tin Honda đã nhập khẩu được xe theo thuế suất 0% và mức giá bán lẻ tụt xuống gần 200 triệu đồng.

Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình cho trò chơi ú tim giá xe tại thị trường ôtô Việt Nam. Ngoài những động thái tăng/giảm giá do nhu cầu kinh doanh ở từng thời điểm mà Trường Hải áp dụng thì thực tế, những quyết định tăng hay giảm giá mà các hãng xe đưa ra thường rất khó dự tính được. Từ đó, trò chơi ú tim giá xe thường đưa cả người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh vào những tình huống đuổi bắt, rình rập mà phần thắng cũng luôn là một bất ngờ.

Theo Đức Thọ
Vneconomy

Giá ôtô và trò ú tim của người lớn - 3