Gia nhập WTO: Công nghiệp ôtô vẫn luẩn quẩn

Thứ trưởng Công nghiệp Đỗ Hữu Hào thừa nhận có một vòng luẩn quẩn giữa việc hạn chế tiêu dùng xe hơi với mong muốn phát triển ngành này, mà Việt Nam sẽ khó thoát ra nổi, nhất là vào thời điểm này, khi sức ép WTO đã cận kề.

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng vào WTO, công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ bị đánh gục?

 

Không chỉ có công nghiệp ôtô bị ảnh hưởng mà còn có rất nhiều ngành khác, điểm khác biệt là ngành ôtô chịu tác động nhiều hơn mà thôi. Trong khi ở Việt Nam, đây là lĩnh vực mới phát triển thì ở các nước, công nghiệp ôtô đã gần hoàn thiện, công nghệ phát triển cao đến mức có sự kết hợp mạnh giữa cơ khí và điện tử.

 

Trong lĩnh vực ôtô, với xe con thì Việt Nam không đủ vốn và công nghệ để cạnh tranh, nhưng với xe tải, xe buýt khả năng hội nhập rất tốt.

 

Như vậy có thể hiểu là ngành sản xuất xe hơi sẽ thua trên sân nhà?

 

Công nghiệp xe con mới chỉ dừng lại ở lắp ráp và tập trung chủ yếu ở các liên doanh. Tới đây Việt Nam gia nhập WTO, cam kết gì thì cam kết, các liên doanh vẫn lắp ráp vì nó sẽ hiệu quả hơn nhập khẩu. Muốn cạnh tranh, giảm giá thành với xe nhập họ phải tập trung sản xuất phụ tùng trong nước.

 

Với công nghiệp xe máy trước đây, Honda nói không thể sử dụng phụ tùng trong nước, nhưng khi thị trường, chính sách thay đổi họ buộc phải tập trung vào nội địa hóa, nay tỷ lệ đạt trên 80%.

 

Kinh nghiệm ấy tôi tin họ sẽ áp dụng lại trong ngành ôtô. Liên doanh này trang bị dây chuyền lắp ráp động cơ trong khi các liên doanh khác chưa có. Hội nhập không phải con ngoáo ộp, thực tế chưa có quốc gia nào lụn bại vì WTO, chỉ có doanh nghiệp không trụ nổi mà thôi.

 

Liên doanh toàn lắp ráp, công nghiệp phụ trợ gần như bằng không. Là nhà hoạch định chính sách ông có suy nghĩ gì?

 

Bản thân ngành chính chưa phát triển thì sao phụ trợ phát triển, chỉ khi nào tỷ lệ nội địa hóa xe hơi đạt 60% mới nói đến công nghiệp phụ trợ được. Mỗi năm, một nhà máy lắp ráp được khoảng 6.000 ôtô vậy có nhà sản xuất nào dám làm ra 6.000 chi tiết phụ tùng để bán. Ở đây phải nói đến bài toán song song, không thể ép phát triển công nghiệp phụ trợ.

 

Nhà nước kêu gọi phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm giá xe, nhưng hạn chế tiêu dùng. Trong khi công nghiệp phụ trợ muốn phát triển, tiêu dùng phải lớn. Cần làm gì để thoát vòng luẩn quẩn này?

 

Đây rõ ràng là vòng luẩn quẩn không thoát ra được của nước đi sau. Nhưng toàn dân đi ôtô thì đường đâu, rồi thì bao vấn đề như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.

 

Ngay như Singapore hằng năm Chính phủ bán quota, chẳng hạn năm nay cho nhập 5.000 xe, anh nào trả phí cao thì được nhập. Hoặc trong thành phố có mắc đèn điện tử, anh nào đi qua phải trả 10 USD. Thái Lan từng trả giá cho chuyện xe ôtô được sử dụng tràn lan khi có những lúc mất 1 tiếng mới nhích được 4 km.

 

Tất nhiên đây là vấn đề hai mặt, không phải khi có đường rồi mới cho mua xe, đến một lúc nào đó sức ép người tiêu dùng và lượng xe gia tăng yêu cầu ngành giao thông phải phục vụ tốt hơn.

 

Trước mắt Nhà nước không thể lo cho một số người mà phải cân đối lợi ích toàn diện. Nhu cầu sử dụng xe hơi theo tôi hiện chỉ ở khoảng 5% dân số, vì thế còn có những vấn đề cấp thiết hơn như giao thông công cộng, đường sắt, tàu điện ngầm.

 

Vậy ông dự đoán thế nào về giá xe con sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

 

Chắc giá xe sẽ giảm nhưng không thể giảm nhanh được. Giá xe sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thuế, nhưng đến giờ phút này bản thân tôi chưa biết cam kết gia nhập WTO của Việt Nam với các đối tác có yêu cầu cao trong lĩnh vực này như Mỹ, Nhật, Trung Quốc cụ thể là bao nhiêu. Chỉ biết thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, nhập linh kiện sẽ giảm từ nay đến 2010.

 

Chưa vào WTO song chịu tác động từ các chính sách, nhiều loại xe trong nước đã giảm giá. Theo ông, nên có những thay đổi gì để giá xe dễ chịu hơn?

 

Một trong những lý do lượng xe bán ra giảm là do thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trước đây, sau Đại hội đảng, tỉnh thành nào có chủ tịch mới, bí thư mới đều thay xe mới, nay theo quy định họ vẫn đi xe cũ.

 

Nhưng những chính sách như vậy không phải là yếu tố quyết định, mà có thể nói giá xe phụ thuộc chủ yếu vào thuế. Với mức bảo hộ cao như hiện nay giá xe không giảm nhanh được.

 

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế nhập khẩu 90%, giá trị gia tăng 10%, một chiếc xe ở nước ngoài giá 10.000 USD, nhập về Việt Nam bán 25.000 USD là chuyện bình thường.

 

Để giảm giá xe chỉ có cách Nhà nước phải có lộ trình giảm thuế nhanh hơn.

 

Tại sao không giảm thuế nhập khẩu xe cũ để tạo áp lực cạnh tranh hơn với xe trong nước?

 

Tôi cho rằng ôtô cũ không thể coi là biện pháp giải quyết vấn đề, không có tác dụng gì phát triển kinh tế. Quốc gia nào cho nhập xe cũ tràn lan, đất nước sẽ lụi bại và thành bãi rác công nghiệp của thế giới.

 

Nếu muốn có áp lực cạnh tranh nên mở hơn với xe nguyên chiếc.

 

Theo Phong Lan

VnExpress