Doanh nghiệp ô tô châu Á sợ hiệu ứng đôminô

(Dân trí) - Với Toyota, Honda, và Hyundai, sự sụp đổ của bất cứ ai trong ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford, Chrysler - sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn là cơ hội.

Với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Á, việc ba “đại gia” xe hơi Mỹ (Big 3) nhận được sự trợ giúp của chính phủ sẽ hứa hẹn một tương lai tương sáng hơn cho tất cả. Họ hiểu rằng sự sụp đổ, nếu có của GM, Ford, hoặc Chrysler sẽ gây tác động tiêu cực đến doanh số tiêu thụ ô tô, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các nhà cung cấp, và có thể gây phản ứng tiêu cực đối với các thương hiệu ô tô nước ngoài. Một cách tỉnh táo và khôn ngoan, các nhà sản xuất ô tô châu Á hiểu rằng rắc rối của Detroit cũng sẽ là của họ.

 

Việc một hoặc cả ba nhà sản xuất ô tô Mỹ phá sản có thể cuối cùng sẽ khiến doanh số tiêu thụ và giá cổ phiểu của các doanh nghiệp châu Á tăng lên, nhưng trong ngắn hạn, điều đó có thể khiến tình hình của Toyota, Hyundai, và các hãng xe khác xấu thêm.

 

Chuyên gia phân tích Andrew Phillips của công ty chứng khoán KBC tại Tokyo, Nhật Bản, cho rằng sự ổn định của nền kinh tế Mỹ sẽ có lợi cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc, nên nếu như việc chính phủ Mỹ thông qua gói hỗ trợ tài chính cho Big 3 có thể đem lại điều này thì không có lý gì mà họ không ủng hộ.

 

Không đắc chí

 

Trong khi kế hoạch giải cứu ngành ô tô Mỹ chưa được thông qua, các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc rất hạn chế bình luận về việc mà các cơ quan chức năng Mỹ nên làm, vì họ không muốn bị đánh giá là có thái độ đắc chí, hay “xoa đầu”, khi đối thủ lâm nguy. Do đó, những ai đã lên tiếng, đều tỏ ý muốn thấy chính phủ Mỹ trợ giúp các nhà sản xuất ô tô Mỹ. CEO của Nissan, ông Carlos Ghosn, và CEO của Honda, ông Takeo Fukui cho biết về cơ bản họ ủng hộ việc này.

 

Cụ thể, hôm 6/11, ông Fukui phát biểu rằng ông không phản đối việc chính phủ Mỹ ra tay trợ giúp các nhà sản xuất ô tô, miễn là môi trường cạnh tranh bình đẳng được duy trì. Trên thực tế, bản thân lãnh đạo Honda cũng muốn chính phủ Nhật Bản can thiệp để hạ giá đồng yên đang có chiều hướng tăng, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu xe của họ. Ông Fukui cho rằng việc chính phủ hỗ trợ một trong những ngành công nghiệp then chốt của đất nước là điều tất nhiên.

 

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã phát biểu trước các phóng viên ở Washington hôm 16/11 rằng, sự gói hỗ trợ này là cần thiết vì mối liên hệ giữa ngành chế tạo xe hơi Mỹ với nền kinh tế Hàn Quốc. “Tôi ủng hộ những nỗ lực giải cứu ngành ô tô Mỹ,” ông Lee nói.

 

Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, cũng cầu chúc những điều tốt lành cho Detroit.

 

Giúp người là cứu mình

 

Doanh nghiệp ô tô châu Á sợ hiệu ứng đôminô - 1
 

Mặc dù chiếm 44% thị phần thị trường ô tô Mỹ trong tháng 10, nhưng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang bị ảnh hưởng. Ví dụ, Toyota dự báo 6 tháng cuối năm tài chính 2008-09 (kết thúc vào tháng 3 năm sau) sẽ chỉ thu về khoảng 200 triệu USD, và đã phải thành lập Uỷ ban cải thiện lợi nhuận khẩn cấp, do Chủ tịch Katsuaki Watanabe đứng đầu, với mục đích tìm hướng giải quyết mới cho vấn đề cắt giảm chi phí và đánh giá lại quy mô cũng như lộ trình của các dự án mới.

 

Sự sụp đổ của bất cứ doanh nghiệp chế tạo ô tô Mỹ nào cũng sẽ khiến tình hình xấu thêm, nếu người tiêu dùng nhìn nhận sự thành công của các doanh nghiệp châu Á là nguyên nhân đẩy Big 3 vào khủng hoảng.

 

Chuyên gia phân tích Yasuhiro Matsumoto của công ty chứng khoán Shinsei ở Tokyo nhận định: “Một vụ phá sản có thể gây tác động kinh khủng đối với nền kinh tế Mỹ và nhu cầu tiêu thụ xe mới. Chẳng có lý do gì để các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản muốn đối thủ Mỹ quỵ ngã”.

 

Nếu thiếu một hoặc cả ba đại gia ô tô Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới này có thể cũng không hấp dẫn như ban đầu người ta có thể nhầm tưởng, như kiểu loại bớt được đối thủ cạnh tranh. Tại Nhật Bản, xe Nhật chiếm tới hơn 90% doanh số tiêu thụ của toàn thị trường, nhưng có một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa chính các nhà sản xuất ô tô Nhật, những đối thủ thuộc loại tầm cỡ nhất trong ngành. Tại Mỹ, lợi nhuận thấp, nhưng lại cạnh tranh với Big Three - những đối thủ hoạt động tỏ ra kém hiệu quả hơn, nên các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lại dễ đạt doanh thu lớn hơn.

 

Mặt khác, có những mối liên hệ mật thiết giữa các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc với chính các đối thủ Mỹ. Mặc dù ngày 18/11 Ford đã tuyên bố bán 20% cổ phần Mazda, giảm tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp ô tô Nhật Bản này xuống còn hơn 13%, nhưng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong sản xuất và phát triển công nghệ vẫn được duy trì. Cụ thể, Mazda và Ford chia sẻ dây chuyền lắp ráp xe tại nhiều nhà máy, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong các dự án phát triển xe mới, nhằm tối đa hoá công suất và giảm chi phí.

 

Tương tự, hãng Daewoo của Hàn Quốc chịu trách nhiệm về sản lượng xe cỡ nhỏ của tập đoàn GM và sẽ thua thiệt nhiều nếu GM gặp khó. Hơn nữa, GM-Daewoo chiếm tới 1/4 trong tổng sản lượng 4 triệu xe sản xuất tại Hàn Quốc trong năm 2007, nên sự sụp đổ của GM (nếu có) không chỉ là thảm hoạ đối với nền kinh tế Mỹ, mà còn với cả ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc. Thêm vào đó, hàng trăm nhà sản xuất phụ tùng ô tô Hàn Quốc có doanh số phụ thuộc vào sự suy thịnh của GM.

 

Doanh nghiệp ô tô châu Á sợ hiệu ứng đôminô - 2

Bất chấp tình hình khó khăn, Toyota vẫn tiếp tục xây dựng In Blue Springs, nhà máy thứ 8 của họ tại Bắc Mỹ, nơi dự kiến mẫu Prius sẽ xuất xưởng vào cuối năm 2010. Đây cũng sẽ là nhà máy đầu tiên của Toyota tại Mỹ sản xuất xe Prius. (Ảnh: Getty Images) 

 

Dù mối liên hệ không mật thiết như Daewoo với GM hay Ford với Mazda, nhưng Toyota và GM cũng chia sẻ dây chuyền sản xuất tại nhà máy New United Motor Manufacturing ở Fremont, tiểu bang California. Trong khi đó, Nissan và Chrysler vừa ký thoả thuận để Nissan sản xuất xe cỡ nhỏ cho Chrysler, và đổi lại, Chrysler sẽ cung cấp xe bán tải và một số xe khác cho Nissan tại thị trường Bắc Mỹ.

 

Ngay cả những doanh nghiệp ô tô châu Á không có mối quan hệ đối tác với hãng xe nào của Mỹ, như Honda, cũng vẫn dùng chung nhà cung cấp ở Mỹ với Big 3. Giới phân tích cho rằng mối lo lớn nhất trước mắt là sự đổ vỡ của GM sẽ nhấn chìm các nhà cung cấp, từ đó ảnh hưởng tới tất cả khách hàng khác của họ, trong đó có các doanh nghiệp ô tô châu Á.

 

Nhật Minh

Theo Business Week