“Cuộc chiến” ô tô

Việc VAMA gửi văn bản kiến nghị “tăng cường ngăn chặn gian lận thương mại trong nhập khẩu ô tô nguyên chiếc” tới lãnh đạo các Bộ Công thương, Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan được ví như phát “đại bác” trong cuộc “cuộc chiến” giành giật thị trường.

 
“Cuộc chiến” ô tô - 1
 
Thực tế, không phải bây giờ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) mới lo ngại về xe nhập khẩu nguyên chiếc, kể cả xe cũ lẫn xe mới.

 

Chuyện không mới

 

Thực ra cuộc “nội chiến” này đã bắt đầu từ khá lâu, nhưng cấp độ khác nhau và ít cụ thể, chi tiết như lần này. Theo một chuyện gia, mục đích cuối cùng của VAMA là không có mặt xe nhập khẩu trên thị trường, hoặc nếu có thì đánh thuế thật cao để không thể cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước. Nếu làm được điều đó, lợi nhuận kếch xù của thị trường ô tô Việt Nam chủ yếu rơi vào túi của họ. Nhưng nếu xét ở mức độ thị trường, người tiêu dùng gần như không được lợi gì.

 

Minh chứng cho điều đó là những kiến nghị trước đây của VAMA về việc không nên cho nhập khẩu xe cũ, không nên giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Quan điểm này được VAMA thể hiện ở nhiều cuộc gặp, hội thảo hay bằng văn bản, nhưng cuối cùng xe nhập khẩu vẫn có mặt trên thị trường với những lợi thế cạnh tranh riêng, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

 

Có những thời điểm khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc ở mức 60%, sự cạnh tranh gây áp lực rất lớn đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước; và VAMA như “ngồi trên lửa”.

 

Hiện tại, mức thuế của xe nhập khẩu đã tăng trở lại mức 83%, sức cạnh tranh giảm tương đối, nhưng không vì thế mà người mua “ngoảnh mặt”. Lượng tiêu thụ xe nhập khẩu vẫn không ngừng tăng. Đó cũng là một phần lo lắng của VAMA.

 

“Tấn công” vấn đề cụ thể

 

Nói như vậy vì những lo ngại về xe nhập khẩu trước đây của VAMA vẫn tương đối chung chung, còn lần này cụ thể hơn. Đó là vấn đề liên quan đến  giá tính thuế của các nhà nhập khẩu ô tô.

 

Xin trích nguyên văn một phần trong kiến nghị của VAMA: “Trong vài năm gần đây, một số (chứ không phải tất cả) đã có những buổi làm việc với cơ quan Hải quan và Bộ Tài chính để trao đổi những quan ngại của mình về những hành vi gian lận của một số (chứ không phải tất cả) nhà nhập khẩu trong việc khai giảm giá xe nhập khẩu nguyên chiếc và kiến nghị nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn để giải quyết tình hình này. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các hoạt động gian lận này có xu hướng tăng. Ngày càng có nhiều xe ô tô mới nhập khẩu nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng xe đã qua sử dụng”.

 

VAMA đưa ra ba biểu mẫu về giá khai báo, thống kê giá một số loại xe nhập khẩu, thị phần xe nhập khẩu nguyên chiếc trong giai đoạn 2006-2009. Với những biểu mẫu này, lo ngại chính của VAMA là một số nhà nhập khẩu cố tình làm giá hoá đơn thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế cho khách để giảm tiền thuế phải nộp...

 

“Cuộc chiến” ô tô - 2
Thị phần ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trên tổng thị trường trong giai đoạn 2006-2009

 

Cơ hội cho nhà quản lý

 

Việc VAMA lo lắng xe nhập khẩu vượt xe trong nước có từ lâu. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc VAMA đưa ra quan điểm như trên cũng hợp lý và các nhà quản lý cần phải nhanh chóng kiểm tra, xử lý.

 

Tuy nhiên, VAMA cần có những chứng cứ cụ thể và rõ ràng hơn để khẳng định việc này là có thật, chứ không nên giả định. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Ngọc Đức, TGĐ Tập đoàn ô tô Thành Công - nhà nhập khẩu, phân phối xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, khẳng định những điều VAMA đưa ra là không có chứng cứ pháp lý và mỗi nước có xe nhập khẩu đều có một chính sách giá khác nhau...

 

Mặt khác, ông Đức cũng cho rằng, hiện tại lượng xe nhập khẩu bán ra tương đối lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xe tiêu thụ trên thị trường. Điều này là tốt, là cần thiết khi mà công suất của các nhà sản xuất trong nước không đáp ứng kịp nhu cầu. Đã xảy ra rất nhiều trường hợp khách hàng phải xếp hàng vài tháng, thậm chí tới 6 -7 tháng, mới nhận được xe.

 

Dư luận và những đề xuất của VAMA về vấn đề khai giá thấp để trốn thuế là có thật và việc vào cuộc sớm  của các cơ quan quản lý là cần thiết, cấp bách. Nhưng việc kiểm tra này không nên tách rời về giá nhập xe nguyên chiếc mà nên gắn với việc kiểm tra giá nhập khẩu của linh kiện, phụ tùng mà các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước. Tức là cần kiểm tra tổng thể những vấn đề liên quan đến giá (trước đây Bộ Tài chính cũng đã có một chương trình kiểm tra về giá linh kiện, phụ tùng nhưng chưa có kết quả ) của cả hai đối tượng: giá linh kiện, phụ tùng, giá bán, chi phí sản xuất của xe sản xuất, lắp ráp trong nước (hiện tại đa phần đều nhập khẩu) và giá nhập khẩu tính thuế, giá bán, chi phí của các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc.

 

Bên cạnh đó là việc kiểm tra, phân tích những vấn đề cụ thể hơn, như vì sao khách hàng vẫn phải chờ đợi vài ba tháng để mua xe. Nhiều mẫu xe của các nhà sản xuất trong nước luôn ở trong tình trạng cháy hàng.

 

Phân tích và kiểm tra rõ những vấn đề đó thì mới mong giải quyết được cuộc “nội chiến” này và đưa ra được giải pháp giúp người tiêu dùng không phải chờ đợi, không phải mua xe giá cao, trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển và nguồn thu cho ngân sách đúng, ổn định.

 

Theo Linh Nguyên

DNDN