Chưa đủ cơ sở khẳng định cháy xe do chất lượng xăng dầu

(Dân trí) - Chưa có đủ cơ sở để khẳng định tình trạng cháy ô tô, xe máy thời gian qua là do chất lượng xăng dầu - Đó là thông báo chính thức được cơ quan quản lý và các chuyên gia nghiên cứu đưa ra tại buổi hội thảo do Báo KH&ĐS tổ chức.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1867/Thuc-hu-viec-chay-xe-dot-bien-do-xang-pha.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Thực hư việc cháy xe đột biến do xăng pha</b></a>

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Bộ Khoa học và Công nghệ) - thời gian qua ở Việt Nam đã có hàng trăm phương tiện gồm ô tô, xe gắn máy bị bốc cháy. Các nguyên nhân đang được cơ quan chức năng xác định, trong đó chất lượng xăng dầu là nghi can số 1.

 

Tuy nhiên cho đến tận thời điểm công bố (ngày 25/4), sau một thời gian dài vào cuộc phối hợp cùng Bộ Công an và các cơ quan liên quan, các chuyên gia vẫn cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định xe cháy là do chất lượng xăng dầu.


Chưa đủ cơ sở khẳng định cháy xe do chất lượng xăng dầu
Một vụ cháy xe trên phố Quan Thánh, Hà Nội vào ngày 9/4 vừa qua.

Theo đó, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm - hàng hoá đã tiến hành việc thanh tra, kiểm tra lấy 704 mẫu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Trong đó đã phát hiện 147 mẫu không đạt chất lượng về chỉ số Octan; 5 mẫu có metanol; số ít mẫu là do gian lận thương mại.

 

Theo ông Tuấn, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng cháy xe được ghi nhận tại một số quốc gia là do hệ thống điện có vấn đề và do người sử dụng.

 

Ông Tuấn cũng cho biết, riêng năm 2012, tính đến ngày 24/3 đã xảy ra 69 vụ cháy ô tô và xe máy, các nghiên cứu của đơn vị chức năng cho đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định chất lượng xăng dầu là nguyên nhân gây cháy.

 

Còn PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA) - thì cho rằng, nguyên nhân gây cháy xe có thể là do các thành phần phụ khác có trong xăng, vì vậy nên công bố công khai các chất có trong xăng một cách cụ thể để người dân biết.


Chưa đủ cơ sở khẳng định cháy xe do chất lượng xăng dầu
Buổi hội thảo do Liên hiệp các Hội KHKT VN tổ chức ghi nhận nhiều "tranh cãi" từ các chuyên gia, nhà khoa học với cơ quan chức năng về chất lượng xăng dầu.

PGS.TS Hùng cũng cho rằng, ngoài việc xăng dầu kém chất lượng, thủ đoạn làm nhiên liệu rởm cũng là vấn đề bức bách gây thiệt hại cho người tiêu dùng và “đau đầu” cho cơ quan chức năng. PGS.TS Hùng dẫn giải: “Nếu cho thêm methanol vào xăng với hàm lượng cao như cơ quan chức năng đã từng phát hiện thì sẽ dẫn đến việc làm cho dây dẫn nhiên liệu trương nở nhiều hơn, hơi nhiên liệu và chất oxygenat phát tán. Nhiên liệu phát tán ra ngoài, dễ dàng tạo nên hỗn hợp nổ cháy khi bình xăng còn nhiên liệu thì lửa bén vào sẽ gây nổ nguy hiểm đến tính mạng con người”.

 

Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS.TS Hùng đề nghị các đầu mối lớn về nhập khẩu kinh doanh xăng dầu giải thích rõ việc có “lỗ hổng” trong việc quản lý chất lượng xăng dầu nhưng “lỗ hổng” nằm ở đâu thì phải được làm rõ?.

 

TS Đinh Ngọc Ân - Trưởng khoa Cơ khí động lực, trưởng bộ môn công nghệ ô tô, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Việt Nam - cũng khẳng định: “Dưới góc độ khoa học thì chất lượng xăng có vấn đề nhưng là gián tiếp, nguyên nhân cháy nổ là do xăng rò và có lửa. Lý do nổ là có rơ le, khi có tác động của đề thì gây nổ”.


Chưa đủ cơ sở khẳng định cháy xe do chất lượng xăng dầu
Ông Nguyễn Quang Kiên khẳng định: "Đến nay chưa có cơ quan, tổ chức chính thức kết luận xe cháy là do chất lượng xăng dầu..."

Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng bản thân xăng không cháy được mà việc cháy xe là do hỗn hợp xăng lẫn không khí.

 

Phản bác lại quan điểm có thể do chất lượng xăng dầu dẫn đến việc cháy nổ ô tô, xe máy, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex, khẳng định: cho đến khi cuộc hội thảo diễn ra, chưa có một cơ quan chức năng nào công bố kết luận việc xe bị cháy là do xăng.

 

Ông Kiên cũng khẳng định rằng đã có kết luận của cơ quan chức năng công bố việc cháy xe là do chất lượng xe và nguyên nhân chủ yếu của sự việc là do chất lượng xe mà ra. Cũng theo ông Kiên, việc xăng được pha “nước lã” số lượng nhiều như một số người nhận định cũng là điều không thể vì 2 loại này hoàn toàn khác nhau.

 

Theo ông Kiên thì việc gian lận thương mại thì có thể nơi nào cùng có nhưng nhìn chung việc quản lý chất lượng xăng dầu đã được Nhà nước quản lý một cách có hiệu quả.

 

Trước những tranh cãi về nguyên nhân gây cháy xe chưa có được kết luận cuối cùng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã khuyến cáo những đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng không nên cho phụ gia vào xăng dầu vì như thế sẽ gây nguy hiểm khó lường.

 

Đồng thời Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm - hàng hoá cũng đang tích cực tăng cường việc giám sát quản lý phối hợp với Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân cháy nổ xe và chất lượng xăng dầu để có được kết luận cuối cùng đệ trình lên Chính phủ giải quyết trong thời gian tới.
 

Quốc Đô