Chân dung nữ doanh nhân đưa ô tô Trung Quốc vào châu Âu

(Dân trí) - Đứng đầu Great Wall Motor, một trong những nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, bà Vương Phong Anh (Wang Fengying) là CEO nữ hiếm hoi trong ngành công nghiệp ô tô thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Chân dung nữ doanh nhân đưa ô tô Trung Quốc vào châu Âu
Bà Vương Phong Anh từng được trao danh hiệu Giám đốc marketing chuyên nghiệp tiêu biểu “Kiềng ba chân vàng” của Trung Quốc vào năm 2000.

 

Trên cương vị tổng giám đốc, bà Vương Phong Anh, 41 tuổi, chịu trách nhiệm kiến tạo các chiến lược hoạt động và quản lý cho Great Wall Motor, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xe bán tải lớn nhất Trung Quốc.

 

Bà Vương gia nhập tập đoàn Great Wall từ năm 1991 và chỉ mất 12 năm đế tiến đến vị trí CEO của Great Wall với gần 10.000 nhân viên. Bà đã tốt nghiệp Học viện tài chính Thiên Tân vào năm 1999 và lấy bằng thạc sĩ về kinh tế vài năm sau đó.

 

Từ khi làm giám đốc marketing, rồi sau này là CEO, bà Vương dồn sự tập trung vào lĩnh vực bán hàng và chất lượng sản phẩm. Sự táo bạo và quyết tâm là bí quyết để bà thành công trong một lĩnh vực gần như không có phụ nữ cầm quyền.

 

Bà đã trở thành một trong số ít CEO của ngành công nghiệp ô tô thế giới và đứng đầu một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

 

Người châu Á vẫn có câu, luôn có một phụ nữ vĩ đại ở phía sau một người đàn ông thành công. Và bà Vương là người phụ nữ thành công trợ giúp đắc lực cho chủ tịch Vệ Kiến Quân (Wei Jianjun), một trong những doanh nhân giàu nhất ngành ô tô Trung Quốc.

 

Con đường thành công

 

Chân dung nữ doanh nhân đưa ô tô Trung Quốc vào châu Âu
 
Bà Vương là một trong những nhân viên đầu tiên của Great Wall vào năm 1991, khi công ty chuyển đổi từ mô hình nhà máy thuộc sở hữu của hợp tác xã, chuyên sửa chữa, nâng cấp xe nông nghiệp, trở thành một doanh nghiệp tư nhân.

 

Với vai trò giám đốc marketing, bà Vương đã giúp Great Wall tăng gấp đôi doanh số trong 4 năm liên tiếp và giúp công ty kiếm được khoản lợi nhuận đầu tiên. Đến năm 2002, bà trở thành CEO của Great Wall Motor Co. Ltd, sau khi tái cơ cấu từ Great Wall Holding Co.

 

Năm 1995, khi cần ra mắt sản phẩm của riêng mình để mở rộng hoạt động kinh doanh, Great Wall đã quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới: xe bán tải.

 

Khi đó, thị trường xe bán tải ở Trung Quốc còn khá nhỏ, nhưng Great Wall đã nhìn thấy tiềm năng lớn và khả năng thu lợi trong thời gian ngắn nhất. Xe bán tải là một trong hai thành công lớn nhất của Great Wall. Từ năm 1998, ba năm sau khi công ty ra mắt mẫu xe bán tải đầu tiên tại Trung Quốc, xe của Great Wall đã dẫn đầu thị trường về mọi mặt - doanh số, thị phần, xuất khẩu và chủng loại sản phẩm - trong suốt 7 năm. Công ty đã xuất khẩu xe bán tải sang Iraq và Syria từ năm 1998.

 

Thành công thứ hai của Great Wall là xe thể thao việt dã (SUV), lĩnh vực công ty bắt đầu chinh phục từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Năm 2002, mẫu Safe của công ty có mặt trên thị trường với tư cách là xe SUV giá rẻ đầu tiên của Trung Quốc, với giá bán khoảng 80.000 nhân dân tệ (12.700 USD). Một năm sau, nó trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Great Wall ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thiên Tân và Quảng Châu. Mẫu Sing SUV ra đời sau Safe cũng khá thành công.

 

Bà Vương cho biết, Great Wall giảm giá xe SUV bằng cách tối ưu hoá bộ máy quản lý và tăng hiệu suất của quá trình sản xuất.

 

Năm 2002, xe SUV của Great Wall Motor thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Và thành công trên thị trường nội địa đã tiếp sức cho Great Wall xuất khẩu xe SUV ra nước ngoài. Năm 2010, công ty đã xuất khẩu được gần 20.000 xe.

 

Năm 2006, Great Wall xuất khẩu xe Haval SUV sang Ý, trở thành thương hiệu SUV đầu tiên của Trung Quốc đặt chân được vào thị trường châu Âu.  

 

Great Wall cũng là công ty ô tô tư nhân đầu tiên của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12/2003. Theo bà Vương, công ty thành công vì không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, mà còn cả chất lượng quản lý. “Mặc dù có doanh số cao, nhưng chúng tôi tập trung vào lợi nhuận trung bình nhiều hơn là số lượng, vì khả năng sinh lợi sẽ quyết định tương lai của một doanh nghiệp.”

 

Một bí quyết khác mà bà Vương chia sẻ là sự khác biệt. Bà cho rằng sự khác biệt là điều làm nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì thế, theo bà, ngay từ đầu, một công ty phải rất thận trọng trong vấn đề định vị bản thân trên thị trường.
 

Năm 2011, Great Wall đạt doanh số 487.000 xe, tăng 22,5% so với năm 2010, với lợi nhuận ròng đạt 3,56 tỷ nhân dân tệ (564,6 triệu USD), theo số liệu công ty công bố hồi giữa tháng 1.

 

Tính đến cuối năm 2011, tổng giá trị tài sản của Great Wall đạt 33,37 tỷ nhân dân tệ, tăng 40,82% so với năm 2010.

 

Công ty đã xuất khẩu 83.000 xe trong năm 2011, tăng 50%.

 

Tham vọng

 

Với cá nhân bà Vương, sức ép và thách thức lớn nhất trong năm 2008 là làm thế nào xây dựng được hình ảnh thương hiệu tốt hơn cho Great Wall ở nước ngoài.

 

Từ năm 1998, xuất khẩu xe của Great Wall luôn dẫn đầu ngành ô tô Trung Quốc, về cả sản lượng và kim ngạch. Từ năm 2000, xuất khẩu của công ty tăng trưởng với tốc độ trung bình 90%/năm. Đến năm 2007, công ty đã có mạng lưới phân phối và dịch vụ ở 81 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Nga, Trung Đông và nhiều nước châu Phi.

 

Chân dung nữ doanh nhân đưa ô tô Trung Quốc vào châu Âu
CEO Vương Phong Anh của Great Wall Motor chụp ảnh kỷ niệm phía trước nhà máy mới của công ty ở Bahovitsa, Bulgari hồi cuối tháng 2 vừa qua. (Ảnh: AFP)

 

Vương Phong Anh tin rằng chiến lược xây dựng thương hiệu của bà là yếu tố then chốt cho thành công của Great Wall ở nước ngoài. Theo bà, sản phẩm chất lượng cao chưa đủ để đảm bảo thành công. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt, xây dựng thương hiệu là yếu tố sống còn cho sự phát triển lâu dài của một doanh nghiệp. Và bà cho biết, Great Wall đang cố gắng thay đổi định kiến quốc tế về xe Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém.

 

Giờ đây, Great Wall đang thay đổi chiến lược, từ xuất khẩu xe lắp ráp trong nước sang một hệ thống marketing quốc tế tích hợp từ xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới bán hàng và dịch vụ, xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu CKD và SKD, cũng như xây dựng nhà máy lắp ráp ở nước ngoài.

 

Great Wall hiện có 12 nhà máy lắp ráp ở nước ngoài, như Nga, Ukraine, Ai Cập, Việt Nam, Iran, Indonesia, Nigeria và gần đây là Bulgari.

 

Mục tiêu của công ty là có 24 nhà máy lắp ráp xe dạng CKD ở nước ngoài, thâm nhập được các thị trường khó như Nhật bản vào Mỹ vào năm 2015.

 

Thế mạnh và bất lợi mang tính nữ

 

Chân dung nữ doanh nhân đưa ô tô Trung Quốc vào châu Âu
 
Thường mặc sáng màu, bà Vương Phong Anh trông lúc nào cũng tràn trề sinh lực và thanh nhã. Vẻ ngoài nhiều màu sắc che giấu thực tế là bà đang bị stress do làm việc quá sức và áp lực công việc. “Không ít lần tôi ăn trưa khi đang châm cứu. Tôi quá bận,” bà từng chia sẻ với phóng viên.

 

Với vai trò CEO của Great Wall, bà Vương cho biết phải dành hơn 80% năng lượng cho cộng việc, và phần còn lại là trách nhiệm của một người mẹ. Là phụ nữ, bà phải nỗ lực gấp đôi để đảm bảo cả hai vai trò. Tuy nhiên, bà Vương cũng thừa nhận rằng tính nữ cũng giúp ích cho bà trong công việc.

 

Phụ nữ thường cầu toàn, đặc biệt là về chất lượng, điều sống còn trong việc xây dựng thương hiệu. Và bà Vương cho rằng điều này đã giúp bà điều hành Great Wall đúng hướng. Bà xác định công ty không chạy theo cuộc chiến về giá, mà theo bà, chìa khoá thành công nằm ở chất lượng sản phẩm và hình ảnh thương hiệu. Chiến lược của bà đã thể hiện sự đúng đắn bằng việc Great Wall là hãng xe đầu tiên của Trung Quốc đạt các tiêu chuẩn chất lượng tại châu Âu.

 

Bà cho biết, quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) một mẫu xe ô tô thường mất từ 2-3 năm và tiêu tốn ít nhất 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 47,5 triệu USD). Nếu một mẫu xe không thành công trên thị trường thì tức là bà đã thất bại. Do đó, bà đòi hỏi sự hoàn hảo, ít nhất theo tiêu chuẩn của bà.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, bà cho biết, phụ nữ phải hao tâm lực nhiều hơn cho công việc, và không liều bằng nam giới. Tuy nhiên, ưu điểm đưa ra quyết định chóng vánh của nam giới cũng đi kèm những rủi ro. Sự thận trọng và cầu toàn là thế mạnh của phái nữ.

 

Nhật Minh