Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả?

(Dân trí) - Một số nhà sản xuất ô tô cho rằng trong những trường hợp nhất định, hệ thống máy tính trên xe có thể giúp tránh xảy ra va chạm. Viện bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS) đã tiến hành thẩm định mức độ hiệu quả của một số hệ thống.

Những công nghệ phòng tránh va chạm mới đang dần xuất hiện nhiều hơn trên ô tô, bắt đầu từ những mẫu xe sang. Một số hệ thống an toàn phát ra tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh hoặc hình ảnh để nhắc tài xế có hành động xử lý, trong khi một số khác sẵn sàng can thiệp vào phanh hoặc hệ thống lái để chỉnh lại xe đi đúng hướng.

 

Theo đánh giá của IIHS, trong số 5 công nghệ mà họ phân tích, hệ thống cảnh báo va chạm trước và hệ thống cảnh báo chệch làn đường có nhiều hứa hẹn nhất trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Thêm vào đó, trong khi hầu hết các nhà sản xuất xe sang chỉ có một trong 5 tính năng an toàn mà IIHS đánh giá, thì Volvo là hãng duy nhất có cả 5. Điều đó cho thấy Volvo vẫn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ an toàn.

 

Tuy nhiên, IIHS cũng lưu ý rằng các hệ thống phòng tránh va chạm chỉ phát huy tác dụng khi có sự phối hợp của người cầm lái. Lời khuyên của IIHS là các tài xế không nên chủ quan vì nghĩ rằng đã có các công nghệ an toàn.

 

Dưới đây là 5 hệ thống an toàn hứa hẹn và phổ biến nhất mà IIHS đã tiến hành nghiên cứu và thẩm định:

 

Cảnh báo va chạm trước

 

Cơ chế hoạt động: Hệ thống này sử dụng radar để phát hiện trường hợp người lái sắp đâm vào thứ gì đó phía trước. Hầu hết các hệ thống đều phát cảnh báo bằng âm thanh bằng âm thành hoặc đèn chớp, hình ảnh. Một số thậm chí có thể tự động rà phanh để giảm tốc độ của xe.

 

Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả? - 1
 

Nhận xét của IIHS: Công nghệ này có thể hữu ích vì mỗi năm có tới 40% số vụ tai nạn xe hơi tại Mỹ là do va chạm trước.

 

Các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ này: Acura, Mercedes-Benz và Volvo.

 

Hỗ trợ phanh khẩn cấp

 

Cơ chế hoạt động: Hệ thống này dành cho các trường hợp tài xế nhìn thấy nguy cơ va chạm phía trước và nhấn phanh nhưng có thể không phanh kịp. Nghiên cứu của các nhà sản xuất chỉ ra rằng nhiều tài xế không đạp được lực phanh tối đa trong trường hợp khẩn cấp, do ảnh hưởng tâm lý, nên vẫn để xảy ra va chạm dù đã biết trước và hoàn toàn có thể tránh.

 

Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp có khả năng phát hiện các trường hợp tài xế mất bình tĩnh, như dấu hiệu nhấc chân ga đột ngột. Khi đó, hệ thống sẽ lập tức tự động rà phanh trước và giúp người lái đạt lực phanh tối đa.

Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả? - 2
 

Nhận xét của IIHS: Nếu công nghệ này được ứng dụng cho tất các xe hơi tại Mỹ, mỗi năm có 885 mạng người được cứu sống.

 

Các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ này: Acura, Audi, BMW, Infiniti, Land Rover, Lexus, Mercedes, Rolls-Royce và Volvo.

 

Cảnh báo chệch làn đường

 

Cơ chế hoạt động: Hệ thống này sử dụng các camera gắn trên xe để phát hiện thời điểm lốp xe bắt đầu chệch khỏi làn đường đang chạy. Máy tính sẽ kiểm tra hệ thống lái và tốc độ xe để xác định xem việc chạy chệch làn đường là cố ý hay vô tình. Nếu máy tính kết luận rằng đó là vô tình, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo bằng cách làm rung nhẹ vô-lăng, có thể kèm theo cảnh báo bằng âm thanh.

 

Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả? - 3
 

Nhận xét của IIHS: Hệ thống này giúp giảm 20-30% trường hợp va chạm “đối đầu” hoặc lao vào vệ đường.

 

Các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ này: Audi, BMW, Buick, Cadillac, Infiniti và Volvo.

 

Xoá điểm mù

 

Cơ chế hoạt động: Hệ thống này cho phép người lái biết có xe ở trong điểm mù - khoảng nằm ngoài tầm quan sát của gương chiếu hậu, và chớp đèn cảnh báo ở ngay bên gương. Với một số hệ thống, đèn cảnh báo sẽ sáng hơn hoặc chớp nhanh hơn nếu tài xế bật xi-nhan vào đúng thời điểm hệ thống phát hiện có xe trong điểm mù. Một số hệ thống còn có cả chuông cảnh báo.

 

Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả? - 4
 

Nhận xét của IIHS: Trong thời gian từ năm 2002 đến 2006 tại Mỹ đã xảy ra 450.000 vụ tai nạn mà hệ thống xoá điểm mù có thể giúp ngăn chặn. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của các vụ này rất thấp, nên IIHS cho rằng ý nghĩa “cứu sống” của hệ thống này không cao.

 

Một số tài xế thậm chí không có thói quen nhìn vào gương chiếu hậu, nơi đặt đèn cảnh báo của hệ thống xoá điểm mù. Thêm vào đó, hệ thống này có thể bị xem là gây phiền toái nhiều hơn tiện ích trong điều kiện giao thông đông đúc.

 

Các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ này: Audi, Buick, Cadillac, Mazda, Mercedes-Benz và Volvo.

 

Đèn pha chiếu sáng chủ động

 

Cơ chế hoạt động: Phần mềm điều khiển dải chiếu sáng của cụm đèn pha được kết nối với thông tin truyền từ vô-lăng, để khi xe chuyển hướng, dải chiếu sáng cũng chuyển hướng theo, giúp tài xế quan sát tốt phía trước ở những góc cua vào buổi tối.

 

Các hệ thống an toàn có thực sự hiệu quả? - 5
 

Nhận xét của IIHS: Từ năm 2002 đến 2006, tại Mỹ, gần 150.000 vụ va chạm xảy ra trên những đoạn đường tối, trong đó có hơn 2.500 trường hợp tử vong. Do đó, IIHS tin rằng công nghệ đèn thay đổi dải chiếu sáng chủ động sẽ giúp hạn chế số vụ tai nạn tại các khúc cua vào buổi tối.

 

Các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ này: Gần như tất cả các nhà sản xuất ô tô hạng sang, thậm chí dưới dạng trang bị tiêu chuẩn. Ngày càng nhiều nhà sản xuất xe bình dân cũng đang ứng dụng công nghệ này.

 

Vũ Kiên

Theo Forbes