Ai có thể thay Rick Wagoner lãnh đạo GM?

(Dân trí) - Mới đây, CEO của tập đoàn GM, Rick Wagoner, đã tuyên bố trước báo giới rằng ông sẵn sàng đứng sang một bên nếu điều đó có thể giúp GM nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ Quốc hội Mỹ. Lập tức, người ta đặt câu hỏi: Nếu vậy, ai sẽ kế nhiệm?

Steve Jobs, người đang lãnh đạo “quả táo cắn dở” Apple? Đó chỉ là một cách ví von của nhà kinh tế học Friedman nhằm chỉ trích sự trì trệ, thiếu sáng tạo cải tiến sản phẩm của GM.

 

Nhìn vào thực tế, ứng viên sáng giá nhất hiện nay nằm trong chính GM: chủ tịch kiêm giám đốc Frederick A. Fritz Henderson, người sở hữu một bản tiểu sử khá đẹp.

 

Ông Henderson năm nay 49 tuổi và đã dành nửa thời gian có mặt trên cuộc đời này để làm việc tại GM. Ông hiểu rõ Detroit. Giống như Wagoner, ông đi lên từ các vị trí liên quan đến tài chính chứ không phải một ngưi tay lấm dầu xe.

 

Về cơ bản, Henderson có cùng quan điểm với “sếp” Wagoner, cho rằng, các nỗ lực cải tổ toàn diện của GM sẽ giúp tập đoàn nhanh chóng lấy lại phong độ khi tình hình kinh tế được cải thiện.

 

Tuy nhiên, Henderson không phải là bản sao của Wagoner. Trong khi sếp là người ít nói, thận trọng và chừng mực, thì Henderson là người hoạt ngôn và bộc trực. Ông không ngần ngại đương đầu với khó khăn, rắc rối, và đó chính là lý do tại sao GM đặt ông vào các điểm “khó nhằn” ở cả ba châu lục. “Fritz là người thực sự có khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp. Cá tính quyết liệt của ông ấy sẽ là một thế mạnh lớn,” ông Joseph Phillippi, Giám đốc công ty tư vấn Auto Trends ở Mỹ, nhận xét.

 

Ai có thể thay Rick Wagoner lãnh đạo GM? - 1
Ông Fritz Henderson

 

Hồi đầu thập kỷ, Henderson là người đã vực hoạt động của GM tại châu Âu dậy. Ông mạnh tay cắt giảm nhân công, “cả gan” tuyên bố sa thải 12.000 lao động ngay cả khi chưa ký thoả thuận với lãnh đạo nghiệp đoàn. Quyết định này đã gây ra một cuộc biểu tình lớn của công nhân ở Đức, nhưng Henderson không chùn bước. Ông cũng chính là người có công giúp GM đưa thương hiệu Chevrolet tới Đông Âu. Sau nhiều năm thua lỗ, GM tại châu Âu đã thu về 357 triệu USD vào năm 2006, và một chút lợi nhuận vào năm ngoái. (Nếu không do tình hình kinh tế chung khó khăn, lợi nhuận có thể khả quan hơn.)

 

Sau hai năm làm việc với thị trường châu Á, Henderson đã đơn giản hoá chiến lược thương hiệu của GM tại đây. Từ chỗ tiêu thụ cùng lúc nhiều mác xe, như Saturn, Chevrolet, và một số khác thông qua các đối tác Isuzu, Suzuki, và Subaru tại Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của Henderson, GM chỉ tập trung vào thương hiệu Chevrolet. Tất nhiên, không thể nói tất cả nhờ công của ông, nhưng Henderson là người góp phần lớn trong việc đưa Chevy trở thành một thương hiệu toàn cầu.

 

Kể từ khi trở lại Detroit gần 3 năm trước, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại châu Âu và châu Á, Henderson dành phần lớn thời gian vào việc thương thảo với Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW) - tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động trong ngành ô tô. Thoả thuận mà ông ký được với UAW mỗi năm sẽ tiết kiệm cho GM vài tỷ USD. Khi đó, chính chủ tịch UAW, Ron Gettelfinger, cũng phải thừa nhận rằng nếu không phải là Fritz và nhóm của ông thì không bao giờ có thoả thuận này.

 

Giả sử có ngồi vào vị trí CEO của GM, Henderson có thể sẽ vẫn cần tới sự trợ giúp của chính phủ, chứ không có cây đũa thần nào để hoá giải những khó khăn của GM. Cũng chưa rõ liệu sự táo bạo và sáng suốt của ông có đủ để cứu GM. Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

 

Tuy nhiên, ngưi ta hoàn toàn có thể đặt hy vọng vào một ngưi có lối tư duy thực tế và quyết liệt như Henderson, ngưi mà cách đây hai năm từng có một phát biểu nổi tiếng, với tạp chí  BusinessWeek, rằng: “không có thương hiệu nào được Chúa ban cho quyền tồn tại đương nhiên”.

 

Nhật Minh

Theo Business Week