Yêu thời du học

Đi du học ở một đất nước xa lạ hiện nay không còn hiếm với nhiều bạn trẻ. Sống xa gia đình, xa bạn bè là lúc những người trẻ cảm thấy cô đơn nhất. Thế nên virus mang tên "tình yêu" rất dễ tấn công với đủ cung bậc, kiểu cách khác nhau. Xin kể ra dưới đây vài kiểu điển hình...

Kiểu thứ nhất: vất vả nuôi tình

 

Khu check-in ở sân bay mùa du học thường xuyên có những chàng trai, cô gái ngậm ngùi tiễn người yêu lên đường học xa ngàn dặm. Khi hai người yêu nhau mà phải ở xa nhau tới hàng ngàn cây số thì việc giữ liên lạc thường xuyên rất quan trọng. Tr. (cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội) từ hồi sang Paris (Pháp) rất cố gắng kiềm chế chi tiêu để dành tiền gọi điện cho người yêu hằng ngày.

 

Ngược lại với Tr., D.L. (Virginia, Mỹ) vẫn còn nguyên cảm giác buồn tủi khi kể về mối tình của mình. Vượt lên trên áp lực của cuộc sống mới, môi trường học tập mới, D.L. luôn cố gắng vừa học vừa đi làm thêm chỉ với một mong ước kiếm đủ tiền để đưa Q. - người yêu cô ở VN - sang Mỹ chơi.

 

Nhưng chẳng biết nghe tin đồn ở đâu là D.L. vừa sang đã “cặp” với một anh chàng tóc vàng mắt xanh, thế là Q. đùng đùng nổi giận đòi chia tay, gửi trả D.L. chiếc nhẫn mà trước khi đi cô đã mua tặng anh như vật đính ước. “Tôi không buồn vì phải chia tay với anh ta mà thấy tủi thân, bởi trong khi mình đã mệt mỏi cố gắng vì anh ấy thì anh ta lại đi tin những lời đồn đại vô căn cứ” - D.L. tâm sự.

 

Kiểu thứ hai: hợp đồng yêu

 

Những “hợp đồng yêu” thường được ký kết giữa hai đối tác đã “có nơi có chốn” ở VN nhưng vẫn muốn “tòm tem” ở nơi mới.

 

Thông thường, cả bên A và bên B đều chấp nhận điều kiện chỉ là người yêu ở đây, khi về đến nhà thì lại đường ai nấy đi. Đ. (SV Trường Tài chính T.Ư, Bắc Kinh, Trung Quốc) nói: “Cũng cảm thấy có lỗi với bạn gái ở nhà nhưng sang đây cứ thấy trống trải, khó chịu thế nào ấy”.

 

Những “hợp đồng yêu” này rất dễ dẫn đến các tình huống dở khóc dở cười cho khổ chủ. M. và  T. cùng học một trường ở Quảng Châu, Trung Quốc, lại đang “hợp đồng” yêu nhau nên

Yêu thời du học - 1
  

 

cùng thuê một nhà sống chung cho rẻ. Sự việc trở nên rắc rối khi bạn gái T. ở VN quyết định sang thăm chàng.

 

T. cuống cuồng lên thu xếp để “người yêu Trung Quốc” với “người yêu VN” không đụng độ nhau. Cũng may một người bạn thông cảm cho M. ở nhờ trong mấy ngày người yêu T. ở Quảng Châu. Sau vụ này, T. hoảng loạn vội “đơn phương chấm dứt hợp đồng” với đối tác "lậu"...

 

Kiểu thứ ba: yêu để tiến

Đây là kiểu phổ biến nhất, các đôi bạn này đều xác định rõ ràng “học mà yêu, yêu mà học”. Tình yêu của họ rất đẹp, trong sáng và thường thì điểm hẹn của họ là thư viện hay căngtin trường sau mỗi giờ học.

 

L. và N. có thể xem như hai “gương điển hình tiên tiến” trong cộng đồng du học sinh tại Hà Lan. Quen nhau trên chuyến bay đầu tiên sang bên đó, hai trái tim trẻ tràn đầy nhiệt huyết nhanh chóng tìm thấy sự đồng cảm.

 

Mỗi tuần, hai người đều cùng nhau tổng kết bảng điểm để xem điểm của ai thấp hơn thì tuần sau sẽ phải nấu cơm cho người kia. Cứ như thế suốt bốn năm đại học, cả tình yêu và điểm học tập của họ đều khiến mọi người phải ghen tị. Tết vừa rồi L. và N. đã về VN làm đám cưới, sau đó cả hai lại quay sang Hà Lan

 

Yêu thời du học - 2
 

 

tiếp tục học master.

 

Còn L. (Minnesota, Mỹ) thì lại có một mối tình khá đặc biệt với S., một anh chàng Việt kiều có cả bố lẫn mẹ là người Việt 100% nhưng không nói được nửa câu tiếng Việt. Bố mẹ S. rất mừng, chủ động nhờ L. dạy tiếng Việt cho con trai. Thế là những buổi đi chơi của S. và L. đã trở thành “học mà chơi”. L. dạy tiếng Việt cho S. và ngược lại S. dạy tiếng Anh cho L..

 

Và mối tình của họ đến nay dù trộn lẫn hai thứ tiếng như thế vẫn đang "tuần tự nhi tiến"...

 

Vũ Lan Hương

Báo in K22 - Phân viện Báo chí và tuyên truyền – HN

Tuổi trẻ