“Xe máy ơi... đã xa rồi!”

(Dân trí) - “Em cũng thích khi quay lại thời đi xe đạp, thơ mộng như trong phim Hàn Quốc ấy! Tuy hơi mướt mồ hôi tí nhưng sáng sáng sẽ không phải xin mẹ tiền mua xăng mà vẫn được thêm tiền ăn kem!”

Nhoẻn miệng cười thật dễ thương, Thanh Mai, học sinh lớp 12 trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ với chúng tôi những nỗi niềm của ngày đầu tiên từ giã chiếc Ware đỏ của mình để đến trường bằng xe đạp như vậy.

 

“Nói không” với xe máy

 

“Thực ra ngay từ đầu năm học, các thầy cô giáo trường em đã dặn dò chúng em rất kỹ rằng, từ giờ trở đi chúng em sẽ không được đi xe máy đến trường. Nhưng hồi đầu, các bạn trong lớp còn rất miễn cưỡng vì đang ngồi xe máy vù vù quen rồi, giờ lại phải nai lưng ra đạp xe hoặc chen chúc trên xe buýt, muốn đi ngang về tắt chỗ nọ chỗ kia cũng khó nên bạn nào cũng muốn “trốn”.

 

Sau thấy nhà trường làm nghiêm quá, các bãi gửi xe quanh trường cũng không dám nhận trông xe máy của học sinh, muốn đi thì phải gửi tận khu tập thể Giảng Võ, đi xe máy lại phải lấm lét như ăn trộm nên vui vẻ chấp hành. Ở Hàn Quốc, chẳng phải học trò của họ toàn đi xe đạp hoặc xe buýt tới trường đấy thôi!” - Thanh Mai kể một mạch.

 

Em còn hào hứng cho biết, sau 3 hôm đi xe đạp, có vẻ như “vòng eo” của em đã rút được mấy cm, trong khi bao nhiêu bài tập thể dục ở trường, bài tập thể dục buổi sáng cũng không có tác dụng hữu hiệu thể!

 

Khi chia tay chúng tôi, cô bé ngồi lên xe đạp vừa đi vừa hồn nhiên hát: “Quay đều quay đều quay đều, thương hoài những vòng xe...”. Màu áo trắng đồng phục càng trở nên trắng loá trước cổng trường giờ đã quang đãng và bình yên hẳn vì không còn khói xăng và tiếng của những “xế nổ” gầm rú.

 

Trước cổng trường Hà Nội - Amsterdam vào sáng nay (11/9), trong gần 20 học sinh trả lời hỏi: “Cảm giác của em thế nào khi không được đi xe máy tới lớp?” - Tuấn Tú, cậu học trò với cặp kính cận dầy cộp nhận xét: “Đi xe đạp giảm được 1.000đ gửi xe, hơn nữa cùng đi xe đạp thì cùng chung một “đẳng cấp” chứ không phân biệt cấp cao, cấp thấp như xe máy. Khi ngồi trên xe đạp thì học trò con nhà giàu hay con nhà nghèo đều như nhau!”

 

Và hầu hết các em đều cho rằng, “nếu chỉ một mình em đi xe đạp thì em thấy ngại chứ cả lớp cùng đi xe đạp thì còn chần chừ gì nữa!”

 

Từ ngày 1/9, sẽ xử lý nghiêm với các trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện đi xe máy - đó là một trong các biện pháp được đưa ra trong kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục nhằm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

 

10 ngày đã trôi qua, mặc dù trên đường phố vẫn ngang nhiên tái diễn cảnh học trò ào ào trên “xế nổ” nhưng lệnh cấm này chắc chắn sẽ thành hiện thực khi càng ngày sẽ càng có nhiều học trò cùng gọi “Xe đạp ơi...”.

 

Nhà trường “tẩy chay”

 

Theo kế hoạch của ngành giáo dục, từ 20 đến 30/9 sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội tổng kiểm tra đột xuất 20 trường THPT trên địa bàn; các trường rà soát học sinh vi phạm, báo cáo về Sở GD-ĐT trước ngày 30/9. 

 

Ngày mai, 12/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ tới dự Lễ phát động Cuộc vận động: "Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông" do Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức tại trường THPT Quang Trung.

“Không gọi “Xe đạp ơi” thì cũng phải từ giã xe máy nếu muốn “ngon lành” hết bậc THPT” - một thầy giáo trường THPT Nhân Chính đã nói vui với chúng tôi như vậy. Đến thời điểm này, tại hầu hết các trường THPT ở Hà Nội đều đã ra lệnh “tẩy chay” khá quyết liệt với việc đi xe máy của học sinh.

 

Quả thật, khi dạo một vòng qua các trường THPT Trần Nhân Tông, Nguyễn Gia Thiều, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Hà Nội - Amsterdam, cảm nhận chung của chúng tôi là các bãi gửi xe đều khá buồn so với thời điểm trước đây vì đã vắng đi hẳn “lực lượng” xe máy nườm nượp đi vào đi ra so với những ngày tháng 8.

 

Một người trông giữ xe tại khu vực trường THPT Trần Phú cho biết: “Từ nhiều ngày qua, luôn có cán bộ của nhà trường đến kiểm tra xem chúng tôi có nhận trông xe của học sinh không và họ còn yêu cầu nếu cơ sở trông xe nào còn giữ xe cho học sinh thì sẽ làm việc với UBND phường để thu lại giấy phép nhận giữ xe của cơ sở đó.

 

Nói chung, nếu cố thì chúng tôi vẫn có thể nhận trông xe cho các cháu để kiếm thêm tiền nhưng tôi thấy chủ trương này cũng hợp lý nên ủng hộ nhà trường. Hơn nữa, khi trường đã quyết thế thì mình cũng không nên tạo căng thẳng không cần thiết”.

 

Về phía nhà trường, đã có rất nhiều trường THPT tại Hà Nội ban hành những quyết định xử lý rất mạnh tay đối với những trường hợp học sinh cố tình đi xe máy như THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ hạ hạnh kiểm, đình chỉ học tập đối với những học sinh có giấy báo của công an về việc sử dụng xe máy; THPT bán công Phan Huy Chú thì tiến hành rà soát những học sinh đi xe máy, lên danh sách và thông báo cho phụ huynh, học sinh vi phạm sẽ bị đình chỉ học 3 ngày, mời phụ huynh đến và hạ một bậc hạnh kiểm.

 

Trường THPT Nguyễn Trãi, đối với học sinh vi phạm, lần đầu tiên nhà trường sẽ cảnh cáo, lần thứ hai viết kiểm điểm và mời phụ huynh đến để giao học sinh về nghỉ học hai ngày. Còn nếu vẫn tiếp tục, nhà trường sẽ xem xét hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học tập...

 

Rõ ràng, nếu cố tình tiếp tục đi xe máy đến trường, học trò sẽ tự rước rắc rối vào mình. Và chuyện đi xe máy đến trường đã không thể xem như một chuyện đùa...

 

M.M