Ứng dụng mới hay những trò nhảm trên Face?

Càng về sau, thay vì hài hước với tiếng cười sảng khoái thì các ứng dụng này lại khiến các Facebooker khó chịu vì những phiền toái mà chúng mang lại…

Ứng dụng lan nhanh như virus

 

Cư dân mạng không còn xa lạ gì với trào lưu "Chế truyện Doraemon" - ghép những bức hình trong bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng với những lời thoại dí dỏm, ý nghĩa, hài hước, mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem.

 

Dựa trên những khung hình truyện chế về chú mèo máy thông minh này, ứng dụng bói vui đã ra đời nhằm mang tới cho cộng đồng Facebook Việt những giờ phút giải trí, thư giãn nhẹ nhàng.

 

Tiếp nối thành công của Quẻ bói Doraemon, các ứng dụng bói vui như Kiếp trước bạn là ai?; Kiếp sau của bạn; Cơ nghiệp của bạn trong 5 năm tới?… lần lượt ra đời, thu hút được sự quan tâm của những Facebookers.

 

Được xây dựng theo một môtíp chung, với những câu "phán" về tương lai, số kiếp, cơ nghiệp… theo dạng "sát thủ đầu mưng mủ". Những ứng dụng bói vui này đã hâm nóng cho không khí của cộng đồng Facebook Việt, vốn đã trầm lắng từ trước đó.

 

Sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, thay vì chơi game hay lựa chọn các hình thức giải trí khác, nhiều cư dân mạng đã tìm đến những ứng dụng này như một "thói quen khó bỏ".

 

Các ứng dụng khá "chiều" và "nịnh" người dùng bởi khi họ sử dụng, ứng dụng sẽ đưa ra những câu nói khá xuôi tai, "mát ruột" như: Bạn thật là tốt bụng, bạn thật tuyệt vời, đau đầu vì nhà giàu… Và những ứng dụng này cũng lan nhanh như một loại virus vậy.

 
Chiêu trò câu like
 

Chiêu trò câu "like"

 

Thế nhưng, càng về sau, các ứng dụng "ăn theo" xuất hiện nhan nhản với các hình thức biến tướng khiến cư dân mạng gặp không ít phiền toái, khó chịu. Trước hết, phải nói tới độ "siêu nhảm nhí" của các ứng dụng này.

 

Các ứng dụng về sau không còn tập trung vào tính giải trí, hài hước nữa mà chủ yếu đi sâu vào tính "độc", "lạ", giật tít thật kêu để gợi  tò mò. Có thể kể tới một số ứng dụng dạng này như: Wanted - Truy nã tội phạm; Bạn là loài động vật nào?; Người yêu của bạn là ai?; Tên tiếng Lào của bạn là gì?...

 

Bên cạnh đó, những ứng dụng ăn theo câu nói của những người nổi tiếng hay những sự kiện hot trong xã hội như: "Giáo sư" Cù Trọng Xoay nói gì về bạn?; "Tiến sĩ văng tục" Lê Thẩm Dương "phán" gì về bạn?... cũng khiến không ít người phải "lè lưỡi, lắc đầu" vì tính vô bổ của chúng.

 

Tiếp đó, khi muốn tham gia vào các ứng dụng này, người dùng Facebook sẽ phải nhấn "like" trang của ứng dụng, đồng thời, có thể phải request ứng dụng tới tất cả bạn bè trong danh sách bạn bè của mình.

 

Vậy là, mỗi lần đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình, nhiều người được một phen "tá hỏa" khi nhận được hàng chục lời mời tham gia ứng dụng từ những người bạn của mình. Bên cạnh đó, có thể khi đưa ra kết quả, ứng dụng sẽ lấy một người bạn trong danh sách bạn bè và tag họ vào kèm theo một đặc điểm nào đó.

 

Dù người dùng nỗ lực tìm cách xóa bỏ thế nào, mọi chuyện vẫn chưa có chiều hướng dừng lại. Và thế là, người dùng Facebook vẫn phải "sống chung với lũ", cam chịu cho các ứng dụng "siêu nhảm nhí" này "tung hoành" và "xả bậy" trên tường nhà và trang cá nhân của mình.

 
Bí mật đằng sau những ứng dụng siêu nhảm nhí
 

Bí mật đằng sau những ứng dụng "siêu nhảm nhí"

 

Vậy thì bạn đang tự hỏi, tại sao gần đây, những ứng dụng này xuất hiện trên Facebook với mức độ dày đặc đến vậy? Đơn giản, bởi có một "mỏ vàng" đang chờ đợi "khai quật" đằng sau những ứng dụng này. Và người tạo nên "mỏ vàng" ấy, không ai khác, chính là bạn hay bất cứ người dùng Facebook nào khác!

 

Với cái tên "mua fan, bán like", có thể nói đơn giản về hình thức kinh doanh này như sau: Bên mua (là admin của các fanpage) sẽ trả cho bên bán (là những lập trình viên, chuyên gia máy tính có khả năng viết ứng dụng trên Facebook) một khoản tiền nhất định để bên bán tạo ra các ứng dụng nhằm "câu like" cho bên mua.

 

Như đã nói ở trên, khi muốn tham gia vào một ứng dụng, người dùng phải "like" trang fanpage này, đồng thời có thể phải request ứng dụng tới những người khác trong danh sách bạn bè. Người bạn này lại tham gia ứng dụng và thực hiện các bước tương tự…

 

Chuỗi vòng tuần hoàn này sẽ khiến fanpage trong thời gian ngắn có được số lượng "like" khổng lồ. Những fanpage nào chạy càng nhiều ứng dụng, số lượng "like" mong muốn đạt được càng nhanh.

 

"Mỏ vàng" được tạo ra chính là từ thương vụ mua bán "like" này. Trên một diễn đàn, thành viên Quang Bình, chỉ mới là học sinh lớp 12 nhưng nhờ tài viết ứng dụng trên Facebook đã có thể có thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng, với công việc viết và rao bán ứng dụng kèm fanpage trên các diễn đàn.

 

Theo Bình, so với việc đăng tải nội dung thú vị và PR page trên các fanpage khác (như hình thức "truyền thống" mà các fanpage, nhật ký, những câu nói bất hủ, diễn đàn… thường làm) thì viết ứng dụng là một chiêu "nhàn nhã mà kinh tế" để các fanpage xây dựng số lượng "like" rất khủng.

 

Theo tính toán trên một trang tin, một fanpage tầm 50.000 người sẽ có giá dao động từ 10 - 12 triệu đồng. Như vậy, mỗi "like" của người dùng sẽ có giá từ 200 - 240 đồng; rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thời điểm trước đó là 1.000 đồng. Vì những ứng dụng "rác" này, bảng xếp hạng fanpage bỗng chốc bị "đảo lộn".

 

Chỉ mới tham gia vào Facebook từ ngày 7/2 song cho tới thời điểm này, nhờ chạy song song hơn 10 ứng dụng như: Mật ngữ 12 chòm sao, Bói số điện thoại, Bói Ai Cập, Bói tình yêu…, "Thày bói" đã trở thành fanpage lớn nhất Việt Nam với hơn 1 triệu lượt "like" (một con số khủng khiếp!).

 

Khi rắc rối hiện hữu

 

Khánh Lâm (Học viện Ngân hàng) tâm sự rằng, cậu đã bị không ít người bạn trên Facebook "unfriend" chỉ vì sử dụng ứng dụng "siêu nhảm nhí" này và spam "vô tội vạ" lời mời dùng ứng dụng lên tường nhà họ.

 

Còn Minh Quang, cũng đã hơn một lần phải xác minh lại tài khoản thông qua mật mã được Facebook gửi qua tin nhắn điện thoại. Nguyên nhân là do cậu đã nhập mật khẩu Facebook trên một website có giao diện được thiết kế giống như mạng xã hội này để tiếp tục tham gia ứng dụng. Facebook cho rằng đây là một hình thức lừa đảo và tạm thời đình chỉ tài khoản để đảm bảo an ninh. Phải rất khó khăn, người dùng mới có thể vượt qua nhiều "lớp bảo mật" của Facebook để phục hồi tài khoản.

 

Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng sử dụng bề ngoài bóng bẩy, giật tít…để "câu khách", tuy nhiên thực chất lại là link chứa mã độc, phát tán virus, ăn cắp mật khẩu, thông tin cá nhân và spam vô tội vạ link này lên tường của bạn bè. Mỗi cư dân mạng cần hết sức tỉnh táo mỗi khi nhấp chuột tham gia vào những ứng dụng "ma" này.

 

Theo Trần Quang Khải

SVVN