Từ cậu bé ốm yếu trở thành bác sĩ đạt giải Đặng Thuỳ Trâm

(Dân trí) - Từ khi còn nhỏ tới nay, bác sĩ Lê Xuân Thắng đã thân thuộc các bác sĩ và bầu không khí bệnh viện như ngôi nhà thứ hai, nhờ công tác tốt anh được tuyên dương, trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016.

Cuộc đời gắn bó với nghề y

Thượng úy - bác sĩ Lê Xuân Thắng hiện đang công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, bệnh viên Quân Y 103. Anh đã có hơn chục năm trong nghề và còn nhiều hơn thế những năm tháng quen thuộc với môi trường bệnh viện và các bác sĩ.

Bác sĩ Lê Xuân Thắng khám bệnh cho người dân
Bác sĩ Lê Xuân Thắng khám bệnh cho người dân

Sinh ra trong một gia đình truyền thống ngành y, từ bé, anh Thắng được cha là bác sĩ quân y truyền lửa đam mê với nghề. Anh hiểu rất rõ những hi sinh thầm lặng của người làm nghề y. Cho nên, trước khi bước vào làm nghề, bác sĩ Thắng đã chuẩn bị tinh thần để thức khuya dậy sớm, hết lòng với nghề nghiệp. Anh cũng được người cha của mình truyền đạt nhiều kinh nghiệm trong nghề, những khi rảnh rỗi chủ đề trò chuyện của hai cha con thường trò chuyện về chuyên môn.

Bởi nuôi ước mơ trở thành bác sĩ từ khi còn bé, anh Thắng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành một ai khác ngoài cương vị là một bác sĩ. Khi anh thi đỗ vào Học viện Quân Y, cả gia đình đều vui mừng.

"Hồi bé sức đề kháng của tôi rất yếu kém nên cứ trái gió trở trời là bị viêm phế quản và phải điều trị tại bệnh viện rất nhiều lần. Không chỉ tôi mà cả em gái cũng có thể trạng yếu, hay sinh bệnh. May mắn là gia đình có nghề y nên được chăm sóc tốt. Đến bây giờ với tôi, hình ảnh bệnh viện và các bác sĩ đã quá gắn bó quen thuộc", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bác sĩ Lê Xuân Thắng đã tình nguyện tham gia nhiều đoàn công tác khám bệnh ở các địa phương khó khăn. Anh tâm niệm rằng, đã là người thầy thuốc thì phải có tâm trong sáng, hết lòng vì người bệnh. Có lần đi công tác tại Phú Thọ, anh được một người dân nhận ra, người này rất thành tâm cảm ơn anh vì nhận ra anh là bác sĩ đã cứu sống con trai của họ.

“Mình từng tham gia nhiều chuyến đi khám bệnh ở khắp mọi miền, vùng biên giới, hải đảo xa xôi và luôn tâm niệm, cống hiến một phần công sức nhỏ bé để phục vụ nhân dân, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mình nghĩ rằng, hoạt động tình nguyện là hành trình của cả cuộc đời người chiến sĩ, đặc biệt với những thầy thuốc trẻ”, bác sĩ Thắng nói.

Nhận được giải thưởng Đặng Thùy Trâm

Trong thời gian công tác, bác sĩ Lê Xuân Thắng đã cấp cứu kịp thời và thành công các ca bệnh khó, hiểm nghèo: cứu 200 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, lấy dị vật dạ dày cho 18 bệnh nhân, lấy 13 con giun đũa trong đường mật ra ngoài, lấy sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng cho hơn 90 bệnh nhân.

Từ cậu bé ốm yếu trở thành bác sĩ đạt giải Đặng Thuỳ Trâm - 2

Từ khi tốt nghiệp, được phân công công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ Thắng vẫn không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tay nghề để thêm vững chãi trong các tình huống nghiệp vụ. Anh nói rằng, đối với nghề y, học tập là việc liên tục và bắt buộc bởi y học thế giới đổi mới, tân tiến từng ngày. Để theo đuổi các kiến thức, kĩ thuật mới trong y học, người bác sĩ phải có sự tâm huyết, đam mê mới nghề.

"Nếu không yêu nghề sẽ không làm được nghề y bởi công việc luôn chiếm hết thời gian của các bác sĩ, ngày làm, đêm trực rồi lại nghiên cứu... Có những đêm trực cấp cứu rồi sáng mai ra lại làm việc bình thường. Khi trời rét, mọi người được ngủ trong chăn ấm, còn mình và nhiều bác sĩ phải thức thâu đêm”, bác sĩ Thắng kể.

Nhờ nỗ lực trong công việc, bác sĩ Thắng nhiều lần được tuyên dương, nhận giải thưởng: giải Nhất Hội nghị khoa học công nghệ; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế; giải Ba Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành Y (2013); Bằng khen Hội LHTN thành phố Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (2014); Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba do Chủ tịch nước tặng (2014); Bằng khen Trung ương Hội LHTN Việt Nam (2015)…

Mới đây, khi trở thành một trong 10 tấm gương thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016, bác sĩ Thắng chia sẻ: “Phần thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực cố gắng của bản thân mình cũng như các y, bác sĩ trẻ. Đó như một lời nhắc nhở mình phải phấn đấu vươn lên hơn nữa trong công tác chuyên môn, trau dồi y đức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.

Mai Châm