Trải nghiệm tình nguyện cùng bạn trẻ thế giới

Các tình nguyện viên (TNV) đến từ Pháp, Đức và Tây Ban Nha chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm sau khi tham gia các hoạt động tình nguyện ở quê nhà và tại Việt Nam.

Pháp: Nhiều tổ chức phi chính phủ

 

Ranaivo Valerie (29 tuổi) đang là TNV cho tổ chức VPV, chia sẻ quãng thời gian tình nguyện ở Pháp. Valerie có 3 bằng đại học và làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ tại Pháp. Muốn trải nghiệm những điều mới mẻ nên Valerie sang Việt Nam làm tình nguyện.

 
Valerie (giữa).
Valerie (giữa).
 

“Ở Pháp có rất ít CLB tình nguyện nhưng lại có nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO). Các tổ chức này được tài trợ tiền bởi chính phủ hoặc các tổ chức khác. Họ cũng có tình nguyện viên đi giúp đỡ những người khác.

 

Các NGO thường chuyên về các hoạt động như giúp đỡ người vô gia cư, trẻ em hoặc người khuyết tật. Ngoài ra còn các NGO giúp trẻ em làm bài tập về nhà, có tổ chức lại liên quan các hoạt động thể thao, hỗ trợ các dự án nước ngoài hoặc nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề nào đó…

 

Làm việc ở NGO giúp tôi có cơ hội đến nhiều quốc gia trên thế giới - vừa đi du lịch có thêm trải nghiệm vừa giúp đỡ được người khác. Nhiều người gắn bó với NGO trên dưới 20 năm là chuyện bình thường, họ coi đó như là ngôi nhà thứ 2 và lớn lên cùng tổ chức".

 

Đức: Ít câu lạc bộ tình nguyện

 

Ina Pritze (25 tuổi) đến từ thành phố Dortmund của Đức đang làm việc tại làng hữu nghị (Friendship Village) cho biết đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm khi làm tình nguyện ở Việt Nam, đặc biệt là cách ứng xử, biết thêm và học thêm nhiều điều từ con người và văn hóa Việt Nam.

 
Ina Pritze (giữa).
Ina Pritze (giữa).
 

“Chắc chắn mọi người sẽ trưởng thành hơn nhiều khi trở thành tình nguyện viên tại Việt Nam”, Ina khẳng định.

 

Theo quan sát của Ina, ở Việt Nam hầu hết các trường đại học đều có câu lạc bộ (CLB) và nhiều tổ chức liên quan đến tình nguyện. Ở Đức thì không nhiều và phổ biến như vậy, ngay cả với giới trẻ, vì nhiều lý do.

 

Ở Việt Nam có nhiều CLB và giới trẻ nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Ina đặc biệt ấn tượng với TNV Việt Nam: năng động, thân thiện, nhiệt tình và rất nỗ lực trong học tiếng Anh. Hiện, Ina đang giúp đỡ trẻ em có số phận không may, công việc hằng ngày là chơi và dạy học cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

 

Tây Ban Nha: Làm tình nguyện không dễ

 

Maria Mendez (22 tuổi) đang là TNV của CLB tình nguyện VPV. Maria vừa học xong đại học ngành tâm lý học ở quê hương của mình. Cô đang trong kỳ thực tập 6 tháng và chọn Việt Nam để trải nghiệm. Để đi làm tình nguyện, Maria làm giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha ở thành phố Hồ Chí Minh - dùng tiền lương để chi trả chi phí đi lại, ăn ở trong đợt tình nguyện này.

 
Maria Mendez.
Maria Mendez.
 

Cô chia sẻ: “Làm TNV ở Tây Ban Nha rất khó vì các tổ chức chọn TNV rất kỹ và đưa ra khá nhiều điều kiện”. Maria cho biết, tốt nghiệp ngành tâm lý khó xin việc. Dù làm tình nguyện không có tiền nhưng Maria tin rằng cô được nhiều hơn thế.

 

Ví dụ khi đi tìm việc sẽ có nhiều lợi thế hơn các ứng viên chưa có kinh nghiệm và đặc biệt là những trải nghiệm mới ở một đất nước mới.

 

Tuy nhiên, khi đi xin việc ở Tây Ban Nha thì cũng tùy nơi, vì nhiều công ty ở Barcelona lại yêu cầu bằng cấp, bảng điểm đẹp … vì thế kinh nghiệm tình nguyện không được tính đến, chỉ đơn giản là có tác dụng làm hồ sơ đẹp hơn.

 

Chia sẻ về kế hoạch tương lại, Maria muốn tiếp tục học và tình nguyện ở quê hương vì có nhiều người cần được giúp đỡ.

 

Theo Lê Ngọc

Tiền phong