Tôi mở trung tâm gia sư

(Dân trí) - Tháng 4/2007, tôi cùng mấy đứa bạn mở trung tâm gia sư, chỉ nghĩ đơn giản là để kiếm tiền. Theo tính toán của mấy đứa, chi phí cho một trung tâm gia sư không lớn, hơn nữa, nếu biết “làm việc”, mỗi đứa chúng tôi cũng có thể kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng.

Và thế là cả lũ hăm hở bắt đầu...

 

Đầu tiên là địa điểm. Chúng tôi chọn đặt trụ sở tại đường T.Q.H. Đường này ở ngay phía sau trường Đại học Sư phạm Hà Nội, làm ăn dễ tạo được uy tín hơn.

 

Nói là trụ sở cho oai chứ thực ra, trung tâm chỉ là một căn phòng nhỏ chừng 4m2, chỉ đủ để đặt một cái bàn, một cái điện thoại, vài cái ghế và đặt một cái điện thoại. Đôi lúc nhìn vào, thấy trung tâm mình giống y một cái quán cắt tóc. Mà không phải mình chúng tôi, ở dãy phố nhan nhản trung tâm gia sư toàn do sinh viên lập nên này, văn phòng nào cũng như vậy cả.

 

Tiếp sau là quảng cáo để người ta biết đến mình. Trung tâm gia sư nào cũng cần phải lấy một thầy giáo nào đó để lấy danh nghĩa quảng cáo. Cả lũ ngồi nghĩ nát óc rồi bịa ra một cái tên là trung tâm của thầy giáo L.V.C, giáo sư, tiến sỹ, giáo viên trường Đại học Sư phạm. Đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn là không hiểu có thấy giáo nào tên như vậy không ở trường sư phạm!

 

Sau đó là đến tiết mục phát tờ rơi. Cả lũ huy động mọi lực lượng để phát tờ rơi. Đi phát tờ rơi mới gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chúng tôi chủ yếu phát trong khu vực đông dân cư, theo kiểu gặp đâu phát đấy. Có thể là đi đến từng nhà, nhét qua cửa nhà người ta, hay gặp cột điện thì dán vào. Nói chung là tận dụng mọi nơi, mọi chỗ để phát tờ rơi. Buồn cười nhất là nhiều lần thò tay vao lỗ cổng để phát tờ rơi thì sờ đúng mõm chó, mấy đứa con gái sợ xanh mặt.

 

Lúc đầu đi phát tờ rơi, đứa nào cũng ngại, vì cứ phải đi từng nhà nhìn nhìn ngó ngó xem người ta có ở nhà không, rồi thò tay qua lỗ khóa để bỏ tờ rơi, ai nhìn cũng cứ tưởng là ăn trộm. Lâu rồi thì quen tay, chai mặt.

 

Chỉ sợ nhất là những lần đi phát mà bị trẻ con chạy theo sau. Mỗi lần mình vào nhà nào phát, chúng nó lại thò tay vào lấy ra, vo vo, nghịch nghịch tờ rơi. Bực mà không đứa nào làm gì được.

 

Hoạt động nhờ sự… “ba hoa”

 

Sau khi đã có nhiều người biết đến trung tâm thì chúng tôi cũng có nhiều việc để làm hơn.

 

Tôi được giao nhiệm vụ là trực điện thoại vì cũng có tài ăn nói. Mỗi lần có gia đình gọi điện đến là tôi phải giở bài quảng cáo, ví dụ như trung tâm do giáo sư, tiến sỹ L.V.C đứng đầu, chất lượng gia sư cực kỳ đảm bảo, đã được qua “thẩm định nghiêm ngặt”, gia sư là các thầy giáo, cô giáo trường sư phạm, hay ít ra cũng là sinh viên năm cuối trường này.

 

Từng ngày trôi qua, quyển sổ ghi tên các bạn đăng ký làm gia sư cũng đã kín chỗ trông thấy. Sinh viên đến đăng ký làm gia sư thì từ rất nhiều trường, cao đẳng có, đại học có, trường ít tên tuổi thì nhiều mà sinh viên những trường có tiếng lại ít.

 

Chất lượng sinh viên đăng ký gia sư cũng khá tạp nham. Nói chung, số lượng gia sư giỏi không nhiều. Như có bạn ngọng líu ngọng lô vẫn đăng ký làm gia sư dạy tiếng Anh, tiếng Việt mà yêu cầu từ các gia đình lại phải là người Hà Nội, có giọng chuẩn.

 

Trung tâm chúng tôi thường chỉ chọn lựa những bạn hình thức khá, học trường có tiếng một chút. Chất lượng dạy thế nào thì còn tùy gia đình xem xét. Với những bạn sinh viên còn lại thì cơ hội được gọi đi làm gia sư là rất ít.

 

Thế nhưng, hầu như trung tâm gia sư nào cũng có cái gọi là “phí đăng ký”, tầm khoảng 10-20 nghìn đồng, có thể hiểu như phí giữ chỗ. Một điều chắc chắn là khi sinh viên đăng ký, trung tâm nào cũng biết là họ có thể được gọi đi làm hay không, nhưng phí giữ chỗ thì vẫn cứ lấy.

 

Sau khi hợp đồng với gia sư, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa gia sư đến gặp các gia đình. Phần lớn các gia đình đều muốn gia dư là sinh viên Sư phạm. Thế nên, chúng tôi luôn phải dặn trước các bạn là phải nhận mình là “dân” Sư phạm. Có gia đình cẩn thận, đòi xem cả thẻ sinh viên. Lúc ấy thì chỉ còn bài “quên thẻ ở nhà” để trình bày. Cũng có gia đình đòi hỏi gia sư phải là thầy cô giáo đã tốt nghiệp trường Sư phạm. Thì gia sư của chúng tôi cũng thành thầy cô giáo hết!

 

Thế nên, một số trường hợp sinh viên đã dạy được vài tháng lại đến trung tâm tôi bắt đền vì “các anh bắt em nói dối là cô giáo tiểu học. Bây giờ muốn nói thật lại không được”.

 

Nhiều gia đình không nhận sinh viên với lý do trình độ kém, không có giọng chuấn, không hợp “gu” với con họ... Chỉ tội sinh viên, dù đã đóng trước số tiền tương ứng với 50% tháng lương đầu nhưng nếu gia đình không nhận, họ cũng chỉ lấy lại được 30% số tiền đã đặt cọc, với lý do là “bồi thường cho việc hỏng địa chỉ của trung tâm”.

 

Nếu trường hợp gia đình đã nhận sinh viên nhưng lại cho nghỉ sau 2 đến 3 buổi dạy thì sinh viên mất hết tiền đặt trước. Điều này được ghi khá mập mờ trong hợp đồng của chúng tôi (và tôi dám chắc là của hầu hết các trung tâm gia sư kiểu này), và sinh viên hầu như phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì đã chót ký mà không đọc rõ nội dung bản hợp đồng.

 

Cái sự mập mờ này lý giải cho việc, có nhiều trung tâm dựng lên địa chỉ ma để thu tiền của sinh viên.

 

Bỏ cuộc...

 

Mệt mỏi, áy náy vì phải suốt ngày phải ba hoa những điều không có thực, cách hoạt động rời rạc, không định hướng của trung tâm, tôi cũng dần có ý nghĩ bỏ cuộc. Nhưng phải sau khi gặp phải sự cố tôi mới đủ dũng cảm để bỏ việc.

 

Một hôm, tôi được giao nhiệm vụ dẫn gia sư đến một gia đình có nhu cầu tìm gia sư cho con mình học lớp 8. Yêu cầu của gia đình là giáo viên tiểu học đã tốt nghiệp trường sư phạm. Khi giao dịch qua điện thoại, tôi đã hết lời ca ngợi trung tâm, chất lượng của đội ngũ gia sư y như trong quảng cáo...

 

Tôi đưa gia sư là sinh viên năm thứ hai một trường đại học không mấy tên tuổi đến. Trước khi vào nhà, tôi đã dặn kỹ gia sư là phải nói mình người Hà Nội, là giáo viên tiểu học đang dạy ở trường này, trường kia.

 

Đến khi bước vào nhà, tôi tá hỏa khi nhận ra bác chủ nhà là người quen của bố tôi. Suốt cả buổi giới thiệu gia sư, tôi cứ vừa nói vừa cúi gắm mặt xuống. Gia sư bị cho thôi dạy sau 2 buổi dạy thử vì chất lượng kém. Còn tôi thì ngay cả sau này, mỗi lần gặp lại bác, đều cảm thấy xấu hổ.

 

Tôi quyết định thôi việc ở trung tâm gia sư ngay sau đó. Trung tâm cũng đóng cửa sau đó không lâu. Giờ thì tôi đã tìm được một công việc, phù hợp hơn với khả năng, thời gian và quan trọng hơn là không mang cảm giác dằn vặt khi lừa chính những sinh viên như mình.

 

Tôi chỉ hi vọng tâm sự của mình có thể giúp các bạn sinh viên có thêm kinh nghiệm khi quyết định đến các trung tâm gia sư. Hãy cân nhắc trước khi quyết định đến đăng ký tại các trung tâm gia sư, và nếu buộc lòng phải đến thì cũng nên chọn những trung tâm có địa chỉ, văn phòng đàng hoàng, tránh trường hợp trung tâm “ma”, đã nhận tiền của sinh viên rồi biến mất. Khi ký hợp đồng thì phải đọc kỹ, tránh những điều khoản mập mờ, chỉ có lợi cho trung tâm, còn các bạn thì dễ bị mất tiền nhất.

 

D.N.M
(Mai Anh ghi)