“Thủ lĩnh” môn Vật lý lớn lên từ bờ ruộng…

(Dân trí) - Mới ngày nào còn lơ ngơ từ quê xuống thành phố Vinh vào trường chuyên Phan Bội Châu học, giờ cậu học trò nghèo Nguyễn Tất Nghĩa đã trở thành “thủ lĩnh” về môn Vật lý, với 2 HCV Olympic Vật lý Châu Á trong hai lần tham dự kỳ thi.

Nguyễn Tất Nghĩa (SN 1990) trú tại xóm 1, xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương - Nghệ An). Hiện đang là học sinh lớp 12A3, Tường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An). Đây là lần thứ 2 cậu bé nông dân nghèo ngày nào tham dự cuộc thi và đã ẵm 2 HCV Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương trong hai lần tham dự kỳ thi.

 

Lớn lên từ bờ ruộng, cây lúa…

 

Nguyễn Tất Nghĩa, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã miền núi Hồng Sơn, huyện Đô Lương. Là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em, hoàn cảnh gia đình em khá khó khăn. Ngày đêm Nghĩa cùng với bố mẹ anh em lam lũ từ những bờ ruộng, gốc rạ… Ngay từ những ngày đang là học sinh cấp 2, Nghĩa đã phải lên rừng kiếm từng cành củi về bán kiếm tiền ăn học. Nhưng không vì thế mà Nghĩa học kém, Nghĩa còn học giỏi và rất giỏi từ thi huyện đến thi tỉnh Nghĩa đều dành giải thưởng: Lớp 5, Nghĩa được giải nhì của tỉnh môn Toán, lớp 7, 8 giải nhất huyện môn Vật lý. Bước sang lớp 9 giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý.

 

Bố Nghĩa ông Nguyễn Tất Điểu, đi bộ đội tình nguyện ở bên Lào, năm 1977 bị thương và giải ngũ về quê cùng vợ con, làm ăn vất vả lắm để nuôi những mầm chữ cho con. Ông bảo: “Sau những cuộc vượt Trường Sơn, giờ đây về quê làm ăn được 3 sào ruộng, mùa được mùa mất cho nên quanh năm luôn thiếu ăn. Thằng cu Nghĩa nhà tôi nó chịu khó lắm, hằng ngày sau những buổi đến trường nó ra đồng bắt từng con cua, mò con ốc, cá, lên rừng nhặt từng nhánh củi về phụ giúp bố mẹ kiếm thêm tiền để ăn học. Cũng vì ý chí kiên cường ấy mà giờ đây tôi tự hào về nó lắm. Nhưng thú thật phải cảm ơn những người dạy dỗ nó nữa”.  

 

Năm cuối cấp 2, Nghĩa đã có ý định thì vào trường chuyên Phan Bội Châu và giấc mơ học trường Phan khi cậu thi đỗ cao điểm nhất khoá năm đó 2006. Kể từ ấy cậu được đắm mình vào thế giới của sách vở, của những con số.

 

Với phương châm của Nghĩa: “Học, học, …và học”. Ngày đầu chân ướt chân ráo xuống thành phố vào học ở một ngôi trường tiếng tăm vang lừng, trường chuyên Phan Bội Châu. Và cậu học trò nghèo ngày nào đã trở thành “thủ lĩnh” về môn Vật lý.

 

“Thủ lĩnh” môn Vật lý lớn lên từ bờ ruộng… - 1
  Nghĩa được thầy cô, học sinh bạn bè, người thân đón tại trường sau chiến thắng từ cuộc thi Olympic Vật lý châu Á- Thái Bình Dương trở về.

 

Trong hai năm liền từ lớp 10, 11, Nghĩa lại luôn đứng trong hàng ngũ của những cái nhất, đứng nhất lớp về học môn vật lý, thành quả học tập cao nhất, nhu mì nhất (bẽn lẽn như con gái), ngoan nhất… Năm 2006, Nghĩa tham dự cuộc thi Vật lý Tỉnh đồng nghĩa với việc cậu tiếp tục đứng thứ nhất của một Vật lý và được chọn đi thi học sinh giỏi toàn quốc môn Vật lý vốn dành cho học sinh lớp 12.

 

Năm đó, Nghĩa tham dự cuộc thi Vật lý tại Hà Nội chỉ giành giải nhì, vì do một sơ suất nhỏ. Nghĩa bảo: “Chỉ vì một sơ suất nhỏ làm sai một phép tính nên em mất ăn mất ngủ mấy tuần liền”. Thế là “cuộc đua” nằm lọt vào hàng ngũ học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Quốc tế mà “tham vọng” bấy lâu nay đối với Nghĩa chỉ còn khoảng 50% sự lựa chọn của Đoàn. Cũng vì thế, sau nhiều cân nhắc “giơ lên đặt xuống” và Nghĩa được chọn vào đội tuyển gồm 5 người đi thi Olympic Vật lý Quốc tế  năm 2007 tổ chức tại Nam Phi.

 

Cậu học trò nghèo nhà quê đã trở thành 1 trong 10 học sinh giỏi Vật lý nhất thế giới trong tổng số 350 học sinh đến từ 70 nước năm 2007 (Nghĩa đoạt giải với tổng 47/50 điểm)

 

Năm 2008, tổ chức tại Mông Cổ với sự tham gia của 20 đoàn (160 thí sinh) đến từ 18 quốc gia, trong đó có rất nhiều đối thủ mạnh như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... Đoàn Việt Nam có 8 học sinh tham dự kỳ thi, 7 người đoạt giải gồm: 2 Huy Chương Vàng, 2 Huy Chương Bạc, 2 Huy Chương Đồng và một bằng khen đứng ở vị trí thứ 4 và tiếp tục Nghĩa lại ẵm thêm một HCV.  (Nghĩa đoạt giải với tổng 37,1/50 điểm).

Và đến những vinh quang

 

Theo Nguyễn Tất Nghĩa, so với lần thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2007 tại Nam Phi, lần này 2008, tại Mông Cổ thì có khó hơn. Với việc 12 ngày đêm ở Mông Cổ, thời tiết khắc nghiệt, nhưng sức ép lại là động lực để em phấn đấu vươn lên. Hơn thế, bên cạnh em luôn có sự động viên khích lệ của thầy Trần Văn Nga.

 

Khí hậu Mông Cổ rất lạnh, có lúc xuống dưới 40C, vì đồ ấm chuẩn bị không đủ nên thầy trò phải dừng lại ở Trung Quốc mua thêm quần áo. Các món ăn ở đó cũng không hợp khẩu vị với người Việt Nam vì chủ yếu được làm từ thịt cừu. Tuy thế, người dân Mông Cổ thân thiện, hiếu khách. Bạn bè quốc tế cũng rất yêu quý đoàn học sinh Việt Nam.

 

"Em rất vui vì đã không phụ lòng mong đợi của gia đình, bạn bè, thầy cô giáo và người dân xứ Nghệ. Các kết quả mà em đạt được ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự động viên, giúp đỡ của nhà trường, gia đình; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo. Em chân thành cảm ơn và chia sẻ thành tích này tới tất cả mọi người, đặc biệt là bố mẹ - những người sinh thành, vất vả nuôi em khôn lớn, thầy Trần Văn Nga- người dìu dắt và luôn sát cánh bên em trong học tập cũng như trong cuộc sống", Nghĩa tâm sự.

 

“Thủ lĩnh” môn Vật lý lớn lên từ bờ ruộng… - 2

 Sau khi được thưởng, Nghĩa đều dành những phần quà về cho bố mẹ và anh em, vì với Nghĩa “những năm tháng bố mẹ nuôi 4 đứa con ăn học, cha mẹ em đã phải vay mượn rất nhiều, từ người thân đến Ngân hàng”. (Ảnh: Bố mẹ Nghĩa đón em sau khi trở về từ nước ngoài)

 

Nghĩa còn bảo: “Bí quyết đặc biệt, là không ngừng học hỏi và đừng bao giờ đánh mất niềm đam mê với lĩnh vực mà mình yêu thích. Mỗi người phải xác định cho mình một mục tiêu và phấn đấu hết mình vì mục tiêu đó. Điều quan trọng là không sợ khó, sợ khổ, không nản chí và không lãng phí thời gian”.

 

Thời gian tới, đã được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2008. Cuối tháng 5 này, Nghĩa sẽ ra Hà Nội ôn tập, hoàn thiện bổ sung kiến thức để có thể giành thành tích cao tại kỳ thi này. Theo đó, thầy Trần Văn Nga đã được mời vào Ban nội dung tham gia chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế được tổ chức vào tháng 7 năm nay (2008) tại Thủ đô Hà Nội. Hai thầy trò sẽ tiếp tục cố gắng mang vinh quang về cho Tổ quốc, người dân xứ Nghệ và mái trường mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

 

Cũng như những lần trước, sau khi được thưởng, Nghĩa đã dành những phần quà về cho bố mẹ và anh em. Nghĩa tâm sự: “Chừng ấy cũng vừa đủ để trang trải nợ nần vì những năm tháng bố mẹ nuôi 4 đứa con ăn học, cha mẹ Nghĩa đã phải vay mượn rất nhiều từ người thân đến Ngân hàng gia đình em đều nợ”.

Nguyễn Duy