Thất bại chốn giảng đường

Chưa ra trường đã có một công việc thú vị, lương cao, tuy nhiên việc học họ lại thua kém bạn bè về mọi mặt...

Ham làm, chê sách vở

 

Có số điểm cao thứ nhì trong một khoa “hot” của trường đại học danh tiếng, bạn bè cứ nghĩ C.G (sinh viên trường ĐH Luật) sẽ “lấy đà” phấn đấu tiếp và nổi tiếng trong khoa, nhưng sự kì vọng của họ đã bị dập tắt.

 

Sau một năm học, bạn bè chả mấy chú ý đến cô nàng vì bảng điểm í ẹ, một học kì nợ ít lắm cũng 2 môn và môn nào đậu cũng chỉ có điểm trung bình là 5 hoặc 5.5. “Trong lớp G rất lo ra, lúc thì lấy điện thoại ra bấm suốt buổi, lúc lại ngồi tán dóc với bạn bè, không thì đọc tạp chí, hoặc đi ra về sớm.

 

G tự hào khoe rằng cô nàng đang làm trợ lí cho một công ty luật tư nhân của ba mình, sau này chỉ cần ra trường là tương lai rộng mở. Đúng là G có đi làm đấy, nhưng kiến thức không có thì liệu có làm được lâu dài không? Hay chỉ vào công ty để rót trà và sắp xếp tài liệu?”, P.T (bạn cùng khoa với G) bày tỏ.

 

Đến năm 2, C.G gần như chẳng bao giờ đến trường trừ khi có bài thi giữa kì. “Mình đã tìm được một công việc mới cũng liên quan tới ngành mình đang theo học, khá thú vị, không thể bỏ lỡ được. Nếu thi rớt thì học lại, chả sao”, G chia sẻ.

 

Bạn bè thì tiếc cho một á khoa không chịu trau dồi kiến thức mà mải mê các hoạt động xã hội. “Cô ấy học giỏi, nếu biết đầu tư, cô ấy sẽ tiến xa hơn chứ chưa cần phải đi làm thêm thế này”, một bạn trong lớp G bày tỏ

 
Thất bại chốn giảng đường  - 1

Việc cân bằng giữa học tập và thực hành ngoài thực tế là điều cần thiết với các bạn trẻ.
 

Hoạt động Đoàn tích cực, từ chối họp nhóm thuyết trình

 

Mọi người trong khoa đều biết P.A (sinh viên trường ĐH KHTN) rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn, Hội. Cô nàng lại hát rất hay và diễn giỏi nên luôn xuất hiện trong các cuộc thi văn nghệ hay các buổi giao lưu, trình diễn ở trường. Năm 1, cô nàng đến lớp vài lần mỗi tháng. Năm 2, cô nàng đến lớp vài lần mỗi học kì và sang năm 3 thì đã nhập học được gần 3 tháng nhưng chưa ai thấy P.A có mặt cả.

 

Có lần, mọi người phải chuẩn bị làm một đề tài thuyết trình nhóm, nhóm P.A suýt tí nữa bị điểm 0 vì sự vắng mặt của cô nàng. Trong các buổi họp nhóm, P.A không có mặt vì bận đi họp bên Đoàn, lúc lại tổ chức chương trình bên Hội. P.A hứa hẹn: “Mọi người yên tâm, P.A sẽ chuẩn bị phần việc của mình thật kĩ” nhưng rồi lên lớp trễ 45 phút, làm bạn bè thở dài và thất vọng.

 

Có mặt ở công ty vào chủ nhật, vắng mặt trên lớp suốt tuần

 

Đó là tình trạng của H.L (sinh viên năm 2 trường ĐH Tài chính – Marketing). Qua nhiều mối quan hệ, L được làm trong một công ty truyền thông, vì làm full-time nên bắt buộc L phải nghỉ học.

 

H.L rất siêng năng và cầu tiến trong công việc: 8h mới bắt đầu làm nhưng 7h L đã có mặt ở công ty, 8h tối mọi người về hết thì L vẫn còn soạn email và làm thêm các công việc lặt vặt. Ngay cả chủ nhật, L cũng lên công ty vì…đam mê công việc. Nhiều bạn đồng trang lứa rất khâm phục các kĩ năng mà L có được, vì không phải ai cũng tự tin và có kinh nghiệm như thế.

 

“Nhưng mình vẫn thấy L không đi học là một thiệt thòi to lớn. Nghe đâu bạn ấy tạm nghỉ học trong nửa năm để đi làm. Mình nghĩ nếu học tới nơi tới chốn thì việc tìm cho mình một vị trí xứng đáng cũng đâu có khó, tại sao lại đi làm quá sớm như thế làm gì?”, B.D (sinh viên năm 2 ĐH Bách Khoa) nhận xét.

 

“Tưởng rằng đã thành công, nhưng thực ra đó là một thất bại”

 

Đó là lời chia sẻ của V.K (sinh viên năm cuối ĐH Ngân Hàng). V.K chia sẻ: “Hồi đó, mình cũng như các bạn, cứ nghĩ là đi làm khi còn là sinh viên thì sau này CV sẽ đẹp hơn. Kỹ năng thực tế quan trọng hơn sách vở, và mình học lại 5 môn trong một học kì khi đi làm được 5 triệu/tháng. Lúc ấy, không ai khen mình cả, bạn bè nhiều khi còn nhìn mình với ánh mắt xem thường.

 

“Tưởng gì, đi làm lương cao mà học hành í ẹ, tương lai cũng chẳng ra sao”. Mình ức lắm, và lấy 5 triệu đó đóng tiền học lại và sau đó bỏ việc. Hiện tại, mình chuẩn bị tốt nghiệp loại khá giỏi và có khá nhiều công ty mời gọi, không phải vì mình đã từng đi làm, mà vì bảng điểm xuất sắc. Mình đang kiếm một học bổng du học”.

 

Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn biết cân bằng giữa học và làm. Hiện nay, rất nhiều sinh viên làm tốt điều đó. Họ làm việc bán thời gian và vẫn lên giảng đường đều đều. Nhưng có bạn lại thích chọn con đường thử thách hơn thay vì chú tâm học: không thèm đến giảng đường và tích cực “lăn lộn” ngoài cuộc sống, đi làm khi còn quá sớm…

 

Nền tảng kiến thức tốt sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn, tại sao không chọn giảng đường khi bạn còn trẻ? Liệu kĩ năng có đủ để bạn tiến xa trong công việc khi kiến thức chuyên ngành quá non kém? Kinh nghiệm làm việc sẽ không giúp bạn học giỏi hơn (vì có thể công việc bạn làm chẳng liên quan gì đến ngành bạn học), nhưng học giỏi thì sẽ giúp ích được cho công việc của bạn. Tại sao lại đi đường vòng khi con đường trước mặt bạn đang bằng phẳng, êm đẹp?

 

Theo Mực Tím