Thạc sĩ Việt tại Mỹ bỏ việc "ngàn đô", về nước khởi nghiệp thể hình

(Dân trí) - Nguyễn Hoàng Trí Dũng đã từ bỏ cơ hội làm việc ở môi trường chuyên nghiệp với mức lương mơ ước, để về Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng phòng tập thể hình.

Từ bỏ lương tháng vài nghìn đô, về Việt Nam

Khi theo học ở Mỹ, Trí Dũng đã đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ: tốt nghiệp ĐH Hendrix College, ngành Kinh tế, chuyên ngành phụ Hoá học với tấm bằng xuất sắc, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kế toán với số điểm GPA (trung bình môn) tuyệt đối 4/4.

Cũng chính vì vậy mà ngay sau khi ra trường, anh đã có cơ hội vào Công ty Ernst & Young Sinapore với mức lương vài nghìn đô. Song mới làm được ba tháng, mặc dù là công ty nổi tiếng, môi trường làm việc chuyên nghiệp, anh vẫn quyết định dừng lại, trở về Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu về nước của anh không phải là một công việc ổn định, mà là tự xây dựng một thương hiệu kinh doanh riêng.


Trí Dũng quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp bằng bộ môn thể hình bất chấp sự can ngăn của người nhà.

Trí Dũng quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp bằng bộ môn thể hình bất chấp sự can ngăn của người nhà.

“Ngay từ khi bắt đầu ra nước ngoài học tập, mục tiêu sau này của mình đã là phát triển sự nghiệp ở Việt Nam vì nước mình có vô vàn cơ hội nếu biết nắm bắt. Sau vài tháng làm việc, mình đã thấy cần thiết phải trở về để tìm hiểu thị trường, đồng thời nắm bắt được cơ hội đầu tư”, Dũng chia sẻ.

Quyết định của Trí Dũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người thân. Thậm chí, bố mẹ anh còn nhờ họ hàng gọi điện khuyên bảo nhưng không lay chuyển được ý định của chàng trai 8x.

Trí Dũng bày tỏ: “Mình đã cân nhắc kĩ lưỡng cái được và mất của mỗi lựa chọn. Do đó, mình không thỏa hiệp với quyết định ấy. Đến thời điểm hiện tại, mình thấy đây là bước đi đúng đắn”.

Những thất bại, “vỡ mộng” khi về nước

Trí Dũng làm quen với gym khá sớm, nhưng vì bị dạy tập sai cách, anh từng gặp chấn thương khá nặng. Khi sang Mỹ, anh nhận thấy điều kiện và phương pháp tập gym ở đây rất khoa học, bài bản nên đã chăm chỉ tập luyện. Khi tìm hiểu thêm, Trí Dũng cho rằng, đây là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng nên đã quyết định gắn bó với nó.

“Kinh doanh không khó, chỉ cần cố là được” – là suy nghĩ của Dũng khi đó. Tuy nhiên, ý tưởng ấy đã thất bại thảm hại, vì không đủ vốn, kinh nghiệm và không có cộng sự tâm huyết.

“Chính suy nghĩ đó còn khiến người thân, bạn bè ngờ vực về khả năng của mình. Tuy nhiên, với tư tưởng của một đứa cứng đầu, mình vẫn tiếp tục nung nấu ý tưởng đó”, Trí Dũng nói.


Dũng (phải) trở thành một trong những HLV thể hình đầu tiên của Việt Nam có chứng chỉ PICP quốc tế

Dũng (phải) trở thành một trong những HLV thể hình đầu tiên của Việt Nam có chứng chỉ PICP quốc tế

Thay vì tiếp tục cố gắng mà chưa biết kết quả đến đâu, anh quyết định đi tìm việc. Có bằng thạc sĩ nước ngoài nhưng Trí Dũng không được nhận vào các công ty quốc tế vì bị “nhìn thấu” mục đích muốn kinh doanh riêng. Do đó, anh đã chấp nhận làm trong một công ty với mức lương thấp hơn so với kỳ vọng.

Qua những thất bại, Trí Dũng nhận ra “mình là ai và đang đứng ở đâu”. Anh cho rằng: “Mỗi người cần có một tư duy phóng khoáng và tự do hơn trong quá trình theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, đừng quá bay bổng và cần giữ kỳ vọng của mình ở một mức thực tế nhất. Ai cũng có giấc mơ, nhưng người biến được giấc mơ đó thành hiện thực mới là người thành công”.

“Trong một phút bốc đồng”, Trí Dũng nghe theo lời bạn gái và làm kênh youtube về gym tên là Swequity. Mặc dù lúc đó rất ngại đứng trước ống kính máy quay, nhưng các video của anh đã may mắn được cộng đồng đón nhận. Tới nay, kênh youtube đã có tới 85.000 người theo dõi và gần 10 triệu lượt xem.

Sau một thời gian chia sẻ kiến thức, Trí Dũng nhận thấy cần nâng cao kiến thức theo hướng bài bản hơn nên đã vay mượn tiền người thân sang Mỹ học thêm. Anh trở thành một trong những Strength Coach (HLV) đầu tiên của Việt Nam có chứng chỉ PICP (Poliquin International Certification Program) của Poliquin Group (một trong những tổ chức uy tín nhất chuyên đào tạo HLV thể hình).

Tuy nhiên càng về sau, Trí Dũng càng nhận thấy rằng đây mới chỉ là những kiến thức bước đầu để gợi mở, khiến anh phải tự tích luỹ thêm từ sách cũng như các khoá học khác ở nước ngoài.

Giữa năm 2015, khi cảm thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh quyết định tích góp để mở một phòng tập nhỏ. Tuy nhiên, Trí Dũng bất ngờ gặp được những cộng sự phù hợp nên đã mở được một phòng tập lớn: diện tích hơn 1100m2, có trang thiết bị hiện đại tại Hà Nội.

Trí Dũng bày tỏ: “Mình thấy đây cũng là một sự may mắn, nhưng là may mắn do sự "cứng đầu" của mình tạo ra. Nếu mình không làm kênh youtube, không đi học để trau dồi thêm, thì không ai biết đến, và cũng không kết nối được với ai. Mình thường tự nhủ, kết quả như vậy, vừa là may mắn, vừa là sự cố gắng, nỗ lực của bản thân”.


Vượt qua những khó khăn, Trí Dung đang gặt hái được thành quả ban đầu với bộ môn thể hình.

Vượt qua những khó khăn, Trí Dung đang gặt hái được thành quả ban đầu với bộ môn thể hình.

Ông chủ của trung tâm thể hình diện tích hơn 1.100 m2

Khi bắt tay mở phòng tập, từ việc kinh doanh, thiết kế, quản lý, nhân sự… Trí Dũng và cộng sự đều phải gánh vác. Đặc biệt, trong thời gian đầu, anh gặp phải khó khăn trong công tác nhân sự nên có vài người ra đi.

“Tinh thần của những người còn lại bị ảnh hưởng, nên mình đã phải tìm cách điều chỉnh cũng như động viên anh em để họ hiểu và tiếp tục phát triển cùng công ty. Bên cạnh đó, mình cũng trò chuyện, chia sẻ cách tư duy, cách làm việc hiệu quả để họ có thể giúp khách hàng cũng như bản thân có nhiều thành công hơn".

Trong việc quản lý, Trí Dũng luôn nhìn vào kết quả, không nhìn vào lý do. Theo anh, điều này giúp cho mỗi người khi mắc lỗi, luôn nhìn nhận được vấn đề thực sự của mình và sửa chữa nó. “Dần dần, mọi người hiểu được nguyên tắc, giá trị ấy. Mình nghĩ, càng bớt được những lý do, con người càng bớt đi sự trì trệ”.

Giờ đây, trung tâm có 12 huấn luyện viên, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng, bởi số khách lên tới 700 – 800 người. Trong thời gian tới, Trí Dũng có dự định sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm tại Hà Nội, cũng như cả nước. Mặc dù khách không ngừng động viên và thúc giục nhưng vì chú trọng đến chất lượng đào tạo HLV, nên anh không thể đẩy nhanh tiến độ mở rộng cơ sở.

Trí Dũng cho rằng, với sự phát triển của ngành công nghiệp đồ ăn nhanh, người Việt Nam sẽ có thêm nhiều nguy cơ mắc phải các bệnh liên quan đến béo phì, tiểu đường… Tuy nhiên, chúng ta đang quá chú trọng đến việc chữa bệnh mà quên đi việc phòng bệnh.

“Thì chính gym là cách phòng bệnh rất hữu hiệu cho mọi người. Ngoài béo phì, và những bệnh liên quan, chúng mình còn giúp khách hàng các vấn đề khác như đau lưng, đau cổ, gù, do ngồi làm việc sai tư thế… Điều này khiến mình cảm nhận được niềm vui, ý nghĩa khi mỗi ngày mang lại giá trị cho người khác”, Trí Dũng bày tỏ.

Ngoài lợi ích mang lại cho khách hàng, điều làm Trí Dũng say mê còn là quá trình phát triển cho nhân viên: "Mình coi họ là gia đình và luôn muốn giúp họ trưởng thành, có những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống".

Hoài Thư