Tâm sự của tác giả bài văn xôn xao thành phố Vinh

“Mỗi buổi chiều bố đi làm về, phờ phạc, rã rời. Cơn đau bột phát từ nội tạng cứ âm thầm hành hạ, khiến bố đau đớn lắm. Em chỉ ước sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ”, nữ sinh Nguyễn Thị Hậu, tác giả <a href="http://www8.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/11/151474.vip">bài văn về bố</a> gây xôn xao thành phố Vinh (Nghệ An), tâm sự.

Ngôi nhà của Nguyễn Thị Hậu tại khối 1, phường Hà Huy Tập. 3 năm qua, với sự tần tảo của mẹ, sự động viên, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, Hậu đã cố gắng vượt qua khó khăn để cắp sách tới trường.

Tuy nhiên, những ngày đến lớp dường như với cô bé có thân hình mảnh khảnh này là một chặng đường khó nhọc. Hậu là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ đều là công nhân về hưu theo chế độ với đồng lương “ba cọc ba đồng”.

Cuộc sống vốn đã khó khăn, lại nuôi đàn con đông đúc, bố mẹ của Hậu phải chạy đôn, chạy đáo, buôn bán đủ thứ nghề từ hàng rau, bốc vác… chắt nhặt, dành dụm từng đồng nhưng cũng không đủ khả năng trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhiều lúc túng quẫn, bố của Hậu, ông Nguyễn Ngọc An phải xuống đường chạy xe ôm kiếm sống.

Năm 2000, bỗng dưng ông An xuất hiện triệu chứng đau cơ, mất sức lao động. Từ đây, gánh nặng gia đình đổ lên vai người vợ. “Nhiều đêm thấy chồng tỉnh giấc và ngồi bất thần nhìn vào khoảng không, mắt ướt nhoè, tôi biết ông ấy đang dằn vặt dữ lắm” - bà Hương kể.

Thấy cuộc sống của bố mẹ vất vả, cô con đầu Nguyễn Thị Ánh Hồng đang học lớp 6 xin thôi học, ở nhà trông giữ em và phụ giúp gia đình. Cô em gái Nguyễn Thị Ngọc Huyền cũng phải bỏ học nửa chừng.

“Thấy bạn bè tung tăng cắp sách đến lớp, nhiều lúc nó cứ ra ngõ dõi theo, rồi bịn rịn chạy ra sau góc bếp khóc thút thít. Tôi biết nó thèm đến lớp lắm nhưng biết làm sao được”, bà Hương buông giọng trầm buồn.

Nhìn các con lần lượt nghỉ học, dù bị những cơn đau hành hạ, ông Nguyễn Ngọc An vẫn cố gắng nhẫn nại chạy xe ôm phụ giúp gia đình. Hình ảnh người cha với bộn bề lo toan, trăn trở, đã hằn in trong ký ức tuổi thơ cô bé học trò.

Nguyễn Thị Hậu nhớ lại: “Mỗi buổi chiều bố đi làm về, phờ phạc, rã rời. Cơn đau bột phát từ nội tạng cứ âm thầm hành hạ, khiến bố đau đớn lắm. Em chỉ ước sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ”.

Năm 2003, ông An xuất hiện thêm chứng bệnh tiểu đường. Dù đã chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thế rồi một ngày tang thương ập đến, người cha đã mãi mãi rời khỏi cuộc đời! Với Hậu, đó là nỗi đau khủng khiếp nhất mà em đã trải.

Thấy mẹ vất vả vì làm quần quật cũng không đủ tiền nuôi đàn con ăn học, Hậu nói: “Xin mẹ ngày mai cho con nghỉ học. Con không muốn lại thêm một gánh nặng trút lên đôi vai vốn đã yếu mềm của mẹ nữa”. Bà Hương nhìn con, nước mắt lưng tròng: “Dù có bán nhà, con cũng phải cố mà học hành cho nên người”.

Khi nghe ý định bỏ học của Hậu, và biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, nhiều giáo viên trường PTCS Hà Huy Tập đã đến động viên em. Được thầy cô và bạn bè tiếp sức, liên tục từ cấp 1 cho đến cấp 2 Hậu đạt học sinh tiên tiến xuất sắc.

“4 giờ sáng, Hậu dậy dọn dẹp bàn ghế, cùng mẹ mở quán bán hàng ăn. 7h tối, lại phải xách thùng sang hàng xóm lấy nước vo gạo về cho lợn… vất vả như thế nhưng chẳng bao giờ thấy Hậu than thở điều chi” - bà Hương tự hào về con mình.

Hậu đượm buồn: “Để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình, em cần cố gắng vượt qua những khó khăn của đời sống thường nhật. Nhưng nhìn mẹ nay ốm mai đau, lòng em lại xót xa”.

Tình thương ấp ủ dưới mái ấm gia đình, dưới mái trường thành Vinh đã “tiếp lửa” giúp cô học sinh lớp 10 Nguyễn Thị Hậu viết nên những trang văn chan chứa tình người.

Cô giáo Phan Thị Thanh Vân, THPT Huỳnh Thúc Kháng, người trực tiếp ra đề và chấm bài nhận xét: “Điều đáng quý nhất, là tình cảm chân thực và người viết có một trái tim nhân hậu. Khi tôi đọc bài văn trước lớp 10A nhiều học sinh đã bật khóc, mọi ánh mắt đều hướng về phía Hậu với sự cảm mến, tin yêu. Hậu đã vượt lên bao vất vả, lo toan, trở thành một con ngoan trò giỏi”.

Theo Ngọc Bính - Quang Long
Tiền Phong