Sống theo quảng cáo

Một cô bạn 17 tuổi, giận "ấy ơi" của mình, muốn làm lành nhưng lại ngại đi gặp. Cô nàng đem đổi một mớ xu 200 đồng mang ra hồ Con Rùa, thả xuống bùm bũm, ước nguyện rồi quay lại nhìn coi có ai hiện ra không. Dĩ nhiên chẳng thấy ai xuất hiện. Nàng ta vẫn quyết tâm tin vào mẫu quảng cáo Cocacola, người ấy sẽ đến sau lưng khi tung đồng xu thứ n.

Có dạo, dân teen Sài thành bùng nổ mốt đeo chuỗi ngọc trai với cái đuôi long thòng sau lưng. Kíp nổ của mốt quý tộc này chính là cô nàng xinh đẹp mặc váy đỏ trên TV, thỏ thẻ vào điện thoại: "Nói lại cho mình nghe là cô ấy xinh như thế nào?". Rõ ràng dấu ấn của nó đối với teen phổ biến đến mức ra tiệm muốn hỏi sợ dây chuyền đó, người ta phải nói thế này: "Chị có bán sợi dây chuyền Debon không?".

 

Gần đây lại nổi lên mốt lồng hạt ngọc trai vào tóc xuất phát từ quảng cáo dầu gội đầu mà ra cả. Quỳnh (đang học lớp 10) từng làm mẹ tá hoả khi trông thấy con gái cưng mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bù xù, kế bên là hàng đống tóc rụng và chuỗi hạt văng tung toé xung quanh.

 

Chủ tiệm các beauty salon nhân cơ hội này nhanh tay "đẻ" ra thêm cái dịch vụ trang trí tóc bằng hạt xâu vào kẽm uốn, dây cước, khỏi phải thảm cảnh xâu tóc bằng nước bọt nữa.

 

Không chỉ tạo trào lưu thời trang, những mẫu quảng cáo còn ảnh hưởng đến quan niệm "cái đẹp" của dân teen. "Tóc đẹp" phải là "tóc trông như vừa được duỗi", "tóc đẹp như vừa được hấp dầu". Đương nhiên các kiểu tóc không phải như thế đều trở thành "em mới chạy xe tới hả".

 

Không những tháng nào cũng đi hấp dầu, Cầm (lớp 10, trường Nguyễn Thị Minh Khai) còn chịu khó tập luyện để có một dáng đi làm mái tóc tung bay với những cú hất tóc rất điệu nghệ. Cô nàng rất khoái để mái tóc vừa gội trước quạt máy vù vù để thử độ suôn mềm, ít rối.... Suôn mềm hay không chưa biết, chỉ biết một tuần sau đó, nàng phải nằm bẹp dí trên giường vì cảm lạnh.

 

Một nghiên cứu mới gần đây của các nhà ngôn ngữ học cho biết, dân teen đang nói chuyện với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với bố mẹ và ông bà họ. Liệu quảng cáo là một trong những nguyên nhân chăng?

 

Lớp 12A trường Nguyễn Đình Chiểu từng bị một phen kinh hoàng khi Phượng vừa "bay" vô lớp vừa rú ầm ĩ: "Tao đã có thể nói nhanh hơn trên TV cái câu "Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khoẻ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" rùi bọn mày ạ".

 

Cái câu nói nhanh như chớp: "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" đã tạo trào lưu ráng thi nhau đọc nhanh như quảng cáo mà không vấp. Tên nào cắn nhầm lưỡi coi như thua. Tốc độ "múa môi" vì câu nói này thành ra thói quen, gọi là nói kiểu quảng cáo, tốc độ đạt đến mức nín thở.

 

Đã có không ít những gia đình mà khi ngồi nói chuyện với nhau, bố mẹ, ông bà chỉ có nước ngồi mà há hốc miệng vì "không hiểu nổi bọn nó nói với nhau bằng tiếng gì", khi hai chị em cứ liến thoắng ngồi tâm sự "riêng".

 

Ngay cả xu hướng giải trí của teen cũng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo. Khi cơn sốt Quando quando quando, Rhythm of the rain vừa lắng xuống thì lại thấy vô số các teen lao vào tiệm đĩa lùng cho ra bài Can't take my eyes out of you (giai điệu được thổi bằng chai trong một quảng cáo bia).

 

Những đoạn nhạc quảng cáo liên tục được post lên mạng từ nhạc thiếu nhi (quảng cáo sữa Em yêu Grow, em yêu Grow...) cho đến các spot nhạc được gọi là Hit như các ca khúc trong Yomost, Mitsubishi... Mấy đĩa nhạc khuyến mãi Nescafe thì được trao tay với tốc độ nhanh khủng khiếp, thậm chí còn được lùng dữ dội hơn album của một ngôi sao tầm khá.

 

Theo Hoa Học Trò