Sinh viên trường báo với lần đầu tiên đi tác nghiệp

(Dân trí) - Thi đỗ trường báo, nó vênh mặt với bạn bè bởi cái mác “con gái báo chí” theo nó là “chất” và có cái gì “sành điệu” hơn trường khác. Tuy nhiên lần đầu đi tác nghiệp, nó thấm lắm rồi cái gọi là “chất” mà không có sự chuẩn bị kĩ càng.

Mới vào trường, được cô giáo chỉ cho biết rằng “Môi trường báo chí là các em phải làm việc và lao động thực sự bằng mồ hôi công sức và trí óc một cách nghiêm túc thì mới mong ra trường là một nhà báo giỏi”.
 
Ấy vậy nhưng nó chả tin lắm bởi từ trước khi vào trường nó nghĩ: “Làm báo là do năng khiếu và cũng là cảm hứng nữa. Có cảm hứng thì sẽ phát hiện được đề tài hay và viết, chứ cái kiểu dùi mài kinh sử mà không thực sự có chất báo chí thì sẽ không bao giờ thành công”. Nó tự tin cho rằng suy nghĩ đó là đúng và chuẩn nên khi nghe cô nói, nó chỉ tặc lưỡi “nghe để biết vậy thôi”.

Sinh viên trường báo với lần đầu tiên đi tác nghiệp

Đề tài đầu tiên cô giao đó là tìm hiểu và viết về đề tài nào đó thật đặc biệt ở Hà Nội theo suy nghĩ của sinh viên. Nhận được yêu cầu, đứa nào cũng nhăn mặt vắt chán bởi chúng cho rằng “bây giờ thì làm gì còn cái nào đặc biệt mà báo chí chưa nói đến”.
 
Cô còn gợi ý có thể là đề tài cũ nhưng viết ở khía cạnh mới với những điều chưa ai nói đến vẫn được coi là một phát hiện mới mẻ. Công việc đầu tiên của lũ bạn là hùng hục lên mạng Internet để tìm kiếm những đề tài liên quan đến Hà Nội, những bài viết xoay quanh đó để tìm những cái mới.
 
Riêng nó, vì tự hào nằm trong top những sinh viên điểm cao thi đầu vào và luôn bảo thủ với suy nghĩ “làm báo là do năng khiếu chứ không cần học nhiều” nên chỉ ngồi và nghịch ngợm con điện thoại mới mua.
 
Hết tiết 2, cô bất ngờ cho cả lớp đi viết bài luôn rồi đến tiết thứ 5 mang sản phẩm quay lại trường nộp. Quá đột ngột, cho dù đứa nào cũng đang mù mịt thông tin nhưng vẫn chấp nhận đi làm. Nó cũng hơi sốc nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần và bước ra đường bắt đầu công cuộc “đãi cát tìm vàng”.
 
Phóng xe rong ruổi qua một vài tuyến phố, nó để ý thấy có cổng làng Yên Phụ, cổng làng Ô Quan Chưởng và nhớ có lần đã đi qua cổng làng Đông Ngạc. Không suy nghĩ lâu, nó biết đề tài ở đây sẽ viết là gì liền bắt tay vào làm ngay.
 
Tuy nhiên có một điều vướng mắc nó không hề có tí kiến thức nào về thời gian xây dựng cũng như những biến cố đã xảy ra đối với những cổng làng đấy.
 
Hốt hoảng, nó hỏi qua loa một vài người ở đó nhưng bản thân họ không nắm được chắc nên cũng chỉ góp nhặt những ý nho nhỏ. Vội vàng, gấp gáp vì sắp đến thời gian về nộp bài, nó kết thúc nhanh chóng với những kiến thức “mờ nhạt” không có cơ sở.
 
Một chút lo lắng, đắn đo khi nộp nhưng nó vẫn vênh mặt lắm bởi cho rằng “mình mới đúng chất nhà báo tương lai bởi chẳng cần chuẩn bị gì trước cũng đã có đề tài hấp dẫn”.
 
Kết quả, nó bị cô xả cho một trận nên thân bởi vốn hiểu biết quá nghèo nàn về những cổng làng Hà Nội mà bản thân nó lại là sinh viên thi điểm cao đầu vào. Xấu hổ tràn trề và có cả sự nuối tiếc, nó cầm lại bài đã được cô sửa và bắt đầu ngồi tra mạng Internet.
 
Hóa ra những kiến thức này đều có trên mạng hết mà nó không hề hay để ý và quan tâm. Giá mà lúc trước nó ngồi đọc thì đã không đến nỗi bị chê những lỗi không đáng sai này.
 
Lần phê bình và nhận xét thẳng thắn của cô giáo ngày hôm đó đã khiến nó thay đổi. Hóa ra làm báo phải có năng khiếu và độ “chất” nhất định, nhưng trên hết vẫn là sự chăm chỉ và rèn luyện để trau dồi kiến thức.
 
Giờ đây nó đã ra trường và theo nghiệp phóng viên nhưng những trải nghiệm lần đầu tiên tác nghiệp ấy vẫn sẽ là những kỉ niệm không bao giờ quên. Bởi chính lời cô giảng và nghề báo đã làm thay đổi hoàn toàn con người nó để nó biết “lắng nghe” và “sống chậm” hơn cho những bước đi vững vàng tiếp theo.

 

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

 

Vũ Ân