Sinh viên TP.HCM sống trọ "méo mặt" vì mùa mưa

(Dân trí) - Quần áo giặt cả tuần phơi không khô, phải mặc đồ ẩm ướt, môi trường sống nhớp nháp là tình cảnh của không ít sinh viên sống trọ tại TP.HCM khi trời mưa liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải sống trong môi trường dễ mắc bệnh.

“Hết quần áo để mặc rồi!”, đó là lời than của Duy, sinh viên trường ĐH Bách Khoa, thuê trọ ở đường Âu Cơ (Q.Tân Bình). Duy có 4 chiếc quần jean, 3 chiếc đang phơi trước nhà nhiều ngày nay chưa chưa khô, một chiếc đã mặc đi mặc lại cả tuần đang treo trên móc, đã bốc mùi nhưng chưa dám nhúng nước.

Mọi ngóc ngách trong phòng trọ đều được SV tận dụng phơi quần áo
Mọi ngóc ngách trong phòng trọ đều được SV tận dụng phơi quần áo.

“Quần áo dơ mà chưa dám giặt vì giặt bây giờ là hết đồ để mặc đến trường luôn. Quần áo giặt phơi không khô, treo từ ngày này sang ngày khác nên thà mặc đồ dơ còn hơn mặc đồ ướt”, Duy thật tình.

Đi vào dãy trọ chỗ Duy ở lúc này ai nấy phải xom lưng tránh quần áo SV phơi kín phía trên và bao vây tứ phía. Chỗ trọ nhiều tầng, không có chỗ phơi đồ nên ở lối đi lại, hành lang nhỏ hẹp hay mọi ngóc ngách như cánh cửa ra vào, cửa sổ, đến nhà vệ sinh đều được SV tận dụng để phơi quần áo. Cùng với đó là mùi ẩm ướt rất khó chịu bao trùm khắp xóm. Chỗ nào có quần áo phơi chỉ cần vỗ tay là muỗi lao ra vù vù..

Quần áo phơi chưa ráo nước đã phải nhanh tay khều vào vì… trời lại đổ mưa
Quần áo phơi chưa ráo nước đã phải nhanh tay khều vào vì… trời lại đổ mưa.

Rất nhanh tay khều đống quần áo còn ẩm ướt vừa đem ra phơi khi trời ào đổ mưa, Hồng, SV trường CĐ Điện lực, trọ ở Q.12 lại kêu ca vì không biết treo quần áo của bốn người trong phòng vào đâu bây giờ. Phòng chỉ 10m2, chỗ nào cũng chật chội, chỗ để phơi quần áo ướt lại càng khó.

“Bọn em khổ sở kinh khủng vì đồ phơi có khô nổi đâu. Hôm nay em ở nhà còn đỡ, chứ hôm nào trong phòng đi hết,đồ phơi mắc mưa lại phải giặt lại. Cứ theo vòng luẩn quẩn như vậy nên nhiều bạn hết đồ mặc, còn đồ ướt thì không có chỗ treo”, Hồng kể. Nhiều hôm, Hồng đã phải mặc đồ ẩm ướt đến trường hoặc mượn tạm quần áo của mọi người trong phòng, có người còn dùng máy sấy tóc để sấy khô quần áo. 

Trong nhà tắm của nhóm SV này còn có mấy bịch quần áo bẩn chưa dám giặt vì thiếu chỗ phơi. “Bây giờ bọn em phải treo lên vậy đó, hôm trước để trong lúc lúc lôi ra giặt thấy mấy con rết nằm trong”, Hồng rùng mình.

Khó khăn của SV sống trọ là không gian để phơi quần áo rất bị hạn chế, chủ yếu phơi ngay trước phòng. Chỗ phơi nhỏ, lại không được che chắn nên khi mưa, nếu không kịp rút quầná o thì phải chịu ướt. Mà thời tiết mùa này lại cực kỳ bất thường, mưa có thể ào xuống khi trời đang nắng đẹp ít ai lường trước được. Nhiều lúc SV cũng không có mặt ở nhà để xử lý kịp thời khi mưa nên nhiều SV đành phơi quần áo trong nhà.

“Chỉ khi ở nhà bọn em mới dám đưa đồ ra phơi vì vừa sợ mất lại sợ mắc mưa. Nhưng mọi người đi suốt, chỉ chiều tối mới có người về thì lúc đó trời lại mưa”, Phương, ĐH Công nghiệp TPHCM bày tỏ.

Quần áo phơi nhiều ngày không khô bốc mùi ẩm mốc và trở thành “ổ” cho muỗi trú ngụ
Quần áo phơi nhiều ngày không khô bốc mùi ẩm mốc và trở thành “ổ” cho muỗi trú ngụ.

Chính vì quần áo phơi trong nhà nên phòng trọ sinh viên mùa mưa đã ẩm ướt, lại càng thêm nhớp nháp. Đặc biệt có những xóm trọ không có giường, SV ngủ ở ngay nền nhà cũng đồng nghĩa với việc sống chung với cảnh nhớm nháp đó. Mùa mưa lại nhiều muỗi, lại thêm những lớp quần áo treo từ ngày này sang ngày khác trở thành ổ cho muỗi trú ngụ”. Mầm mống bệnh truyền nhiễm vì thế luôn “chầu chực” SV.

"Mùa nắng phòng trọ SV phát hỏa thì sang mùa mưa lại chịu không ít phiền toái xuất phát từ môi trường sống của mình. Suốt ngày mặc quần áo dở khô dở ướt, dày dép cũng ướt, phòng trọ cũng ẩm... Cả ngày “nhúng” trong nước mà không rủ nhau đổ bệnh hết mới lạ! Nhất là con gái bọn minh, vấn đề vệ sinh cá nhân rất đáng ngại”, 

Để khắc phục tình trạng ẩm ướt trong mùa mưa, nhiều SV xóm trọ đã phải “chơi sang” mang quần áo đi giặt ở tiệm, mua bình xịt muỗi, tăng cường ngủ mắc màn chống muỗi. Tuy nhiên, xem ra sức khỏe, sinh hoạt của SV vẫn khó tránh được những ảnh hưởng không tốt.

Lê Đăng Đạt