Sinh viên nói “không” với “một túp lều tranh hai trái tim vàng”

(Dân trí) - Tán thành sống thử và lắc đầu với tình yêu “một túp lều tranh hai trái tim vàng” là ý kiến của phần đông sinh viên tại buổi giao lưu với chủ đề “To live - to love” tại trường ĐH Thủy lợi.

Buổi giao lưu diễn ra tối 10/4, gần 1.000 sinh viên trường ĐH Thủy lợi được gặp gỡ và trao đổi với anh Thành Văn, người dẫn chương trình “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam và nhà tư vấn tâm lý Quỳnh Nga.
 
Sinh viên nói “không” với “một túp lều tranh hai trái tim vàng” - 1
Nữ sinh này đặt câu hỏi: Sinh viên có nên sống thử hay không?”. (Ảnh: Hoài Nam).

Bên cạnh các vấn đề “nóng” trong tình yêu luôn được sinh viên quan tâm như quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử thì tại buổi giao lưu này, sinh viên đặc biệt quan tâm thế nào là tình yêu chân chính, tình yêu thực dụng.

Hải Anh, nữ sinh lớp 50M1 đặt câu hỏi với hai nhà tư vấn: “Sinh viên có nên sống thử hay không?”. Trước khi trả lời câu hỏi này, nhà tư vấn tâm lý Quỳnh Nga hỏi ngược lại sinh viên: “Thế theo các bạn có nên sống thử không?”. Những tiếng “có” đồng thanh của sinh viên “lấn át” hẳn lượng người phản đối.

“Sống thử không còn bị lên án gay gắt như trước và vẫn luôn là đề tài tranh luận trên nhiều diễn đàn. Sống thử nên hay không là tùy quan niệm của từng người, có người nhìn thấy mặt tích cực nhưng cũng có người chỉ thấy tiêu cực” - Nhà tâm lý Quỳnh Nga trả lời kèm theo lời nhắn nhủ: “Nhưng phần đông những đôi yêu nhau sống thử nhưng không chuyển thử thành thật được”.
 
Sinh viên nói “không” với “một túp lều tranh hai trái tim vàng” - 2
Nhiều câu hỏi tế nhị sinh viên chỉ “hỏi nhỏ” anh Thành Văn. (Ảnh: Hoài Nam).
 
Đóng góp trong câu hỏi được nhiều sinh viên quân tâm này, anh Thành Văn lấy chuyện về một hàng phở: “Có một hàng phở treo tấm biển: “Ở đây bán phở không lấy tiền”. Ngày thứ nhất quán rất đông khách, ngày thứ hai khách vơi đi một nửa, những ngày sau khách thưa thớt dần cho dù tấm biển vẫn còn treo và đến lúc khách vẳng hẳn, không có lấy một người khách".
 
Kể đến đó, anh Văn lý giải: “Người ta chỉ thử ăn cho biết rồi sẽ đặt câu hỏi “tại sao lại miễn phí?”. Sống thử cũng vậy, đã là “miễn phí” thì rất khó có thể tồn tại được lâu. Vì thế nếu có ý định sống thử bạn nên nghĩ lại”.

Làm gì có “một túp lều tranh hai trái tim vàng”!?

Những câu hỏi như thế nào là tình yêu chân chính, tình yêu thực dụng, tình yêu thời đại tưởng như nhàn nhạt nhưng đã khuấy động không khí buổi giao lưu. Từ những vấn đề đó, mọi người cùng xoáy sâu vào khía cạnh vật chất trong tình yêu tuổi trẻ.

Anh Thành Văn đặt câu hỏi: “Bạn có tin vào “một túp lều tranh hai trái tim vàng không?” thì dưới hội trường sinh viên gần như đồng thanh: “Không”. Và chẳng có một cánh tay nào thể hiện sự tin tưởng còn có mối tình “chay” như thế trong tình yêu thời nay.
 
Sinh viên nói “không” với “một túp lều tranh hai trái tim vàng” - 3
Hầu hết sinh viên tại tham gia buổi giao lưu nói không với “túp lều tranh hai trái tim vàng”. (Ảnh: Hoài Nam).

Anh Văn nhấn mạnh với sinh viên, như thế không có nghĩa là người trẻ đang sống thực dụng mà chính xác là họ ngày càng sống thực tế. Chẳng ai suốt ngày mơ mộng, bay bổng trong tình yêu đương mà cả hai cùng phải đến một chí hướng, tương lai thì tình cảm mới có thể bền vững.
 
Trao đổi ngoài buổi giao lưu, Trọng, sinh viên khoa Công trình bày tỏ ý kiến của mình: “Khó lắm, nếu yêu nhau mà không có tiền thì tình yêu chắc chỉ đếm được bằng ngày. Vì thế nhiều sinh viên nghèo không bao giờ dám nghĩ đến việc yêu đương khi đang đi học”.

 Hoài Nam