Sinh viên đi vay nặng lãi, nợ chất chồng

Chỉ cần cắm thẻ ra vào, một học viên của một trường trung cấp ở Sơn Tây - Hà Tây có thể nhận “tiền tươi” 20 triệu đồng từ các chủ cho vay nặng lãi đối diện trường.

Học viên (HV) có thể vay nhiều không có giới hạn nếu có nhu cầu. Nhưng lãi suất lên đến 60%/ tháng, lãi mẹ đẻ lãi con nếu trả tiền quá thời hạn....

 

SV vay nợ đến 230 triệu đồng?

 

M.T (HV ngành Dược năm 1) cho biết: "Từ khi mình vào trường đến giờ gặp trường hợp nợ nhiều nhất là 230 triệu đồng". M.T kể chi tiết một trường hợp V.T mới chạy trốn vào Nam vì không thể lo nổi số tiền 150 triệu đồng cho chủ vay nặng lãi.

 

Khi đã bị các "mối" cho vay quen mặt, T tìm cách lợi dụng lòng tốt của bạn bè nhờ vay giúp một "qủa đậm" rồi lấy tiền "chuồn" mất tăm vào Nam.

 

Chúng tôi đã tìm về gia đình một phụ huynh có con em bị V.T lợi dụng vay tiền. Phụ huynh K. (HV ngành Dược Trung cấp Quân Y I Hà Tây) mếu máo: "Cháu mới vào học năm thứ nhất, chưa biết gì, bị bạn lợi dụng nhờ cháu đưa thẻ ra vay nặng lãi. Cháu vay giúp bạn 4 triệu đồng, nhưng may mà có lần đứa kia thắng đề đã trả vãn, chỉ còn 1 triệu.

 

Chủ nợ mới tính rẻ lãi suất 20%/ tháng vì cháu chỉ vay hộ. Tổng số tiền gia đình phải trả cả vốn lẫn lãi là 1.400.000 đ. Tôi phải lật đật đi vay mượn được triệu rưỡi. Còn vỏn vẹn 100 nghìn tàu xe chi phí lên trả nợ cho con".

 

Phụ huynh của em K. vẫn là một nạn nhân quá may mắn của vòng quay vay nặng lãi trong khu vực quanh trường Trung cấp Quân Y I Hà Tây. Những câu chuyện về bố mẹ bán nhà, bán đất trả cho con 300 - 400 triệu đồng, chạy đi, chạy lại trả tiền cho con không phải là những chuyện hiếm.

 

Trường hợp vị phụ huynh M. là công nhân nghỉ hưu sau vài lần bán nhà, bán đất lên trả nợ cho con, con vẫn "ngựa quen đường cũ". Ông thân chinh lên ở cùng con, đôn đốc con học. Hai bố con cùng thuê nhà trọ để ở. Con đi học bố ở ngoài cổng chờ rồi lại áp tải về nhà.

 

Hôm ông bố mải cà kê điếu thuốc lào, chưa kịp nhìn thì con đi học về trốn mất không tìm thấy. Mấy hôm sau, ông lại nhận được giấy vay nợ của con.

 

Vay luật rừng, trả cũng luật rừng

 

Những dãy nhà đối diện trường có nhiều chủ cho vay nặng lãi. Họ đứng dưới cái mác là bán hàng nước,  tạp hóa để "hành nghề". H.P, K.T (HV ngành Y hệ Dân sự) kể vanh vách những nhà nào quanh trường cho vay.

 

Mỗi nhà cho vay một giá, lãi suất thường dao động từ 20 - 60%/ tháng. Rất hiếm nhà nào cho vay lãi 20%. Từ khi giá cả vùn vụt tăng (cốc nước chè 2.000đ/ cốc) thì lãi suất cũng cất cánh theo 60%.

 

Các đối tượng cho vay nặng lãi nắm rất vững "điểm yếu" của các vị phụ huynh. Chúng thường đánh đòn tâm lý: đến hôm phát bằng tốt nghiệp, bọn vay lãi đưa giấy vay nợ vào. Nếu không trả hết nợ thì sẽ bị báo với trường và không thể lấy được bằng. Phụ huynh nào cũng tâm niệm: "Chẳng nhẽ vì mấy chục triệu mà đánh đổi tương lai của con?".

 

Nếu con có trót "nhúng chàm" thì cũng lẳng lặng mà giải quyết theo "luật rừng" không dám ho he kiện tụng vì sợ ảnh hưởng đến con. Vì thế, thực trạng vay nặng lãi vẫn tồn tại ngang nhiên.

 

Q.N (HV năm thứ 2 Quân đội hệ B ngành Dược) chia sẻ: "Họ cho mình vay thoải mái miễn có thẻ để "cắm". Hệ Dân sự (hệ B) thì họ cho vay ít hơn (nghĩa là chỉ được cắm thẻ 1 lần), còn hệ Quân sự (hệ A) thì vay đi vay lại bao nhiêu cũng được".

 

Theo N, vì hệ Quân sự ra trường sẽ được sắp xếp công việc ngay. Nhiều gia đình vì quá khó khăn thì cũng phải ngậm đắng cho con thôi học vì không thể vay nợ với lãi suất cao như thế. Trường hợp ấy hiếm, vì bọn vay nợ nhìn cơ, nhìn cửa mới cho vay.

 

K.T (HV ngành Dược hệ B) nói về “sáng kiến” vay được tiền ở nhiều nơi mà chỉ có một thẻ: "Khi cắm hết cả thẻ của mình, thì mượn  thẻ của bạn. Xin làm thẻ mới để cắm nơi khác lấy tiền tiêu". Nhưng thời gian để làm lại cũng lâu, nên K.T khuyên nên làm thẻ từ khi còn một thẻ để phòng lúc cần tiền gấp mà không moi đâu ra thẻ".

 

Một cán bộ của trường cho biết: "Trong các chức năng quản lý HV không có chức năng giải quyết vấn đề HV vay nợ. Nhà trường chỉ tăng cường giáo dục, quản lý, bám sát, kịp thời phát hiện HV vay nặng lãi để kết hợp với gia đình giải quyết". Vị cán bộ này cho biết: "Lãnh đạo trực tiếp phải nắm thông tin để quản lý HV từ nhiều nguồn, và không loại trừ phải tìm hiểu thông tin từ chủ cho vay nặng lãi".

 

Ông N. - nguyên giảng viên trường Trung cấp Quân Y I Hà Tây tâm sự: "Có nhiều trường hợp mới lên học được 5 tháng đã nợ 70 triệu đồng, cắm 4, 5 cái xe rồi bỏ luôn. Cái chính, cung cầu của xã hội, chuyện "trăm người bán vạn người mua" sao nhà trường cấm bên ngoài được.

 

 Mà người ta cho HV vay nặng lãi nhưng không lộ liễu. Ví dụ họ yêu cầu viết giấy ghi nợ mua chịu một số hàng... Pháp luật ai cấm cho vay đâu, còn cho vay nặng lãi thì ai biết vì trong giấy không ghi lãi suất.

 

Nhà trường chỉ quản lý học hành thôi, chuyện xã hội làm sao mà quản lý hết được. Một người kèm một còn chẳng được. Nhưng HV hệ A (Quân đội) vay mà có giấy ghi nợ là sẽ bị đuổi học ngay"...

 

Theo Sinh Viên Việt Nam